Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân khu 9 kể: "Năm 1966, tôi nhập ngũ khi mới 16 tuổi, là chiến sĩ của Tiểu đoàn 303, thuộc Trung đoàn 1, Quân khu 9. Trước khi diễn ra trận đánh, Tiểu đoàn 303 từ hướng Rạch Giá hành quân về đóng tại vịnh Xẻo Giá bên dòng kênh Thanh Thủy thuộc xã Vĩnh Viễn, nhưng không phải tham gia đánh trận này. Hồi đó nơi đây là vùng hoang vu rộng lớn, chỉ có vài hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, phát hiện bộ đội ta, địch đã cho trực thăng đổ quân và máy bay phản lực ném bom vào đội hình đơn vị sáng 15-2-1967, nhằm mồng 7 Tết Nguyên đán Đinh Mùi".

Trong trận này, địch tập trung 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 31 (Sư đoàn 21) và Tiểu đoàn biệt động quân 44, trong khi ta chỉ có một tiểu đoàn thiếu. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, bộ đội ta đã bẻ gãy hàng chục đợt tấn công với mật độ bom dày đặc mang tính hủy diệt của địch. "Nhiều tấm gương anh dũng như Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Dung và Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Huỳnh Thanh Xuân đã trực tiếp cầm súng bắn rơi mấy chiếc trực thăng địch. Rồi chiến sĩ trinh sát Đại đội 3 Danh Sâm, dân tộc Khơ-me, đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng trước khi bị địch tràn vào bắt đưa về Vị Thanh... Nhà văn, nhà báo quân đội Lê Vĩnh Hòa đã hy sinh trong trận này trong tư thế cầm súng chiến đấu", Trung tướng Nguyễn Việt Quân xúc động nói.

leftcenterrightdel
Nhân dân đến viếng các liệt sĩ tại Bia tưởng niệm liệt sĩ trận Thanh Thủy-Xẻo Giá.

Sau gần một ngày đánh trả quyết liệt, ta loại khỏi vòng chiến đấu 350 tên địch, bắn rơi 13 trực thăng quân sự UH1 và 2 máy bay phản lực ném bom F105. Đây là một trong những trận đánh ta bắn rơi nhiều máy bay nhất ở miền Tây Nam Bộ (sau trận Chà Là ở Cà Mau ta bắn rơi 21 chiếc), gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Đặc biệt, chiến thắng này đã góp phần làm thất bại chiến thuật "Trực thăng vận" được cho là tân kỳ trong chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam từ năm 1960 của đế quốc Mỹ. Song, không ít cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 303 đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Ông Bùi Trung Bắc lúc đó là Xã đội phó xã Vĩnh Viễn, khi nhắc lại trận đánh Thanh Thủy-Xẻo Giá, ông vẫn còn cảm giác đau đớn: "Tôi không thể cầm được nước mắt khi thấy đạn bom cày nát trận địa, thi thể các chiến sĩ rải rác khắp nơi, nhiều người không còn nguyên vẹn, không thể nhận ra tên tuổi... Tiểu đoàn 303 có 63 đồng chí hy sinh và 25 đồng chí bị thương, du kích và cán bộ xã có 5 người hy sinh... Chúng tôi đã đưa về an táng ở 5 nghĩa trang".

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đáp ứng tình cảm và mong mỏi của nhân dân địa phương, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hậu Giang và Ban liên lạc Trung đoàn 1, huyện Long Mỹ đã tiến hành xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ trận Thanh Thủy-Xẻo Giá tại ấp 7 thuộc xã Vĩnh Viễn A-đúng tâm điểm diễn ra trận đánh năm xưa. Công trình được xây dựng trên diện tích 500m2, thiết kế thể hiện giá trị thẩm mỹ và tâm linh, gồm có: Nhà bia chính, bia ghi lại tóm tắt trận đánh và sơ đồ trận đánh, lối đi và cây xanh với tổng vốn đầu tư gần một tỷ đồng. Ông Lê Hữu Phước, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ chia sẻ: "Mặc dù trận đánh đã lùi xa về quá khứ nhưng ký ức, tình cảm các cựu binh năm xưa của Tiểu đoàn 303 và niềm tiếc thương liệt sĩ của bà con nơi đây còn hiển hiện, khôn nguôi. Đối với bà con, dường như linh hồn của các liệt sĩ vẫn còn đâu đó nơi bờ mương gốc liếp, nơi bụi cỏ lùm cây. Hôm nay, bà con an lòng vì mong muốn có được nơi đàng hoàng, trang nghiêm để sớm hôm nhang khói, thờ cúng liệt sĩ. Chính quyền và nhân dân địa phương sẽ tổ chức lễ giỗ tập thể vào ngày mồng 7 Tết Nguyên đán hằng năm. Đây cũng là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ".

Kỷ niệm 50 năm trận đánh Thanh Thủy-Xẻo Giá và khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 đã hành quân về xã Vĩnh Viễn A thăm lại chiến trường xưa và làm công tác vận động quần chúng. Trung tá Trần Danh Bảng, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 cho biết: "Khi được thông báo thì tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhất là các chiến sĩ lần đầu tiên đi dã ngoại rất phấn khởi và hào hứng. Anh em làm mọi công tác chuẩn bị chu đáo trước khi về đây - nơi thế hệ cha anh của đơn vị đã để lại những dấu ấn đặc biệt". Trung sĩ Huỳnh Hải Đăng cũng chia sẻ: "Chúng tôi về đây không chỉ về lại cội nguồn của chiến thắng oanh liệt mà bi hùng của đơn vị, mà còn cùng chung sức giúp bà con sửa sang các tuyến đường, nhà cửa, phát hoang bụi rậm cho khang trang và sạch đẹp hơn".

Bài và ảnh: KIÊN GIANG