QĐND - Trong khuôn viên Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc tại quận 9, TP Hồ Chí Minh, có một công trình mang ý nghĩa như một điểm nhấn của kiến trúc, văn hóa lịch sử, đó là Đền tưởng niệm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Công trình thể hiện sự tri ân của chính quyền, nhân dân Thành phố đối với bậc tiền nhân, một danh tướng, người có công mở mang vùng đất phương Nam, xác lập chủ quyền Đàng Trong, đặc biệt là vùng đất Sài Gòn-Gia Định.
Đền tưởng niệm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là công trình quy mô, xứng tầm công đức của người mở cõi. Công trình được xây dựng trên diện tích hơn 7.440m², bao gồm nhiều hạng mục chính như: Khối đền chính, nhà điều hành, cổng tam quan, văn bia, hồ nước, giao thông nội bộ, kè bảo vệ…, thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt bằng các vật liệu gỗ, nền lót gạch nung, lợp mái ngói, cửa cách điệu cây lá vùng sông nước Nam Bộ. Đây là một trong những điểm “về nguồn” giáo dục truyền thống, ôn lại những trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, kiên cường, bất khuất và khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; qua đó hun đúc lòng yêu nước, thương nòi và niềm tôn kính các bậc tiền nhân đã có công khai phá, tạo dựng nên vùng đất Sài Gòn-Gia Định trù phú, nghĩa tình.
 |
Đền tưởng niệm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. |
Sử liệu tại Đền thờ ghi rằng, năm 1650, Nguyễn Hữu Cảnh ra đời, là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật, người thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Thời trẻ Nguyễn Hữu Cảnh đã nổi tiếng khắp vùng bởi “văn võ song toàn” và lập được nhiều chiến công. Chúa Nguyễn phong cho ông chức Cai cơ, một chức võ quan bậc cao, rồi sau đó được thăng chức Tổng binh. Từ đây, sự nghiệp của ông được ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc với những lần chinh phạt ngoại bang, giữ yên bờ cõi. Đặc biệt, đầu năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Tổng binh-Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược nhằm sáp nhập đất Đồng Nai-Gia Định vào bản đồ xứ Đàng Trong mở mang thêm đất đai, tạo ra những cơ sở đầu tiên về hành chính, tổ chức lại xã hội, làm tiền đề phát triển kinh tế Đàng Trong. Sinh thời, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng viết: Nguyễn Hữu Cảnh là người khai cơ, bố trí hệ thống nhà nước trên đất
Sài Gòn-Gia Định. Ông tiến hành lập xã, thôn, phường, ấp chuẩn bị thuế đinh, thuế điền và lập sổ bộ đinh, điền. Dân chúng coi ông như người đại diện của Tổ quốc. Việc làm trên của ông là một bước ngoặt lịch sử trọng đại trong công cuộc khẩn hoang xứ Đàng Trong. Bởi đây là lần đầu tiên làng xã của người Việt chính thức được thành lập tại đất Đồng Nai-Gia Định.
Song song với việc lập ấp và xây dựng hệ thống chính quyền mới, Nguyễn Hữu Cảnh cho chiêu mộ những người dân có của cải ở xứ Quảng Nam và phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi chuyển đến Gia Định, Đồng Nai mở mang đất đai, làm nhà cửa, nương rẫy, trồng cây, cấy lúa... Điền thổ xứ Đàng Trong ngày càng được mở mang, thóc gạo rất nhiều. Đời sống của người dân ngày một sung túc, trù phú. Nhà sử học Phan Xuân Biên nhận định: Chỉ trong vòng một năm vào Nam kinh lược, Nguyễn Hữu Cảnh đã có công lao rất lớn trong việc mở mang vùng đất Gia Định-
Đồng Nai và xây dựng nên khu thương mại sầm uất với nhiều chính sách tiến bộ khuyến khích người dân hăng say lao động, biến rừng sâu, đầm lầy thành trang trại, đồng lúa phì nhiêu; biến đói nghèo, hoang sơ thành trung tâm buôn bán tấp nập nức tiếng một thời. Ông là người đi tiên phong trong việc cải cách chính sách thương mại, cảng biển thuận tiện cho thương khách ngoại bang giao thương hàng hóa với người dân vùng Gia Định-Đồng Nai. Có thể nói, chính sự khai phá vùng đất mới của Nguyễn Hữu Cảnh là cơ sở để Chúa Nguyễn từng bước mở rộng các vùng đất khác. Từ khi Gia Định phủ ra đời, thế lực của Chúa Nguyễn ở Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.
Sau thời gian kinh lược Nam phương, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục cầm quân bảo vệ Tổ quốc. Ông bị bệnh và mất vào ngày 16-5-1700. Với những công lao cống hiến cho dân, cho nước, khi mất đi, Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn phong tước Lễ Thành hầu. Người dân lập đền ở khắp mọi nơi để thờ phụng ông với lòng tôn kính. Tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều địa phương lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nhằm tưởng nhớ công ơn người đặt nền móng vùng đất Sài Gòn-Gia Định, trong đó Đền thờ tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc là công trình quy mô lớn nhất.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ đời thứ 10 dòng họ Nguyễn Hữu, tâm sự: “Con cháu trong dòng tộc rất tự hào về ân phúc, công đức của tiền nhân, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với lãnh đạo và nhân dân Thành phố đã xây dựng công trình lịch sử này. Thế hệ hậu sinh của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nguyện phấn đấu học tập, công tác, cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương đất nước”.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Công đức và nhân cách của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn lưu mãi trong tiềm thức của người dân Nam Bộ. Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những cụm di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt nối liền với Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. Thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau phải luôn phấn đấu hết sức mình, tiếp nối truyền thống tổ tiên, ông cha, xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng văn minh-hiện đại-nghĩa tình”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH