QĐND - Thiên tài Nguyễn Trãi, vào đầu năm 1428, trong áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo, đã có hai câu tuyệt hay, để hình tượng hóa phương châm và tư tưởng tổ chức-xây dựng quân đội của Phong trào Lam Sơn ở buổi đầu phát động khởi nghĩa và kháng chiến chống giặc Minh xâm lược-đô hộ, như sau (dịch):

"Dựng gậy làm cờ, tụ hội bốn phương manh, lệ

Hòa rượu mời lính, trên dưới một dạ cha-con”

Lời chú giải của bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

- "Dựng gậy làm cờ”: Nguyên văn là “Yết can vi kỳ”, là chữ trong Hán thư, ý nói cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có tính chất quần chúng rộng rãi;

- "Manh, lệ”: Là thường dân, nông dân (manh) và những người bị lệ thuộc, như nô tỳ (lệ). Hai chữ này, chỉ những người có thân phận thấp kém trong xã hội cũ;

- "Hòa rượu mời lính”: Điển tích ở chuyện xưa có viên tướng giỏi, được biếu một bình rượu ngon, liền đem rượu đổ xuống sông, bảo quân sĩ cùng uống, để tỏ lòng “đồng cam cộng khổ” từ trên xuống dưới.

Trong thực tế lịch sử, không chỉ ở buổi đầu, mà suốt trong 10 năm gian khổ và vẻ vang - từ đầu năm 1418 đến cuối năm 1427-chống, đánh và đánh thắng giặc Minh xâm lược-đô hộ, lực lượng quân đội của Phong trào Lam Sơn-luôn được gọi là “nghĩa quân”-đã được hình thành và theo các đặc điểm này: Lấy tầng lớp lao động nghèo khổ làm thành phần chính yếu; lấy sự đoàn kết, thân thiết, trên dưới một lòng làm tinh thần chủ đạo.

Minh họa: Phạm Hà.

Để tạo nòng cốt, tham mưu và chỉ huy một lực lượng quân đội-"nghĩa quân” như thế, ngay từ năm 1416, đã có sáng kiến tổ chức “Hội thề Lũng Nhai”, tập hợp 18 hạt nhân trung kiên đầu tiên, cùng với chủ tướng Lê Lợi, bí mật làm lễ ăn thề ở địa điểm Lũng Nhai, “nguyện sống chết có nhau”, "kết nghĩa thân nhau như cùng một tổ liền cành”, "coi tình như chung một họ”, “chung sức đồng lòng giữ gìn đất nước để trong cõi được sống yên lành”!

Với những lời thề như thế, hai năm trước ngày ra đời những đơn vị quân đội đầu tiên, phong trào Lam Sơn đã vừa có sớm được một “bộ chỉ huy”, vừa rèn cặp được cho bộ phận đầu não ấy, cũng như cho toàn quân phẩm chất hàng đầu và xuyên suốt-là tinh thần thân thiết thống nhất và đoàn kết-mà đến năm 1428 thì Nguyễn Trãi đã tổng kết thành nguyên lý, trong Bình Ngô đại cáo.
Nhờ có tinh thần ấy mà vào lúc chính thức bắt đầu quá trình hình thành, lực lượng quân đội của Phong trào Lam Sơn đã rõ ra là một đạo nghĩa quân đặc sắc, tuy số lượng không nhiều, lại thiếu thốn về mặt vật chất, như Nguyễn Trãi đã nói: “Cơm ăn chẳng nề hai bữa, áo mặc chẳng phân đông hè, quân lính chỉ độ vài nghìn, khí giới thì thật tay không”.

Các sử liệu ở ngay thế kỷ 15 đã cụ thể hóa và chi tiết hóa được con số “chỉ độ vài nghìn” của nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1418:

- Theo sách Lam Sơn thực lục, thì đó là: 51 tướng cả văn lẫn võ, 200 quân thiết kỵ, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 14 thớt voi, cộng với các người phục dịch, thành tổng số 2.000 người.

- Còn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Võ thần (tức võ tướng) là bọn Lê Thạch, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân, Lê Lý... 30 người; văn thần (tức quan văn đi theo quân ngũ, càng ít hơn, chỉ vài ba người) là bọn Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng. Quân cha con (tức lính chiến đấu thân thiết) thì có 200 quân thiết đột (tức lính xung kích), 200 nghĩa sĩ, 300 dũng sĩ, 4 thớt voi, còn lại là quân khinh dũng và quân già yếu hộ vệ, gồm 1.000 người”.

