Từ ước nguyện của ba
Gặp anh những ngày cuối tháng ba, tôi không bất ngờ khi biết anh rất bận rộn với công việc cơ quan và nhiều hoạt động liên quan đến các di tích thuộc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định dịp lễ 30-4. Anh bắt đầu câu chuyện bằng một tin vui: “Mình đang thương lượng với chủ một căn nhà để làm thêm một khu di tích về lực lượng Biệt động Sài Gòn. Hy vọng sẽ thành công”. Căn nhà này có nhiều kỷ niệm với ba mẹ anh cũng như các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa nên anh quyết tâm chuộc lại dù mất khá nhiều thời gian và tiền bạc. Nghe anh nói về những công việc liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn, tôi lại nhớ lần đầu gặp anh hơn 10 năm trước, vẫn phong thái nhiệt tình, tâm huyết và say mê với công việc mà ít người quan tâm.
Ký ức về thời niên thiếu của anh không ít trăn trở, mặc cảm khi anh sống với mẹ và không được biết tới ba mình. Ba anh là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai, ngày đó hoạt động dưới vỏ bọc nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, Năm USOM-thầu khoán Dinh Độc Lập, nhưng vì hoạt động bí mật nên mối quan hệ gia đình được giữ kín. Anh Trần Vũ Bình cho biết: “Tôi chỉ biết tới mẹ thôi, không biết tới ba. Ba tôi mà có về nhà cũng chỉ dám kêu má. Trong nhà tôi có hai má”.
Sau này, khi đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ nhưng trong lòng anh nhiều lúc vẫn rất giận ba vì ông vô cùng nghiêm khắc, đặc biệt trong chuyện sửa nhà. Anh tâm sự: “Căn nhà gia đình tôi ở chật hẹp, lem luốc, hầm, hố mọi nơi mà nhất quyết ông cụ không cho sửa hay sơn phết gì, kể cả vào những dịp lễ, tết. Tôi cũng mặc cảm với bạn bè, hồi đó có bạn gái mà không dám dẫn về nhà”. Rất nghiêm khắc, nhưng ông lại là người vô cùng thương con. Anh Bình thường xuyên được ba đưa đi đây đó, đặc biệt là những cuộc họp mặt đồng đội cũ hay thăm lại các cơ sở cách mạng ông từng tham gia.
|
|
Du khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Ảnh: THANH BÌNH |
Sau này, khi tìm hiểu, thán phục trước sự hy sinh và những chiến công lừng lẫy của lực lượng Biệt động Sài Gòn, anh Bình mới thấu hiểu ý nghĩa trong câu nói của người cha “khó tính”: “Nhà này có sao ở vậy, không được sửa chữa”. Hóa ra, căn nhà anh ở có hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất và trên trần rất bí mật. Cấu trúc căn nhà cũng không giống với những ngôi nhà khác. Ba anh mong muốn lưu giữ nguyên vẹn để làm di tích lịch sử cho thế hệ sau. Đó cũng là ước nguyện của ba anh trước lúc ra đi...
Thấu hiểu mong ước đó, với niềm say mê tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn, từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh Trần Vũ Bình đã ngược xuôi khắp nơi tìm lại những di vật của ba và đồng đội để phục dựng các địa điểm từng là nơi hoạt động của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Trần Vũ Bình đã mua lại, phục dựng và đưa vào khai thác hơn 10 di tích từng là nơi hoạt động của lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Có thể kể đến một số địa điểm chính như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định (145 Trần Quang Khải, quận 1); Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, quận 1); Hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân của Biệt động Sài Gòn (287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3); Garage Biệt động Sài Gòn (499/20 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10)...
Điều khó khăn và tiếc nuối nhất với anh là nhiều căn nhà từng là cơ sở cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa giờ không còn nguyên vẹn và trị giá cũng rất lớn. Để chuộc lại những căn nhà đó, anh phải vay mượn khắp nơi hoặc cầm cố những căn khác rồi tìm cách trả dần. Anh Bình chia sẻ, nhiều người can ngăn anh làm những việc chẳng ai làm. Ngay cả người thân của anh cũng nói: “Chiến tranh kết thúc rồi, hòa bình rồi, phục dựng những cái đó làm gì?”. Rồi cả chuyện hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng khi anh cứ miệt mài với công việc “không giống ai” đó. Nhưng anh Bình vẫn quyết tâm làm, đồng thời thuyết phục mọi người trong gia đình. Dần dần rồi mọi người cũng thấu hiểu và ủng hộ anh.
