Vượt lên hoàn cảnh
Chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ của Thành ủy TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vào ngày cuối tháng 7-2022. Ông Nguyễn Đình Tư trong bộ trang phục áo dài truyền thống Nam Bộ vui mừng đón khách từ cổng, niềm nở bắt tay mọi người. Ông sôi nổi trao đổi, chia sẻ và trả lời rành rẽ những câu hỏi, giới thiệu về những công trình nghiên cứu mà ông đã dành trọn cuộc đời tâm huyết, lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. Ở ông toát lên phong thái nhanh nhẹn, sự minh mẫn, am tường về nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội. Trên kệ sách của ông trưng bày nhiều thể loại và dễ nhìn thấy những cuốn sách nghiên cứu mang tên ông được xếp cạnh nhau theo chủ đề.
Câu chuyện giữa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về ông, một cuộc đời gắn bó và đóng góp vào tiến trình lịch sử của thành phố. Ông Nguyễn Đình Tư sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, một vùng quê có truyền thống hiếu học. Tuổi thơ cơ cực nhưng không làm giảm sút niềm đam mê học tập của ông. “Hồi còn nhỏ, khi tôi vất vả với việc đồng áng thì nhiều bạn bè cùng trang lứa được đến trường. Ngày ấy, tôi đã hai lần phải bỏ học giữa chừng vì gia đình quá nghèo. Thế nhưng tôi nghĩ, mình phải làm mọi cách để được đi học, chỉ có tri thức mới giúp mình có giá trị, có thể giúp những người có hoàn cảnh như mình, có thể cống hiến cho quê hương, đất nước”, ông Nguyễn Đình Tư nhớ lại.
Cuộc đời đầy thăng trầm, khó khăn buộc ông Nguyễn Đình Tư phải rời miền quê nghèo vào các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ để mưu sinh. Hoàn cảnh khốn khó, bươn chải trong xã hội thực dân Pháp đô hộ vẫn không khuất phục được ước mơ về con đường đến với tri thức của ông. Ở đâu, làm nghề gì, hoàn cảnh như thế nào ông cũng duy trì thái độ học tập nghiêm túc, tự học, tìm tòi, ghi chép, đọc nhiều thể loại sách, báo... Khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã có tác phẩm đầu tay là truyện dài “Nguyễn Xí” đăng trên Báo Truyền bá số 85, ra ngày 10-6-1943, viết về cụ tổ dòng họ; tiếp đó là những tác phẩm “Dì ghẻ con chồng” đăng trên Báo Truyền bá số 103, ra ngày 14-10-1943, “Thù chồng nợ nước” cũng trên Báo Truyền bá số 113, ra ngày 3-2-1944... Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là cộng tác viên của Báo Độc Lập. Năm 1962, ông làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên.
Trong gia tài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, chiếm phần lớn là các tập sách về mảnh đất Nam Bộ, với những hiểu biết lịch sử sâu sắc và tình cảm đặc biệt dành cho người dân Nam Bộ nói chung và Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh nói riêng. Ở giai đoạn trước năm 1975, ông cho ra đời nhiều tác phẩm nghiên cứu về địa danh mang hàm lượng tri thức cao, như: “Non nước Phú Yên” (1964), “Địa chí Khánh Hòa” (1972), “Non nước Ninh Thuận” (1974), “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc” (1859-1954). Sau năm 1975, ông xuất bản các công trình: “Đường phố nội thành TP Hồ Chí Minh”, “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”, “Non nước Quảng Trị”, “Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ”, “Sổ tay tên đường ở TP Hồ Chí Minh”, “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” (1859-1954), “Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục”... Đặc biệt là cuốn “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử” (1698-2020).
Cuộc đời gian nan nhưng không lúc nào ông thôi đam mê nghiên cứu, tự học, tự rèn. Năm 1978, khi đã ở tuổi 56, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến ông phải ra vỉa hè sửa xe đạp mưu sinh. Những ngày tháng ấy, tranh thủ lúc không có khách đến sửa xe, ông kê thùng gỗ để viết bộ tiểu thuyết lịch sử “Loạn 12 sứ quân”.
|
|
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác đến thăm, chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. |
Niềm đam mê suốt cuộc đời
Năm 1996, nhà sử học Nguyễn Đình Tư là Ủy viên Thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TP Hồ Chí Minh. Ở vai trò này, ông đề xuất đặt tên hai tuyến đường dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mang tên hai vùng biển, đảo của Việt Nam: Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2017, ông Nguyễn Đình Tư được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam. Năm 2018, công trình hai tập sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” (1859-1954) của ông đoạt giải A, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định: “Những công trình quan trọng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là quá trình nỗ lực không ngừng trong việc tìm kiếm các nguồn tư liệu, đào sâu các đề tài sử học và hoàn thành các công trình có giá trị. Ông Nguyễn Đình Tư là tấm gương cho các thế hệ trẻ nghiên cứu lịch sử hôm nay và mai sau”.
Giờ đây, dù đã tròn 100 tuổi, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài làm việc với nhiều dự định, kế hoạch nghiên cứu sắp tới. Để duy trì được sức khỏe và khả năng làm việc hiệu quả, mỗi ngày, ông thức dậy tập thể dục vào 6 giờ sáng, đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông, sau đó, ông làm việc đến 11 giờ 30 phút mới nghỉ ăn trưa. Nghỉ trưa xong, ông trở lại làm việc đến 17 giờ 30 phút. Tối đến, sau khi đọc báo, xem thời sự trên ti vi, ông quay lại bàn làm việc đến tận 23 giờ 30 phút mới đi ngủ. “Nghiên cứu lịch sử là đam mê suốt cả cuộc đời tôi, giờ đã ở tuổi bách niên, với những trải nghiệm và tiếp nhận nguồn tri thức, văn hóa của dân tộc, quá trình nghiên cứu, học tập, tôi sẽ nỗ lực cống hiến hết sức mình để tập hợp, nghiên cứu, biên soạn những cuốn sách có giá trị lịch sử cao cho thế hệ hôm nay và mai sau”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Niềm đam mê lịch sử luôn được ông nuôi dưỡng theo năm tháng, lấy đó làm sở thích và công việc sưu tầm, sáng tác. Ngoài những bộ sách đã xuất bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ về dự định biên soạn những bộ sách về từ điển địa danh hành chính Trung Bộ, Bắc Bộ và Tây Nguyên. Hiện ông đang hoàn thiện các cuốn sách: Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh của từng vùng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên; hai bộ từ điển địa danh hành chính Trung Kỳ và Bắc Kỳ; Từ điển đối chiếu miếu hiệu, tôn hiệu, tước hiệu và tên người trong lịch sử phong kiến Việt Nam...
Đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có 60 đầu sách thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội... được xuất bản. Đến thăm, chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ lòng kính trọng, trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của ông với những tác phẩm giá trị để lại cho đời. Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một cây đại thụ, một tấm gương để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. “Những đóng góp của ông rất đáng trân quý, xưa nay hiếm và mong muốn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tiếp tục lao động, sáng tạo để có những công trình giá trị, đặc biệt là những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn đổi mới, hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, nghĩa tình”- đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN