Giới thiệu về lịch sử truyền thống của LLVT tỉnh Hưng Yên, Đại tá Nguyễn Quang Tuyên, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên đưa chúng tôi đến tham quan một số “địa chỉ đỏ” của địa phương. Đó là làng Sài Thị (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu), nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của tỉnh Hưng Yên; Bia lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân Hưng Yên (nay là Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên) ở thôn Gạo Bắc, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi; tượng đài và nhà truyền thống trong khuôn viên Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên...

leftcenterrightdel
Khánh thành Bia lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân Hưng Yên, tháng 7-2015. Ảnh: KHẮC CƯỜNG 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, Tỉnh đội dân quân Hưng Yên, LLVT và phong trào du kích phát triển mạnh, rộng khắp. Từ năm 1951 đến 1953, quân và dân Hưng Yên đã mở được 18 khu du kích, có những khu du kích nằm kẹp giữa Đường 5 và đường sắt, tạo được thế liên hoàn, thế “cài răng lược” giữa ta và địch. Đặc biệt, lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân với Phong trào “Đòn gánh đánh Tây”, “Tay không bắt giặc” với lối đánh “thiên biến vạn hóa” đã làm cho thực dân Pháp khiếp sợ. Với những chiến công vang dội đó, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng quân và dân Hưng Yên lá cờ truyền thống thêu 8 chữ vàng “Đoàn kết nhân dân, đánh thắng giặc Pháp”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá Hưng Yên là “một tỉnh có phong trào chiến tranh du kích phát triển nhất ở Đồng bằng Bắc Bộ”...

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tỉnh Hưng Yên bắn rơi 15 máy bay; bắt sống 6 giặc lái Mỹ, trong đó có 5 giặc lái máy bay B-52; huy động hàng trăm nghìn ngày công, hàng trăm nghìn cây tre, gỗ, hàng chục nghìn mét khối gạch, cát, đá để san lấp hố bom, giữ vững tuyến giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy. Hàng chục nghìn công dân tỉnh Hưng Yên hăng hái lên đường nhập ngũ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham quan mô hình, học cụ của Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2023. Ảnh: KHẮC CƯỜNG 

Để lưu giữ các di tích lịch sử cách mạng, nâng cao công tác giáo dục truyền thống của LLVT tỉnh Hưng Yên đạt hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã có nhiều chủ trương sát đúng. Đại tá Lê Văn Cửu, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên kể: “Năm 2013, trên cương vị Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên, tôi cùng với tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã có nhiều cuộc họp để thống nhất chủ trương xây dựng Bia lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân Hưng Yên. Sau hai năm làm công tác chuẩn bị, ngày 15-5-2015, được sự nhất trí của thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND huyện Ân Thi và UBND xã Hồ Tùng Mậu, Bộ CHQS tỉnh tổ chức khởi công xây dựng công trình Bia lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân Hưng Yên, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 600 triệu đồng. Công trình có tổng diện tích 482m2, gồm một gian nhà bia lưu niệm diện tích 22m2, 410m2 sân lát gạch và vườn hoa. Ngày 16-7-2015, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao các hạng mục công trình cho Đảng ủy, UBND xã Hồ Tùng Mậu và thôn Gạo Bắc quản lý, khai thác và sử dụng bảo đảm chất lượng, đẹp về hình thức thẩm mỹ, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương và đáp ứng với tâm tư, nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hưng Yên...”.  

Đại tá Đoàn Huy Thái, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên cho biết thêm: Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên là một trong những đơn vị tiêu biểu của Quân khu 3 có nhiều mô hình, cách làm hay, tạo dựng hệ thống thiết chế văn hóa giáo dục lịch sử truyền thống. Năm 2012, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hưng Yên, đơn vị đã phổ biến ca khúc truyền thống “Hành khúc LLVT Hưng Yên”, do nhạc sĩ Lê Mây sáng tác. Đầu tháng 9-2017, đơn vị khánh thành và đưa vào sử dụng hội trường và nhà truyền thống LLVT tỉnh Hưng Yên với diện tích hơn 2.000m2. Tầng 1 thiết kế phòng khán giả và sân khấu, phòng đợi, thư viện, phòng chuẩn bị, kho và khu vệ sinh; tầng 2 bố trí nhà truyền thống, phòng dựng truyền hình; tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình này là gần 29 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, đơn vị đã khánh thành tượng đài khắc họa hình ảnh LLVT tỉnh Hưng Yên và bức phù điêu do nhà điêu khắc Vũ An sáng tác. Ở phần tượng đài khắc ghi lời Bác Hồ khen ngợi quân và dân tỉnh Hưng Yên: “Đoàn kết quân dân, đánh thắng giặc Pháp”. Những việc làm trên của đơn vị đã góp phần bồi đắp, viết tiếp truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên cường, chiến thắng” của LLVT tỉnh Hưng Yên anh hùng.

THÁI KIÊN