Một lực lượng quân đội với số lượng như thế, là phù hợp với tính chất của “chiếc nôi sinh thành” đạo quân này. Thực chất, đây là một “đạo quân riêng”, do thủ lĩnh vùng Lam Sơn-"Đạo Cham” (phụ đạo đất Cham)-là Lê Lợi “dốc hết của nhà, hậu đãi tân khách” như lời Văn bia Vĩnh Lăng (1433) đã viết-tức là: Lấy hết tài nguyên của chỉ một làng do Lê Lợi làm chủ, để lập quân, luyện quân và nuôi quân! Tương tự như sự việc ở thế kỷ thứ 10, thủ lĩnh “Làng họ Dương” (Dương Xá) tức “Ấp Ràng”-là Dương Đình Nghệ-đã dùng tài nguyên của ngôi làng mà mình là chủ, lập được một “đạo quân con nuôi” 3.000 người!

Một “đạo quân riêng” của thủ lĩnh Bình Định vương Lê Lợi như thế, vừa nhỏ bé, vừa chưa từng qua một lần trận mạc, tất nhiên, so với đạo “quân nhà nghề” của giặc Minh: Số lượng đã rất đông (chỉ riêng mấy lần kéo đến đàn áp vùng tụ nghĩa và dấy nghĩa đầu tiên, đã huy động tới 10 vạn), chỉ huy lại lão luyện (như các tổng binh, đô đốc: Lý Bân, Trần Trí, Phương Chính, Mã Kỳ...) thì chênh lệch là quá lớn. Vì thế, ở những năm tháng chiến trận đầu tiên, khó khăn tổn thất rất nhiều, như Nguyễn Trãi đã mô tả: "Khi Linh Sơn, lương hết đã mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện, quân không còn một lữ”, thậm chí thương vong hoặc hy sinh cả những chỉ huy chí cốt, như Lê Thạch, Lê Lai... Còn quân lương, thì-như sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn nói-nhiều lúc “chỉ có măng tre và rễ cỏ làm bữa, ăn cho khỏi đói”!

Trong hoàn cảnh như thế, lấy thực tiễn chiến đấu và chiến trường làm điều kiện trưởng thành, xây dựng lực lượng bằng phương thức huy động sức dân, kể cả sự trợ giúp của nước Ai Lao láng giềng-như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại: “Vua (tức Bình Định vương Lê Lợi) bèn phủ dụ, chiêu tập nhân dân các xứ, những huyện lân cận đều hưởng ứng theo”, và: “Người Ai Lao cũng đến giúp đỡ về lương thực, vũ khí cùng voi ngựa”-bổ sung quân số không ngừng, đặc biệt là thu hút, tích hợp được toàn bộ lực lượng của thủ lĩnh Nguyễn Chích từ cuộc khởi nghĩa Hoàng Nghiên dưới đồng bằng Đông Sơn-Nông Cống vào cuối năm 1420, thực lực đạo nghĩa quân Lam Sơn đã mạnh dần lên, chẳng những cầm cự được với giặc Minh, mà còn giáng được những đòn hiểm, gây cho chúng những khó khăn đáng kể.

Một bước ngoặt quan trọng, từ năm 1424, theo mưu kế của tướng Nguyễn Chích-toàn bộ lực lượng nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển hướng chiến lược vào hoạt động ở xứ Nghệ, rồi từ đấy, phát triển vào Tân Bình-Thuận Hóa. Kết quả là, chỉ trong hai năm, không những số lượng đông lên nhảy vọt, mà chất lượng (tổ chức quân ngũ, khả năng chiến đấu của quân sĩ, tài thao lược của tướng lĩnh...) cũng được tăng cường vượt bậc.

Chính ở xứ Nghệ, trong khi sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến theo như đi chợ”, thì các sách Lam Sơn thực lục, Đại Việt thông sử... thống kê: Hơn 5.000 trai tráng ở châu Trà Lân đã được tuyển thêm vào đội ngũ nghĩa quân; tù trưởng Cầm Quý (người dân tộc Thái) đem 8.000 quân và 10 con voi chiến đến gia nhập nghĩa quân... Ở cuộc tiến quân vào Tân Bình-Thuận Hóa (tháng 8-1425), nghĩa quân đã tổ chức được cả quân đánh thủy (gồm 70 chiến thuyền, do các tướng Lê Ngân, Lê Văn An... chỉ huy) phối hợp với bộ binh (có cả tượng binh đi kèm) do các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ... chỉ huy, và đã tuyển mộ thêm được đến vài vạn quân!

