Linh khí từ lễ giỗ đặc biệt
Nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2-9, Ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9, hướng đến 82 năm Khởi nghĩa Nam Kỳ, chúng tôi được đi theo đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn, đến dự lễ giỗ 81 năm ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến... Lễ giỗ được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn tổ chức vào ngày 28-8-2022. Hoạt động văn hóa tín ngưỡng này được cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương tổ chức thường niên nhưng năm nay có quy mô lớn hơn, với sự tham dự của nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo đồng bào, chiến sĩ và du khách.
Chúng tôi theo đoàn đại biểu thành kính đến dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Giồng. Trong làn khói nhang nghi ngút, tất cả đều hướng lòng thành, tri ân công lao to lớn của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng đã hy sinh từ hơn 8 thập kỷ trước. Lịch sử hiện về gần gũi, rõ ràng như vừa mới hôm qua, như tất cả đang được xem một cuốn phim quay ngược bằng hình ảnh, âm thanh rất rõ nét.
82 năm trước, sau sự kiện Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong khí thế đấu tranh dâng trào như thác đổ của nhân dân Nam Bộ với cái nôi Hóc Môn-Bà Điểm, thực dân Pháp đã thực hiện cuộc đàn áp đẫm máu. Gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một... tham gia khởi nghĩa đã anh dũng hy sinh khi bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man và xử tử. Tại Ngã ba Giồng, thực dân Pháp đã dựng trường bắn để xử tử các nhà lãnh đạo của Đảng và những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến... đã hiên ngang, bất khuất ngã xuống trước họng súng quân thù. Nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng, cứ mỗi lần xử bắn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, thực dân Pháp lại bắt đồng bào đến xem. Chúng tin rằng, khi chứng kiến lãnh đạo Đảng ta bị sát hại, đồng bào, chiến sĩ sẽ sợ hãi mà nhụt chí đấu tranh, chịu khuất phục trước sức mạnh súng đạn của chúng. Nhưng thực tế chúng đã lầm to. Khí tiết cách mạng và sự hy sinh oanh liệt của các đồng chí lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng đã thổi bùng lên lòng căm thù giặc tột độ, khơi dậy tinh thần yêu nước, sẵn sàng quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của chiến sĩ, đồng bào “Nam Bộ thành đồng”. Ngọn lửa cách mạng sục sôi ấy đã lan tỏa, kết nối thành sức mạnh tổng hợp Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Nam Bộ kháng chiến, toàn quốc kháng chiến, tiến tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ôn lại lịch sử hào hùng và những ký ức linh thiêng ấy, đồng chí Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn có những khoảnh khắc lặng đi vì xúc động. Anh tâm sự với chúng tôi, cứ mỗi lần đến với miền thiêng ở Ngã ba Giồng dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các bậc hiền nhân, anh hùng liệt sĩ, anh lại như thấy bản thân mình được tiếp thêm niềm tin, động lực, sức mạnh từ linh khí ông cha. “Khi các thế hệ cách mạng tiền bối hy sinh, chúng ta chưa ra đời. Dù không sống cùng thời nhưng sự kết nối từ linh khí thiêng liêng làm cho khí phách, hình tượng của các bậc cách mạng tiền bối luôn gần gũi, thân thuộc với chúng ta. Có nhiều đồng chí đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt và có thể vĩnh viễn chúng ta không tìm thấy hài cốt, nhưng máu xương, anh linh các bậc anh hùng liệt sĩ đã hóa mây trắng, gió trời, màu xanh cây lá, làm nên cõi thiêng nơi Ngã ba Giồng”, anh Khuyên thổ lộ.
“Triệt để thực hành chết mới thôi”...
Tham dự lễ giỗ 81 năm ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo của Đảng ở Khu di tích Ngã ba Giồng, chúng tôi được trò chuyện với một số nữ đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Người được các chị nhắc đến nhiều với những câu chuyện được sử sách lưu truyền là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được hội phụ nữ các cấp nghiên cứu, làm tư liệu học tập, bồi dưỡng chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng cho các thế hệ hội viên.
Theo những tài liệu đang được trưng bày tại Ngã ba Giồng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt vào tháng 7-1940, sau khi tham dự cuộc họp của Xứ ủy Nam Kỳ, bàn chủ trương, biện pháp khởi nghĩa. Khi biết bà là nữ cán bộ giữ trọng trách của Đảng, kẻ thù bằng mọi cách đã dụ dỗ, mua chuộc nhưng không khuất phục được. Chúng quay sang tra tấn bà hết sức dã man với đủ mọi cực hình. Nguyễn Thị Minh Khai đã lấy máu của mình viết lên bức tường trong xà lim những vần thơ thể hiện chí khí của người cộng sản, kêu gọi chị em trong tù nêu cao ý chí chiến đấu, không chịu khuất phục kẻ thù, cho dù phải hy sinh: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ Dù kềm, dù kẹp chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/ Triệt để thực hành chết mới thôi...”.
Trên cương vị là Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã thể hiện vai trò trụ cột, nòng cốt đấu tranh; là trung tâm đoàn kết, mưu trí tìm cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Biết trước kẻ thù sẽ xử tử mình, trước lúc hy sinh, bà đã nhắn gửi lời vĩnh biệt đến đồng chí Lê Hồng Phong-người chồng, người đồng chí thương yêu đang bị đày ở Côn Đảo. Bà cũng nhắn gửi các đồng chí của mình, nhờ các đồng chí thay mình nuôi nấng, chăm sóc con gái Hồng Minh. Bà tận dụng những mảnh vải từ quần áo rách trong tù, đan một chiếc áo gối gửi về biếu mẹ để tỏ lòng hiếu thảo... Những nét đẹp bình dị, thủy chung, hiếu thảo của Nguyễn Thị Minh Khai càng làm sáng ngời thêm phẩm chất cao quý của người nữ cộng sản kiên trung.
Ngày 28-8-1941, cùng với các đồng chí của mình, Nguyễn Thị Minh Khai hiên ngang trước họng súng quân thù, anh dũng hy sinh. Cuộc đời bà khép lại ở mùa thu thứ 31, để lại cho phụ nữ Việt Nam, cho đồng bào, chiến sĩ cả dân tộc một tấm gương ngời sáng, hội tụ đầy đủ phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang...
Chúng tôi cùng các đại biểu đứng lặng trước chân dung Nguyễn Thị Minh Khai. Khoảng cách thời gian hơn 8 thập kỷ dồn lại, ngưng đọng trong thời khắc rất đỗi thiêng liêng...
NGUYỄN THỊ HIỀN THU