Ở đâu khó, có Sáu Xuân

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An, Lê Thị Bạch Cát được đắm mình trong những khúc dân ca xứ Nghệ và truyền thống cách mạng của quê hương. Ngay từ nhỏ, cô bé Lê Thị Bạch Cát đã nuôi ước mơ được đứng trên bục giảng. Và năm 1960, ước mơ đó trở thành hiện thực khi cô tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) và chính thức về nhận công tác tại Trường cấp 1 xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc. Do có năng khiếu về thể thao nên hai năm sau đó, Bạch Cát được điều về Trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh).

leftcenterrightdel
 Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.

Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, Lê Thị Bạch Cát được Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) điều động về nhận nhiệm vụ mới tại Ban Thống nhất Trung ương. Cầm trên tay tờ quyết định về nhận công tác tại “K33”, cô vô cùng bỡ ngỡ vì chưa hiểu gì về đơn vị này. Tuy nhiên, cô vẫn mường tượng được rằng, có thể từ đây mình phải xa bục giảng mãi mãi. Ngày 22-12-1964, Lê Thị Bạch Cát gửi lại đất Bắc tên mình và mang bí danh Lê Liên Xuân cùng đồng đội lên đường vào Nam.

Trải qua chặng đường hành quân gian khổ kéo dài 86 ngày đêm, cả đoàn mới vào tới căn cứ của Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Tuy nhiên, với Lê Liên Xuân đây chưa phải là điểm đến cuối cùng. Sau 4 tháng học tập, rèn luyện và làm quen với chiến trường, Lê Liên Xuân (Sáu Xuân) được điều về nhận công tác tại Khu đoàn Sài Gòn-Gia Định (lúc này đang đứng chân tại Phú An, Bến Cát, Bình Dương).

Vừa hòa mình vào môi trường hoạt động mới, chưa kịp nhớ hết mặt anh chị em trong cơ quan, Sáu Xuân lại được biệt phái lên Đà Lạt để cùng với cơ sở bí mật 36 Sào Nam phối thuộc với cấp ủy địa phương bám sát địa bàn, gây dựng cơ sở; đồng thời phát động phong trào đấu tranh đòi dân chủ trong học sinh, sinh viên. Với sự nỗ lực hết mình, lăn lộn với phong trào, chỉ trong 6 tháng, Sáu Xuân cùng với các cơ sở ở Đà Lạt và cấp ủy địa phương gây dựng được 140 cơ sở và phát triển hàng trăm du kích mật, góp phần đưa phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở đây lên cao.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Đà Lạt, cuối tháng 5-1966, Sáu Xuân được Khu ủy Sài Gòn-Gia Định rút về làm nòng cốt xây dựng lực lượng chính trị vũ trang tại vùng lõi trung tâm Sài Gòn-Gia Định. Tại đây, Sáu Xuân đã gây dựng được 12 cơ sở mật đáng tin cậy tại địa bàn liên quận 2-4 và gần chục cơ sở ở khu vực lân cận. Tháng 12-1967, Sáu Xuân được bổ sung làm Khu ủy viên Khu Sài Gòn-Gia Định và được Khu ủy tin tưởng giao làm Bí thư Quận đoàn kiêm Bí thư Chi bộ võ trang liên quận 2-4...

Cuộc chiến đấu không cân sức

Đúng vào thời khắc Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra trên khắp các chiến trường miền Nam, nhất là ở các thành phố Sài Gòn-Gia Định và Huế. Tại địa bàn liên quận 2-4, Sáu Xuân trực tiếp lãnh đạo chi bộ, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy.

leftcenterrightdel
 Chị Lê Thị Bạch Cát (ngoài cùng, bên trái) trước khi vào hoạt động cách mạng ở miền Nam. Ảnh tư liệu

Đêm 5-5-1968, đợt 2 của cuộc tổng tiến công. Thực hiện phương châm chỉ đạo của Khu ủy: “Không trông chờ, không ỷ lại ngoại biên, tiến công, khởi nghĩa chiếm lĩnh đường phố”, từ trong những căn hầm của cơ sở, Sáu Xuân chỉ huy đơn vị bung ra làm nòng cốt cho quần chúng trấn áp, truy bắt lực lượng bảo an, dân vệ và các phần tử phản động chống đối; đồng thời triển khai trung đội chiếm giữ các điểm xung yếu trên địa bàn.

