QĐND - Nhắc đến thị trường bánh kẹo Việt Nam, hẳn không thể không nói đến Công ty cổ phần Tràng An - một trong những đơn vị sản xuất bánh kẹo có tuổi đời hơn 50 năm - Since 1964, tiền thân từ Công tư hợp danh sản xuất Bánh-Mứt-Kẹo sau giải phóng Thủ đô. Nay Bánh kẹo Tràng An chiếm thị phần đáng kể trên thị trường với 4 nhà máy ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Vị ngọt từ kinh nghiệm lâu đời chế biến thực phẩm của người Tràng An, nguyên liệu truyền thống cộng với công nghệ sạch và vị ngọt tình người - luôn chăm lo đời sống người lao động, đền ơn đáp nghĩa, làm tốt công tác an sinh xã hội là hướng đi riêng để Tràng An thành công trước thách thức của cơ chế thị trường…
Mô hình cổ phần hóa thành công
Thị trường bánh kẹo Việt Nam gặp không ít khó khăn trong bối cảnh hội nhập, trăm hoa đua nở. Bằng cách nào để bánh kẹo Tràng An đứng vững, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và nhiều năm liền nằm trong top “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Trịnh Sỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tràng An cho biết: Tràng An tiền thân là Xí nghiệp Công tư hợp danh Bánh-Mứt-Kẹo Hà Nội, ra đời từ sau giải phóng Thủ đô và được thành lập Xí nghiệp quốc doanh 1964. Năm 1975, UBHC thành phố Hà Nội quyết định tách ra thành 2 xí nghiệp: Xí nghiệp Bánh-Mứt-Kẹo Hà Nội (thuộc Cục Thương nghiệp Hà Nội) và Xí nghiệp Kẹo Hà Nội (thuộc Cục Công nghiệp Hà Nội). Tràng An chính là một phân nhánh được nối tiếp phát triển từ Xí nghiệp Kẹo Hà Nội (1975) thành Nhà máy Kẹo Hà Nội (1989), Công ty Bánh kẹo Tràng An (1991) và ngày 01-10-2004 (sau 40 năm phát triển), Tràng An đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với 51% vốn điều lệ thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
|
Tổng giám đốc Trịnh Sỹ.
|
"Cổ phần hóa với xuất phát điểm tiền thân là doanh nghiệp nhà nước tồn tại lâu năm trong cơ chế bao cấp nên không ít sức ỳ, lực cản. Điều đó đặt ra nhiều bài toán hóc búa với người đứng đầu. Tràng An đã tập trung thu hút và phát huy các nguồn lực xã hội vào phát triển doanh nghiệp. Từ việc định giá doanh nghiệp, cơ cấu vốn điều lệ doanh nghiệp cổ phần, cơ cấu cổ đông, tổ chức bộ máy, định hướng kinh doanh đều được tối ưu hóa và hướng tới mục tiêu cao nhất là vì lợi ích của người lao động, của Nhà nước và của nhà đầu tư” - ông Trịnh Sỹ phân tích. Với vai trò người lãnh đạo giàu kinh nghiệm và tâm huyết, ban điều hành đã chèo lái Tràng An sau 12 năm cổ phần hóa gặt hái nhiều kỳ tích. Tốc độ tăng trưởng nhiều năm đạt mức 30-35%, doanh thu mấy năm gần đây đều đạt hơn 700 tỷ đồng/năm. Hiện Tràng An đang thực hiện kế hoạch hướng tới việc cơ cấu lại doanh nghiệp và thực hiện chiến lược phát triển sau EAC, FTA và TPP.
Vị ngọt tình người
Bà Lý Minh Hiền, Chủ tịch Công đoàn Công ty khẳng định: Mỗi bước phát triển của công ty đều gắn liền với sự gia tăng trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Tràng An cũng là đơn vị luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội hóa, giúp đỡ hỗ trợ người nghèo không nơi nương tựa, đồng bào lũ lụt, đền ơn đáp nghĩa các thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, công ty đã có nhiều hoạt động ý nghĩa bày tỏ tình cảm, sự tri ân sâu sắc đến các gia đình chính sách, các thương binh, bệnh binh. Cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội có những nghĩa cử cao đẹp chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
|
|
Ban lãnh đạo Công ty cũng luôn lắng nghe và tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người lao động. Từ năm 2011, thực hiện chủ trương di dời các nhà máy sản xuất công nghiệp ra vùng ngoại ô Hà Nội, dù người lao động phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mới về nơi ăn ở, đi lại, xa trung tâm văn hóa, cơ sở y tế, giáo dục, nơi mua sắm nhưng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Công ty đã mua 2 xe ô tô loại 45 chỗ để đưa đón người lao động, hỗ trợ 100.000 đồng/tháng tiền gửi xe tại các điểm đón xe, điều chỉnh giờ giấc làm việc hợp lý; vợ chồng người lao động có con nhỏ được bố trí làm ca lệch nhau để có điều kiện chăm sóc con cái. Công ty còn xây dựng nhà nghỉ ca cho người lao động; bố trí chỗ ở cho những người quê xa...
Chia tay công ty trong những ngày mùa hè nắng như đổ lửa, chúng tôi thêm xúc động khi nhìn thấy trên bảng công tác ở các nhà máy đều thấy ghi khoản chi phí “chống nóng” cho công nhân và công ty còn hỗ trợ thêm nước chanh đá cho toàn bộ người lao động. Một hình ảnh giản dị mà thật đẹp, hiếm nơi nào làm được. Chúng tôi hiểu: Đó chính là vị ngọt tình người.