“Đây là chiếc máy thu mà kiện tướng chính xác Vương Thị Ngọc Phượng sử dụng để liên lạc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bên cạnh là máy vô tuyến điện 105 do báo vụ viên Hà Thanh Dậu sử dụng phát sóng nghi binh địch trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Còn kia là Tổng đài P194 đã bảo đảm vững chắc thông tin trong 12 ngày đêm đế quốc Mỹ ném bom B-52 xuống Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Hay đó là chiếc máy phát mà báo vụ viên Nguyễn Bá Líu (hoặc Lứu) đã sử dụng để chuyển bức điện lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới các đơn vị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975...”. Nội dung thuyết minh do Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị Lữ đoàn giới thiệu khiến chúng tôi nhớ tới câu chuyện từng được chính những tấm gương vừa được nhắc đến chia sẻ trong quá trình tác nghiệp.

leftcenterrightdel
 Lữ đoàn 205 bảo đảm tốt thông tin liên lạc trong diễn tập ĐT-23. Ảnh: ANH TUẤN

Năm 2019, tại quê nhà ở TP Thái Nguyên, nữ kiện tướng Nguyễn Thị Thịnh kể về quyết tâm và hành trình vượt khó để trở thành một trong những nữ kiện tướng báo vụ đầu tiên. Tháng 6-1966, cô nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đội 4, Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 205 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 205 ngày nay) khi mới 16 tuổi. Bấy giờ, Nguyễn Thị Thịnh đang học lớp 6, chưa hề biết gì về bộ đội TTLL, lại càng không nắm được nguyên lý hoạt động của “mấy thứ máy móc rắc rối” này. Nhưng trở thành chiến sĩ TTLL, được góp sức nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc là ước mơ ấp ủ từ lâu nên Thịnh quyết tâm bằng mọi cách tự học, tự rèn để có thể “nói bằng tay, nghe bằng tai” như các anh, các chị đi trước. Ngoài giờ trên lớp, cô đến gặp thầy nhờ hướng dẫn, giải đáp những thuật ngữ, động tác khó... của nghề báo vụ. Cô kiên nhẫn tập luyện từ những động tác cơ bản đầu tiên của cổ tay, bấm ngón; học thuộc lòng tín hiệu chữ cái và chữ số, cũng như tranh thủ luyện kỹ năng nghe tín hiệu ở phòng thu phát. Cô Thịnh chia sẻ: “Bất kể lúc nào rảnh rỗi là tôi ngồi bên chiếc máy chuyên dụng để luyện gõ manip đến khi mỏi tay mới thôi. Tập nhiều, luyện nhiều thành quen và thành thạo”.

Những nỗ lực ấy đã thu được thành quả khi trong đợt cao điểm thi đua bảo đảm thông tin cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến sĩ Nguyễn Thị Thịnh liên tục nhận và chuyển hơn 10 vạn nhóm điện chính xác, đạt danh hiệu Kiện tướng chính xác. Sau đó, Bác Hồ đã gửi tặng huy hiệu của Người cho “cá nhân Kiện tướng chính xác Nguyễn Thị Thịnh”. Tại Đại hội thi đua lập công, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược do Bộ tư lệnh TTLL tổ chức tháng 1-1969, kiện tướng Nguyễn Thị Thịnh vinh dự là thành viên Đoàn chủ tịch. Sau đại hội trở về đơn vị, cô đã lan tỏa tinh thần nội dung thư Bác Hồ gửi Bộ đội TTLL để đồng đội cùng học tập, làm theo. Các phong trào: “Đâu cần thông tin có, khó mấy thông tin vẫn thông suốt”, “Chống sai sót”, “Thuận lợi nhường cho bạn, khó khăn quyết vượt qua”... do đơn vị phát động, cô và tập thể Đại đội 5 luôn tích cực hưởng ứng, tham gia, đạt kỷ lục thu phát hơn 14 vạn nhóm điện không sai sót.

Trước đó, chúng tôi cũng nhiều lần về thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để gặp cựu chiến binh Nguyễn Bá Líu, nguyên chiến sĩ báo vụ Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Lữ đoàn 205. Nghe ông chia sẻ mới thấu hiểu công việc thầm lặng của những người lính TTLL. Tình huống ông thực hiện chuyển bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7-4-1975 là ví dụ điển hình. “Hôm ấy, tôi trực ca sáng. Ngay đầu giờ làm việc, khi nhận ban, đồng chí tiểu đoàn trưởng quán triệt chúng tôi tập trung tinh thần làm việc cao nhất, phải bảo đảm giữ liên lạc thông suốt, yêu cầu nhận điện đến, chuyển điện đi nhanh, gọn, chính xác tuyệt đối. Suốt ca trực của mình, các bức điện đều được tôi nhận, chuyển thành công, không sai sót. Bức điện của Đại tướng đã được cơ yếu mã hóa, tôi hoàn toàn không biết nội dung là gì. Lúc đó, tín hiệu tốt, tôi thao tác nhanh nên khoảng 15 phút tôi đã chuyển xong. Sau ngày miền Nam giải phóng một thời gian, cấp trên thông báo, tôi mới biết mình là người vinh dự chuyển bức điện lịch sử ấy”-cựu chiến binh Nguyễn Bá Líu kể...

