Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những ánh mắt, nụ cười của bà con khi đón nhận tin vui và nhớ về một thời đấu tranh anh dũng của cha anh.

Phù Lưu là xã nằm ở phía nam huyện Ứng Hòa, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km về phía nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Phù Lưu có vị trí cực kỳ quan trọng trong khu vực phòng thủ then chốt của huyện, nằm trong An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi nuôi giấu và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đồng chí Đỗ Mười và nhiều cán bộ của Đảng về trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong niềm phấn khởi và tự hào, ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phù Lưu, trực tiếp giới thiệu với chúng tôi về quê hương Phù Lưu. Những địa danh lịch sử như: Dốc Bồ, dốc chợ Dầu, bốt Quàn Xá, bốt Thanh Bồ... đã ghi đậm dấu ấn của một thời đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của nhân dân và LLVT xã Phù Lưu. “Dưới lời hiệu triệu của Đảng, nhân dân trong xã trên dưới một lòng đứng lên mạnh mẽ đánh đuổi thực dân, đế quốc. Nhất là từ cuối tháng 3-1945, khi đồng chí Đỗ Mười về trực tiếp chỉ đạo. Phong trào cách mạng ở Phù Lưu ngày càng phát triển mạnh, vững vàng hơn”-vừa nói, ông Nguyễn Văn Kỳ vừa lật giở những trang sử vẻ vang, hào hùng của quê hương được ghi lại khá kỹ trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã.    

leftcenterrightdel
Phù Lưu khởi sắc với những con đường đã được thảm nhựa, bê tông hóa.  Ảnh: TRẦN ĐỨC

Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Kỳ Nam, Bí thư Xã bộ Phù Lưu cùng các thành viên trong Ban chấp hành mặt trận gồm: Nguyễn Xuân Bình (Bí thư Nông dân cứu quốc), Nguyễn Văn Hiến (Bí thư Công nhân cứu quốc), Phạm Thị Sang (tức Hải-Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc), Phạm Văn Cương (Đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu)... không quản ngày đêm, tích cực vận động để các Phong trào “Quân sự hóa” với phương trâm “Tĩnh vi dân, động vi binh”, “Giặc đến nhà già, trẻ đều đánh” thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Tìm hiểu lịch sử địa phương chúng tôi được biết, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và LLVT xã Phù Lưu đã trực tiếp chiến đấu và phối hợp chiến đấu gần 100 trận, tiêu diệt hơn 260 tên địch (gồm 1 tiểu đội lính Âu Phi và nhiều tên khét tiếng ác ôn trong vùng), làm bị thương hơn 50 tên, bắt sống 20 tên; trực tiếp và tham gia tiêu diệt 6 lượt đồn, bốt; thu 61 khẩu súng của địch. Trong đó có những trận đánh điển hình đã được ghi trong Lịch sử Đảng bộ huyện Ứng Hòa, như: Ngày 2-4-1947, du kích và bộ đội đồng loạt nổ súng ngay phút đầu địch vừa đặt chân đến đất Phù Lưu, làm bị thương và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Từ ngày 8-12-1948 đến 14-1-1949, dân quân du kích xã đã phối hợp với Trung đoàn 88 bố trí trận địa đánh trả, chặn đường rút của địch. Sau 35 ngày càn quét, bị quân ta giáng trả quyết liệt, địch buộc phải rút khỏi Mỹ Đức. Cánh quân của địch rút qua Ứng Hòa đều bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Cuộc tiến công của thực dân Pháp vào vùng Hương Sơn (Mỹ Đức) kết thúc, kế hoạch của địch bị thất bại. Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tần (sinh năm 1933) từng nhiều lần kể cho con cháu nghe về những tháng ngày lịch sử: Tiêu biểu trong chiến dịch này là chiến sĩ du kích Tư Năng của xã, đã một mình mang tiểu liên đuổi giặc qua 3 xã mới chịu quay về. Rồi nữ du kích Nguyễn Thị Lan bình tĩnh theo dõi, hành động kiên quyết, bắt sống 1 nhân viên phòng nhì của Pháp là Tạ Đình Hoạt trá hình chui vào tổ chức cách mạng...