Vừa trấn áp, truy bắt, vừa vận động tuyên truyền, trung đội võ trang do Sáu Xuân chỉ huy đã kiềm chế, giữ chân được 300 cảnh sát dã chiến “án binh bất động” trong 4 cứ điểm trên địa bàn phường Cô Giang để đợi sự chi viện của lực lượng từ bên ngoài vào. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Sáu Xuân đã cho anh chị em trong trung đội tranh thủ đào thêm hầm hào, bố trí vật cản để có thể bám trụ chiến đấu và ngăn chặn các cuộc phản kích của địch.

Phát hiện lực lượng ta mỏng, địch tập trung quân và xe tăng bao vây khu vực cầu Muối, Đề Thám, Cô Giang; đồng thời gọi máy bay đến oanh tạc, phóng rốc két vào những địa điểm nghi ngờ ta ém quân. Tại hẻm 83 Đề Thám, Sáu Xuân chỉ huy một bộ phận bám giữ từng căn nhà, góc phố, kiên cường chống trả, chặn đứng hàng chục đợt tiến công của bộ binh và xe tăng địch. Vừa chỉ huy chiến đấu, Sáu Xuân vừa động viên anh chị em kiên quyết giữ vững trận địa, tiết kiệm tối đa đạn dược, chờ tiếp viện. Địch chủ trương khép chặt vòng vây, tập trung lực lượng vào khu vực trọng điểm hẻm 83 Đề Thám hòng bắt sống toàn bộ trung đội. Bất ngờ, một quả M79 rơi đúng vào chốt chiến đấu của đơn vị gây thương vong lớn. Trong đó có đồng chí Huyền Nga (tức Lê Hồng Quân, hiện sống tại TP Cần Thơ) bị mất một cánh tay... 

Cầm trên tay hai quả lựu đạn, Sáu Xuân trao cho Hồng Quân một quả, còn chị giữ lại một quả. Mọi người vừa rời khỏi vị trí thì xe tăng địch lù lù xuất hiện, theo sau là toán lính vừa đi, vừa hò hét “không được bắn, chỉ bắt sống”. Từ sau một bức tường, Sáu Xuân nhảy ra xả loạt đạn AK vào đội hình quân địch. AK hết đạn, chị rút khẩu K59 mang theo người hạ thêm một số tên đi đầu hung hăng. Địch điên cuồng xả hàng loạt đạn AR15 nhằm bắn trọng thương Sáu Xuân để bắt sống. Sáu Xuân trúng đạn và ngã xuống, nhưng trước lúc trút hơi thở cuối cùng, chị còn kịp rút chốt quả lựu đạn mang theo người tung vào đám lính đang hò hét vây quanh mình.

Cái chết của nữ biệt động Sáu Xuân gây nỗi kinh hoàng cho quân địch. Chúng vừa tức tối, vừa khâm phục tinh thần quả cảm của người nữ chiến sĩ biệt động. Ngay sau trận đánh kết thúc, địch đã lấy dây buộc vào chân của Sáu Xuân rồi kéo lê xác chị từ trong hẻm 83 Đề Thám ra đường lớn ném vào nằm cùng xác một số chiến sĩ biệt động khác nhằm uy hiếp, khủng bố tinh thần của quần chúng nhân dân. Chưa dừng lại ở đó, sau khi hành hạ thi thể, chúng đã bí mật đưa xác chị đi thủ tiêu, không để lại tung tích...

30 năm sau ngày Sáu Xuân cùng các chiến sĩ biệt động liên quận 2-4 hy sinh oanh liệt, năm 1998, Đảng bộ và nhân dân quận 1, TP Hồ Chí Minh đã lập bia ghi công và vinh danh ngay tại nơi đã diễn ra trận đánh này. Văn bia có đoạn: “Nơi đây, đồng chí Lê Thị Bạch Cát (tức Sáu Xuân) đã chiến đấu và anh dũng hy sinh... nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cách mạng”. Tên của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát đã được đặt cho một con đường ở quận 11, TP Hồ Chí Minh. Một trường trung học và một tuyến đường ở thị xã Cửa Lò, quê hương của nữ liệt sĩ cũng đã được mang tên Lê Thị Bạch Cát. Quận đoàn quận 1 cũng đã có giải thưởng mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Kể từ năm 2013, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Tổng cục Thể dục thể thao, Ban liên lạc Đoàn K33, Hội Cựu giáo chức Việt Nam... - những nơi chị từng công tác và quê hương Nghệ An nhiều lần có văn bản đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với nữ biệt động Lê Thị Bạch Cát. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, chiến đấu của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hy vọng đề nghị chính đáng trên sẽ sớm trở thành hiện thực.   

* Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn “Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát-biệt động Sài Gòn dũng cảm kiên trung”, NXB Nghệ An, tháng 2-2022

TRẦN NGỌC LONG