Công tác sưu tầm, tìm kiếm hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn cũng không hề đơn giản. Anh Bình tâm sự: “Nhiều vật dụng gắn liền với lực lượng Biệt động Sài Gòn không thể tìm thấy nhưng chúng tôi cố gắng phục dựng để người xem có cảm nhận thật nhất có thể. Địa điểm đầu tiên là căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) phải mất mấy năm gom nhặt mới có đủ vật liệu để phục dựng căn nhà. Năm 1988, căn nhà đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia; trở thành “địa chỉ đỏ” nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến tham quan...”.
Lưu trữ và lan tỏa
Càng cất công sưu tầm, phục dựng các di tích lịch sử liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn, anh Bình lại càng cảm phục và tự hào về những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước. Anh thấy như mình luôn mang “món nợ” với ký ức Biệt động Sài Gòn, mong muốn lan tỏa giá trị lịch sử và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ biệt động ngày xưa đến thế hệ trẻ ngày nay. Anh tâm sự: “Mình hiểu biết về lịch sử, về lực lượng Biệt động Sài Gòn mà không chia sẻ, lan tỏa, truyền năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ là mang tội lớn với cha ông”.
Sự ra đời của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định là trái ngọt sau hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm. Nhưng làm sao để Bảo tàng “sống khỏe” trong khi nhiều di tích lịch sử khác trên địa bàn đang “ngủ quên” là điều khiến anh Bình phải suy nghĩ. Anh đã mạnh dạn triển khai ý tưởng xây dựng một tour du lịch đưa khách tham quan các điểm di tích lịch sử, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn. Hiện nay, khách tham gia tour du lịch này được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt và rất ấn tượng với những hiện vật được trưng bày.
|
|
Anh Trần Vũ Bình phục dựng giếng cổ tại Garage Biệt động Sài Gòn (quận 10). Ảnh: TRƯƠNG VĂN THAU
|
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, các công ty lữ hành đã đưa rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Du khách không chỉ tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn qua các di tích, hiện vật mà còn trải nghiệm ẩm thực, giao lưu với người dân, nhân chứng lịch sử tại các địa điểm lưu trú... Trung bình mỗi tháng, các điểm di tích lịch sử Biệt động Sài Gòn đón hơn 10 đoàn tham quan. Lượng khách đến các địa điểm này tăng cao, nhất là vào dịp Tết và các ngày lễ lớn như kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quốc khánh 2-9...
Để thu hút các bạn trẻ đến Bảo tàng, anh Trần Vũ Bình đã cùng bạn bè xây dựng bảo tàng thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại. Anh Bình cho biết: “Chúng tôi mở bảo tàng và các di tích 24/7 vì muốn người dân có nhiều cơ hội trải nghiệm. Không giống các bảo tàng khác, ở bảo tàng này, du khách có thể ngồi ghế, ăn nhẹ và đeo kính 3D để trải nghiệm. Nhiều bạn trẻ tới đây lần đầu vì tò mò về công nghệ, ứng dụng hiện đại nhưng cái thu hút các em lại là những hiện vật, hầm trú ẩn hay những câu chuyện cảm động về lực lượng Biệt động Sài Gòn”. Vào các dịp lễ quan trọng, anh Bình thường tổ chức chương trình gặp gỡ nhân chứng sống là những cựu chiến sĩ biệt động để giao lưu với du khách.
Sự thành công của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho anh Bình tiếp tục theo đuổi quyết tâm của mình. Anh chia sẻ: “Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe, nhiều động lực để đi nhiều hơn, phục dựng được nhiều di tích hơn để nhiều người biết các chiến sĩ biệt động đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc”. Anh Bình đã cho nhân bản mô hình Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định tại nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ngãi, Long An... và tiếp tục thực hiện tại các địa phương khác trong cả nước.
Điều anh Bình đau đáu hiện nay là những nhân chứng sống của lực lượng biệt động ngày càng ít đi do tuổi cao, sức yếu. Một số chiến sĩ chưa được công nhận do hoạt động bí mật và không còn tài liệu, hồ sơ lưu trữ. Anh tâm sự: “Đa số mọi người biết về lực lượng Biệt động Sài Gòn qua các trận đánh lớn mà không biết để có được những chiến công đó là cả một quá trình chuẩn bị với sự tham gia của rất nhiều bộ phận khác nhau. Chúng ta phải nhanh chóng có một tài liệu chính thống, cụ thể, chi tiết, chính xác về toàn bộ lực lượng Biệt động Sài Gòn để lưu trữ và lan tỏa cho các thế hệ sau”.
Anh Trần Vũ Bình (tên thật là Trần Kiến Xương) hiện là Phó chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trưởng đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh. Sau gần 30 năm, anh đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật về Biệt động Sài Gòn. Trong đó, gia đình anh đã tặng 2 chiếc xe ô tô cổ quý giá: 1 cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình và 1 cho Bảo tàng Đặc công.
|
MINH NGÂN