Trở lại Lữ đoàn 205, chúng tôi chứng kiến không khí đơn vị đang sôi nổi tổ chức các hoạt động chuẩn bị đón xuân mới Giáp Thìn và kỷ niệm 55 năm Bác Hồ gửi thư khen Bộ đội TTLL. Các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống là một trong những điểm nhấn quan trọng. Ôn lại lịch sử đơn vị, Thượng tá Nguyễn Huy Dũng, Chính ủy Lữ đoàn 205 cho biết: Ngày 23-10-1958, tại Bãi Bằng, Phú Thọ, Trung đoàn 205, đơn vị thông tin cấp trung đoàn đầu tiên của Quân đội, được thành lập. Giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu, với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm TTLL phục vụ Bộ chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai...

leftcenterrightdel
Một góc khu trưng bày hiện vật thời kỳ kháng chiến của Lữ đoàn 205. Ảnh: ANH TUẤN

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện cực kỳ khó khăn về lực lượng, phương tiện, trang bị khí tài, song cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên cường, dũng cảm, chủ động, sáng tạo, xây dựng các trung tâm thông tin sở chỉ huy, hình thành mạng lưới thông tin rộng khắp toàn miền Bắc với đầy đủ phương thức liên lạc, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo quân và dân ta đánh bại âm mưu và hành động phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân; giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đập tan cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn của không quân Mỹ tháng 12-1972; Chiến dịch Tây Nguyên và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 205 đã chuyển, nhận kịp thời, chính xác, an toàn 40.959 công điện, trong đó có 633 công điện khẩn, 139 công điện đặc biệt và 2.113 công điện tối khẩn-dịch ngay. Chỉ tính từ ngày 1 đến 30-4-1975, bình quân cứ 80 giây có một công điện được Trung đoàn chuyển, nhận. Hệ thống thông tin của Trung đoàn đã phục vụ hàng trăm cuộc đàm thoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội ở Hà Nội với các đồng chí lãnh đạo đang trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu ở miền Nam.

leftcenterrightdel
 Sôi nổi các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân ở Lữ đoàn 205. Ảnh: ANH TUẤN 

Những thành tích, truyền thống ấy chính là niềm tự hào, là động lực để thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy. Với chức năng là trung tâm kết nối, điều hành hệ thống TTLL quân sự toàn quân, Lữ đoàn 205 luôn tích cực, chủ động, làm chủ các trang thiết bị, khí tài thông tin hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm TTLL cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị toàn quân. Đặc biệt là nhiệm vụ bảo đảm TTLL sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Bên cạnh đó, Lữ đoàn đã chủ động tham mưu và tổ chức triển khai nhiều dự án, công trình thông tin quan trọng. Tiêu biểu là hoàn thành quy hoạch các trạm thông tin chiến lược: Trạm truyền dẫn Q1, Trạm thông tin quân bưu B1, Trung tâm truyền hình miền Bắc; hoàn thành đưa vào khai thác Trạm vô tuyến điện công suất lớn cấp chiến lược tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Tháng 8-2018, Lữ đoàn đã lắp đặt đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành thông tin quân sự cấp 2, đánh dấu một bước phát triển toàn diện trong tổ chức, quản lý, điều hành và bảo đảm thông tin của đơn vị. “Những năm qua, Lữ đoàn 205 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với tỷ lệ liên lạc trên các phương tiện thường xuyên đạt 99,5-100%. Cùng với nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các mặt công tác khác, nhất là công tác huấn luyện, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật cũng luôn được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn quan tâm lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trưởng thành nhanh chóng, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ”-Thượng tá Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Hơn 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 205 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 232 huân, huy chương các loại; 5 lần được Bác Hồ, Bác Tôn tặng lẵng hoa, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong đội hình của Lữ đoàn hiện nay có Tiểu đoàn 77, Đại đội 5 vô tuyến điện (Tiểu đoàn 77), Đại đội 10 (Tiểu đoàn 78 quân bưu) và đồng chí Phạm Hữu Thoan (chiến sĩ quân bưu) được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 SONG THANH - TUẤN TÚ