Ngoài ra, xã còn tham gia tích cực vào phong trào kháng chiến của các xã lân cận trong khu vực. Du kích xã Phù Lưu là một trong những đơn vị tiêu biểu thuộc đại đội quyết tử quân của huyện Ứng Hòa. Chịu đựng sự xâm lược và đàn áp của chính quyền thực dân, chỉ tính riêng trên mảnh đất Phù Lưu, Pháp và tay sai đã thiêu hủy 837 nóc nhà, bắn chết gần 100 người, cướp phá hàng chục tấn gạo cùng nhiều tài sản khác của nhân dân. Vượt lên những mất mát, đau thương, lãnh đạo và nhân dân Phù Lưu vẫn một lòng tin theo Đảng, theo cách mạng. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Phù Lưu đóng góp cho Nhà nước 30 tấn lương thực, thực phẩm hưởng ứng Phong trào “Hũ gạo nuôi quân”, động viên và đưa tiễn 500 thanh niên nhập ngũ, hàng nghìn lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ các chiến dịch. Đặc biệt, tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã có 2 trung đội, trong đó có 1 trung đội bao gồm các thanh niên làm nghề dệt khăn tay mang tên “Đội khăn Lưu Nguyễn”, đạt thành tích cao trong vận chuyển vũ khí, lương thực, được Bộ chỉ huy chiến dịch khen ngợi. Đồng chí Nguyễn Tuế được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu về thành tích thồ gạo... “Đó là những dấu ấn lịch sử vô cùng tự hào mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Phù Lưu luôn ghi nhớ trong tâm trí, lấy đó làm động lực để phấn đấu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước”, ông Nguyễn Văn Kỳ nói.

Phát huy thế mạnh của vùng đất đặc biệt nằm ở cửa ngõ của Thủ đô, Đảng ủy, UBND xã Phù Lưu đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Là mảnh đất thuần nông, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nên để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, kiến thiết quê hương, hằng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đều có thông báo về chủ trương hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực, kích cầu đầu tư. Vì vậy, những năm vừa qua, tình hình kinh tế-xã hội của xã có nhiều khởi sắc. Kinh tế phát triển ổn định, hạ tầng tiếp tục được đầu tư, văn hóa, xã hội tiếp tục đạt kết quả tốt, đời sống nhân dân được cải thiện; các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi đã được phát hiện và nhân rộng. Điển hình là dự án nhà màng trồng dưa lưới trên diện tích hàng nghìn mét vuông của thanh niên Nguyễn Phúc Bách mang lại hiệu quả cao, được tuyên truyền sâu rộng không chỉ tại địa phương mà còn sang nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguyễn Phúc Bách vừa được thông báo là một trong số những thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2020. Từ đây, toàn xã hiện có gần 10 hộ gia đình học tập, phát triển cải tiến thành mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà kính và đã thu được thành công bước đầu, hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Để minh chứng cho thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phù Lưu có được ngày hôm nay, ông Kỳ còn đưa chúng tôi đi trên những con đường mới với nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang. Bộ mặt làng quê đã khác xưa. Các tuyến đường liên thôn đều được thảm nhựa, bê tông hóa; trạm bơm, kênh mương được kiên cố hóa phục vụ sản xuất. Giới thiệu về hai ngôi trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia; những nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng được đầu tư quy mô, thống nhất... ông Kỳ không giấu nổi niềm tự hào về sự “thay da đổi thịt” của quê hương. Và để làm rõ hơn kết quả đạt được của địa phương trong thời gian qua, ông Phạm Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cung cấp thêm cho chúng tôi những số liệu cụ thể: Xã đã cán đích đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Hiện toàn xã có 1.478 gia đình được công nhận là gia đình văn hóa (chiếm 91%); thu nhập bình quân đầu người là 47,3 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ...

Những con số “biết nói” cùng hình ảnh một miền quê đang trên đà phát triển đã góp phần khẳng định: Vững bước trên đường đổi mới, người dân xã Phù Lưu càng tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay kỳ diệu trên quê hương, đất nước để phát huy truyền thống anh hùng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

HƯỚNG NAM