Giọng nhỏ nhẹ, bà Mai cho biết, mình sinh năm 1948, tại Sài Gòn. Thân phụ bà là cụ Trần Văn Cắt, đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp khi bà vừa lọt lòng. Lòng căm thù giặc nung nấu trong bà từ thuở ấu thơ. Tháng 5-1964, Trần Thị Mai tình nguyện gia nhập Đội Biệt động Sài Gòn. Lanh lợi, hoạt bát, có ý thức kỷ luật cao, cô được giao nhiệm vụ làm giao liên từ ngoại thành vào nội thành. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch càn quét, đánh phá ác liệt. Nhờ thông thạo địa bàn Sài Gòn, cô được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng thuộc B11, Biệt động Sài Gòn, thực hiện đánh một số mục tiêu trọng yếu vào sào huyệt của địch. Để tổ chức các trận đánh, Trần Thị Mai đã phối hợp xây dựng các cơ sở, tổ chức trinh sát nhiều lần để chọn thời gian, mục tiêu, cách đánh, cách xử trí các tình huống...

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Mai bên những kỷ vật kháng chiến. 

Sau một thời gian, Trần Thị Mai đã tìm, xây dựng được cơ sở hoạt động tại gia đình bà Hoàng Thị Khanh ở ngã ba Bà Quẹo (quận Tân Bình ngày nay) và bà Nguyễn Thị Dung ở đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp ngày nay). Tại các cơ sở, cô bố trí cất giấu vũ khí trong các nhà vệ sinh. Qua nhiều lần trinh sát, Mai quyết định chọn rạp hát Đại Nam nằm trên đường Trần Hưng Đạo là mục tiêu tổ chức đánh bom. Nơi đây, sĩ quan, binh lính địch thường lui tới xem phim, ca nhạc, giải trí vào các tối cuối tuần. Sau khi nắm rõ lịch, quy luật hoạt động của địch, ngày 20-1-1970, từ tỉnh Tây Ninh, Trần Thị Mai khéo léo ngụy trang 2 quả lựu đạn và 6kg thuốc nổ TNT giấu trong túi xách, để hoa quả, bánh kẹo lên trên, nhập vai người ở quê lên thành phố ăn giỗ. Chập tối đến nhà bà Khanh, Mai nhồi thuốc nổ vào hộp sữa bò và cùng bà Khanh đi xe máy thực hiện nhiệm vụ.

Bà Mai nhớ lại: “Khi đến cổng rạp hát Đại Nam, đám lính gác yêu cầu dừng lại kiểm tra. Chúng lên giọng: “Đi xem phim mà chị em chúng mày còn mang hộp sữa vào làm gì?”. Tôi trả lời: “Dạ. Con đi mua sữa cho em nhưng sợ xem xong phim cửa hàng tạp hóa đóng cửa không mua được nên phải mua trước”. Nghe tôi trả lời hợp lý, đám lính gác liền cho vào. Thế là tôi qua cửa gác trót lọt”. Vào rạp hát đã đông người, tôi chọn vị trí ngồi sát tường để thuận lợi thao tác đặt thuốc nổ. Khi suất chiếu sắp kết thúc, tôi đặt khối thuốc nổ vào góc kín, hẹn giờ rồi ung dung ra về. Chạy xe máy được khoảng 300m thì xe không may bị thủng lốp. Hai chúng tôi dắt xe chạy nhanh đến khu vực chợ Bến Thành (quận 1) thì nghe một tiếng nổ lớn...

Hôm sau, các phương tiện thông tin tại Sài Gòn đưa tin, 70 sĩ quan, binh lính địch bị thương vong trong vụ nổ ở rạp hát Đại Nam. Với chiến thắng vang dội, Trần Thị Mai được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Tổ biệt động được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Từ bản lĩnh, kinh nghiệm cách đánh này, trong hơn hai tháng sau đó, Trần Thị Mai tiếp tục ném lựu đạn vào trụ sở nhân dân tự vệ của địch tại đường Cô Bắc và đánh bom rạp hát Eden, tiêu diệt nhiều binh lính địch. Những vụ tiến công liên tiếp, hiệu suất chiến đấu cao của nữ biệt động Trần Thị Mai cùng đồng đội đã gây choáng váng cho cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cuối tháng 3-1970, trong lúc đi trinh sát tìm mục tiêu đánh bom thì Mai bị địch bắt vì chúng phát hiện cô sử dụng giấy tờ giả. Chúng chuyển cô đến nhà giam Gia Định. Địch trói tay, treo người lên cao tra tấn dã man nhưng cô không khai báo, kiên quyết bảo vệ cách mạng, bảo vệ đồng đội. Không khuất phục được bằng đòn roi, chúng đày Mai đi giam giữ tại nhiều trại giam.

Tại trại giam Biên Hòa (Đồng Nai), cuối năm 1970, địch mở chiến dịch đàn áp dã man những tù nhân mà chúng không khuất phục được. Trần Thị Mai chủ động trao đổi với các đảng viên thành lập chi bộ trong tù tổ chức đợt đấu tranh trong 10 ngày với các hình thức như không chào cờ, đòi học văn hóa, tuyệt thực, không chấp hành các nội quy trại giam, quyền sinh hoạt tự do... Nhiều ngày, bà cùng các tù nhân đồng thanh hát vang các bài ca cách mạng và đoàn kết đấu tranh đòi những yêu sách. Có lần địch ném lựu đạn cay khiến nhiều tù nhân sức khỏe yếu bị ngạt, thương vong. Hành động của địch đã thổi bùng tinh thần đấu tranh của tù nhân thêm quyết liệt, buộc địch phải nhượng bộ từng bước.

Năm 1972, chúng đày Trần Thị Mai ra Côn Đảo. Năm 1975, đất nước thống nhất, bà được phân công công tác tại cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh và nghỉ hưu năm 2002. Trong cuộc sống đời thường, bà luôn vui vẻ, khiêm nhường, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ mọi người. Tấm gương, nghị lực của bà lan tỏa những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa, góp phần xây dựng khu phố văn minh, nghĩa tình.

Bài và ảnh: DUY HIỂN