Từ Quốc lộ 37 đi vào một vùng đồi thấp là đến Lữ đoàn 675. Thượng tá Trần Ngọc Chiến, Trợ lý Phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị Binh chủng Pháo binh) đi cùng chúng tôi kể rằng, sau khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ cơ động ra miền Bắc và đóng quân tại đây từ năm 1976. Chiến sĩ ta đã san bằng mấy quả đồi để đơn vị có nơi huấn luyện và sinh hoạt. Bây giờ thì nơi đây đã tràn ngập màu xanh của các loại cây cổ thụ và cây ăn quả như nhãn, vải. Anh Chiến bảo: “Hoa vải nở rộ như thế là năm nay được mùa lắm! Đã nhiều năm nay, Lữ đoàn luôn tự túc được trái cây như vải, nhãn, chuối... đưa vào khẩu phần ăn của bộ đội”.

Ban chỉ huy Lữ đoàn 675 đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng hậu. Cùng Đại tá Quách Ngọc Văn, Lữ đoàn trưởng và Đại tá Nguyễn Đức Hiền, Chính ủy Lữ đoàn, chúng tôi rảo bước về khu vực nhà truyền thống của Lữ đoàn. Rất đông chiến sĩ mới đã có mặt tại đây. Đại tá Nguyễn Đức Hiền tiến đến sa bàn mô phỏng sự tham gia tiến công của Lữ đoàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và giới thiệu với các chiến sĩ mới: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 675 (nay là Lữ đoàn) đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn mở nhiều trận pháo kích lớn vào các cứ điểm: Him Lam, Độc Lập, phân khu trung tâm, sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm... Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, các chiến sĩ Trung đoàn đã ngoan cường chiến đấu chi viện cho bộ binh đánh địch, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Tiếp lời anh Hiền, Đại tá Quách Ngọc Văn đầy xúc động khi giới thiệu về hiện vật đang được trưng bày tại khu vực trung tâm của phòng truyền thống, đó là khẩu sơn pháo 75mm của Đại đội 755: “Với khẩu pháo này, ngày 23-4-1954, khi đồng đội lần lượt hy sinh, Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu đã một mình thực hiện các thao tác từ quan sát, ngắm mục tiêu đến nạp đạn, giật cò... diệt gọn 4 khẩu pháo 105mm và 2 khẩu đại liên của địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong chiếm lĩnh trận địa. Đó là hình ảnh người chiến sĩ Trung đoàn “một mình một pháo vẫn tiến công”...

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 675 giới thiệu truyền thống của Lữ đoàn đến chiến sĩ mới. Ảnh: MINH HUYỀN

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh năm 1997, Đại tá Quách Ngọc Văn được điều về Lữ đoàn công tác trên cương vị Trung đội trưởng. Anh đã nhiều lần được nghe Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu kể lại chiến công này. Đến hôm nay, khi đảm nhiệm chức vụ người chỉ huy cao nhất ở Lữ đoàn, truyền đạt cho các chiến sĩ mới, giọng anh thêm sôi nổi, tự hào. Anh Văn bảo, đây là năm đầu tiên sau 14 năm, đơn vị lại được tiếp nhận huấn luyện chiến sĩ mới. Có bỡ ngỡ nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Các anh đã có sự chuẩn bị chu đáo từ vật chất, thao trường, bãi tập đến tập huấn cán bộ, tiếp nhận hồ sơ chiến sĩ mới, xây dựng các kế hoạch, chương trình huấn luyện thật cụ thể, chi tiết. 

Rời nhà truyền thống của Lữ đoàn, các anh đưa đoàn công tác ra thao trường. Ngắm khuôn viên khang trang cùng những lối mòn quen thuộc, tôi thấy vừa quen mà như lạ. Cũng con đường này, 20 năm trước là đường đất gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng bây giờ thì đường bê tông đã phủ khắp lối mòn, ra đến tận thao trường của bộ đội. Công sức ấy là sự chung tay của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn.

Tôi hỏi Đại tá Quách Ngọc Văn: “Bây giờ đơn vị còn thiếu nước không anh?”. “Nước máy đã được đưa vào tận nơi”-anh Văn cho biết-”Ngày tôi mới về đơn vị, nước sinh hoạt dựa vào hệ thống giếng nước đơn vị tự đào là chính, chỉ đủ bảo đảm vào mùa mưa. Mùa hanh khô, quân số tập trung đông, việc tắm rửa của bộ đội có thời điểm phải cơ động ra kè cách đơn vị 2-3km. Bây giờ thì nước đã ăm ắp chảy vào các bể chứa rồi đi thẳng xuống vòi tắm của bộ đội!”.