Nhờ thế, sau một thời gian-như thấy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Rèn tập tướng sĩ, sắm sửa khí giới, chiến cụ đầy đủ”, và: “Dạy bảo các phép đứng ngồi đâm chém, chỉ dẫn những thế kỳ chính phân hợp, cho biết các hiệu trống chiêng cờ lệnh, kỷ luật đã nghiêm chỉnh mà khí thế càng hăng hái”, lực lượng quân đội Lam Sơn đã vừa đông đảo, vừa đủ chủng loại, tinh thần chiến đấu và quân phong, quân kỷ đều cao, đã thực sự trở thành một đạo quân của dân tộc, làm nòng cốt cho một cuộc chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ.

Do đó mà trong vòng hai năm 1426-1427, tiến bộ cả về thế lẫn lực, đạo quân mạnh cả về lượng và chất ấy đã được đưa ra chiến trường chính yếu và quyết định phía Bắc. Nhiều cánh quân: Bộ binh thì gồm từ vài ba nghìn đến hàng vạn, có voi chiến đi kèm; thủy quân thì chiến thuyền lên tới con số hàng trăm, được giao cho các tướng lĩnh tài năng và kinh nghiệm chiến đấu: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Xí, Nguyễn Chích, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Lý Triện, Lê Sát, Lê Ngân, Trần Lựu, Trịnh Khả, Lê Văn An... chỉ huy. Với khí thế-như Bình Ngô đại cáo đã mô tả: “Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi”, và: “Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc/ Đánh hai trận, tan tác chim muông”, lực lượng quân đội chủ lực ấy đã kết hợp cùng quân đội ở các lộ, trấn (“quân địa phương”) và đặc biệt là lực lượng “tuần tráng”, “tuần đinh” (tức “dân binh”), dưới sự chỉ đạo mưu trí, sáng tạo, linh hoạt và quyết đoán của chủ tướng Bình Định vương Lê Lợi và đặc biệt là “quân sư” Nguyễn Trãi với chiến lược “tâm công” (đánh vào lòng người), đã giao tranh những trận lớn: “Ghê gớm thay, sắc phong vẫn phải đổi/ Ảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ”, và thắng lớn ở: "Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm/ Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối ngàn năm”, ở: "Lạng Giang, Lạng Sơn thây chết đầy đường/ Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước”, và ở: "Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chầy, nước sông rền rĩ/ Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đỏ lòm”... (Bình Ngô đại cáo).

Hết sức đặc sắc là trong bối cảnh lịch sử thời trung cổ, đầu thế kỷ 15 đã có đến ba chiến dịch quân sự đích thực được tổ chức và thực hiện thành công, là: Chiến dịch Chúc Động-Tốt Động (tháng 11-1426), Chiến dịch bao vây-giải phóng thành Đông Quan (cuối năm 1426-cuối năm 1427) và Chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang (tháng 10, 11-1427), tiêu diệt mỗi chiến dịch đến 10 vạn quân địch và giải phóng miền trung tâm đầu não của đất nước, dẫn đến kết cục huy hoàng của sự nghiệp 10 năm oanh liệt và bền bỉ đánh giặc, vào cuối năm 1427:

"Một gươm đại địch, nên công oanh liệt vô song

Bốn biển thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”

 (Bình Ngô đại cáo)

Vào lúc ấy, tổng quân số của lực lượng nghĩa quân Lam Sơn đã lên tới 35 vạn người. Và, đúng như lời hứa hẹn từ trước, 25 vạn người đã được cho về nhà làm ruộng (“phục viên”), chỉ giữ lại 10 vạn người, làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ đất nước ở thời kỳ mới.

Tuy đã mất thêm-vào những năm 1426, 1427-nhiều tướng lĩnh tài năng và công huân, như: Lý Triệu, Đinh Lễ, Đỗ Bí..., nhưng vào các năm 1428, 1429 vẫn còn 121 người (ở “đợt 1”) và 93 người (ở “đợt 2”) được vinh phong “Công thần”...

Lịch sử 10 năm hình thành rồi thành hình quân đội của Phong trào Lam Sơn như thế, ở đầu thế kỷ 15, đã có và còn có rất nhiều vấn đề quan trọng, bổ ích và lý thú, để lại cho thời đại sau. Chắc chắn, nó đã được nghiên cứu, ứng dụng, ở thời kỳ thành lập Quân đội nhân dân 7 thập kỷ trước. Và vì vậy, xứng đáng, cần thiết được tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng sâu sắc và linh hoạt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, cũng như mai này.

GS LÊ VĂN LAN