Câu chuyện của anh Văn khiến tôi nhớ lại lần đầu tiên về đây. Ngày ấy, tôi cùng nhóm sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội được về thực tế tại đơn vị theo chương trình trước năm tốt nghiệp. Cũng trên con đường này, tôi đã từng dạo bước cùng chiến sĩ của đơn vị, tên Đào Thành Nhiên, là bạn từ thuở trung học. Cuộc đời có những mối duyên thật kỳ lạ! Tôi đã rất bất ngờ khi gặp lại cậu bạn học ngây ngô, trắng trẻo của mình ngày nào, giờ đã là chàng trai rắn rỏi, cương nghị trong bộ quân phục màu xanh. Đào Thành Nhiên đã giúp đỡ tôi rất nhiều khi biết bạn mình muốn tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt của chiến sĩ, cũng như chia sẻ với tôi về những dự định tương lai. Thành Nhiên kể, cậu đi nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi nhập ngũ. Ban đầu cũng nghĩ sau thời gian nghĩa vụ sẽ trở về quê, học một nghề gì đấy. Nhưng rồi, nhiều sự kiện xảy ra khiến suy nghĩ của Nhiên thay đổi. Đó là khi Nhiên ngất trên thao trường, được đồng chí trung đội trưởng cõng về bệnh xá và được chăm sóc vài tuần ở đó cho đến khi khỏe lại. Chính anh cũng động viên và giúp đỡ cậu rất nhiều khi Nhiên muốn ôn luyện văn hóa để không quên kiến thức. Trải nghiệm trong môi trường kỷ luật đầy tình thương và trách nhiệm ấy, Nhiên thấy yêu và muốn gắn bó dài lâu. Nhiên đã quyết tâm học tập để mùa thi đại học năm đó đăng ký vào Trường Sĩ quan Pháo binh. Một thời gian sau, tôi được biết nguyện ước của Đào Thành Nhiên đã trở thành hiện thực. Nhiên đã tốt nghiệp trường sĩ quan và trở thành một người chỉ huy pháo binh nhiều kinh nghiệm.

leftcenterrightdel
 Giờ nghỉ giải lao trên thao trường của chiến sĩ mới Lữ đoàn 675. Ảnh: MINH HUYỀN

“Chúng tôi cũng không còn nhiều thời gian ở đây nữa, khi quyết định di chuyển vào đóng quân tại vị trí mới đã được trên ấn định”-tiếng anh Văn kéo tôi khỏi dòng suy tưởng-“Tháng 4-2022, chúng tôi đã di chuyển một tiểu đoàn vào địa điểm mới trên quãng đường hành quân gần 1.300km với đầy đủ trang bị, khí tài. Cuộc hành quân diễn ra theo đúng kế hoạch bởi các phương án dự kiến cũng như bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Với chúng tôi, đó là một cuộc hành quân lịch sử trong thời bình”.

Theo anh Văn, kể từ khi nhận nhiệm vụ di chuyển, các anh đã mất nhiều đêm trăn trở, suy tư. Đã có rất nhiều cuộc sinh hoạt tư tưởng, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ. Anh Văn bộc bạch: “Người lính Cụ Hồ luôn xác định tư tưởng sẽ nhận bất cứ nhiệm vụ gì, mang trong mình lời thề quân nhân “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...”, nhưng nơi đây đã gắn bó với họ cả một đời binh nghiệp. Nhiều cán bộ có gia đình, vợ con đề huề, sum họp ở xung quanh đơn vị. Bây giờ di chuyển là cả một cuộc thay đổi lớn, chúng tôi hiểu, họ cũng như gia đình đều cần thời gian để đả thông tư tưởng”. Vậy là từ khi có quyết định, các anh đã họp bàn, nêu lên những phương án cũng như làm phiếu điều tra xã hội học lấy ý kiến cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. Nhiều cuộc đối thoại giữa chỉ huy đơn vị và cán bộ, chiến sĩ được mở ra để bộ đội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cùng những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Những trường hợp cụ thể được động viên, giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý. “Sau một thời gian, nhiều đồng chí đã tình nguyện xin đi trước. Thời gian tới, khi cơ sở vật chất và doanh trại ở cơ sở mới hoàn thiện, cả Lữ đoàn sẽ di chuyển theo đúng lộ trình”, Đại tá Nguyễn Đức Hiền khẳng định.

Chúng tôi dừng lại trên thao trường của Tiểu đoàn 4. Giữa những gương mặt chiến sĩ mới chỉ sau một thời gian ngắn đã trở nên đầy rắn rỏi cùng sự theo sát của chỉ huy các cấp, tôi hiểu rằng sự quyết tâm của các anh đã đi đúng hướng. Như trường hợp của Đại úy Lại Văn Bình, Chính trị viên Đại đội 11. Anh có vợ là Nguyễn Thị Trang, ở gần đơn vị. Hai người nên duyên từ những lần đi dân vận, giao lưu của Bình và đồng đội với nhân dân trên địa bàn. Anh bộ đội hát hay, đàn giỏi lọt vào “mắt xanh” của nữ bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình. Chuyện tình của họ cũng gặp sóng gió khi gia đình Trang biết tin Bình sẽ di chuyển vào miền Trung. Nhưng rồi, Bình đã thuyết phục được người yêu cũng như gia đình cô tin vào tình yêu, bản lĩnh của chàng sĩ quan pháo binh. Ngày cưới của họ diễn ra đúng ngày đơn vị của Bình di chuyển. Hai tuần sau, Bình đã có mặt tại vị trí mới của đơn vị theo đúng lịch trả phép để làm nhiệm vụ. Bây giờ, họ đã có cậu con trai xinh xắn vừa tròn 1 tuổi. Thời gian này, Bình quay ra miền Bắc công tác theo yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Rời Đoàn Pháo binh Anh Dũng, lời tâm sự của Đại úy Lại Văn Bình cứ văng vẳng bên tai tôi: “Tôi cũng như gia đình đều xác định rất rõ tư tưởng, ba lô đã sẵn sàng, chỉ cần có lệnh là lên đường ngay!”. Quả vậy, tôi tự nhủ rằng, bản lĩnh và quyết tâm của những người lính Điện Biên năm xưa vẫn đang chảy tràn trong huyết quản của thế hệ sĩ quan trẻ ở Lữ đoàn 675 hôm nay!

Ghi chép của PHẠM THU THỦY