Ở tuổi 70, ông Trần Văn Sơn, quê ở Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam), thường ngồi sắp xếp lại những kỷ vật-hồi ức của cuộc đời đầy sôi nổi. Lần giở từng kỷ vật nhuốm màu thời gian, vị tiến sĩ rơi nước mắt khi gặp lại những lá thư mình gửi cho cha từ năm 1959. Người cha là Trần Sa đã giữ cẩn thận và đưa lại cho con trai khi hai cha con gặp nhau trên đất Bắc năm 1968.

Ông Sa bị thực dân bắt làm lính thợ Đông Dương ở Pháp. Nhờ biết tiếng Pháp, ông làm phiên dịch cho một đội lính thợ rồi tham gia du kích, theo Đảng Cộng sản Pháp chống phát xít Đức khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. 7 năm ở xứ người, ông luôn hăng hái ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược ở quê nhà nên giữa năm 1945, ông bị nhà cầm quyền trục xuất về nước. Bị giam ở nhà lao Hội An, ông trốn thoát và tham gia cách mạng ở địa phương, làm Trưởng ban Tuyên truyền của huyện Duy Xuyên. Sau thời gian nằm vùng, bị địch truy lùng ráo riết, ông ra Bắc năm 1958. Sau đó, ông làm việc ở Nông trường Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa), là một người giỏi nghề và là bí thư chi bộ gương mẫu.

Tiến sĩ Trần Văn Sơn bồi hồi kể lại hoàn cảnh viết bức thư gửi cha: “Thuở lên 5, tôi chỉ nghe tiếng nói của ba vài lần trong đêm tối khi ông bí mật về nhà lấy đồ tiếp tế. Dẫu vậy, ký ức về cha thật đẹp qua lời mẹ kể. Năm 1959, người bác ruột đưa cho mẹ con tôi thư tay của ba gửi vào theo đường dây, tôi bèn viết mấy dòng thương nhớ gửi ông và đề tên “cúng cơm” là Trần Bốn. Mới học lớp 3 trường làng trong vòng kìm kẹp của địch nên chữ nghĩa khá vụng về. Vậy mà ba tôi sung sướng vô cùng và đi khoe khắp nơi, lá thư được ông coi như báu vật”.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Trần Văn Sơn (ngoài cùng, bên phải) cùng cha mẹ năm 1990. Ảnh do nhân vật cung cấp

Biến cố ập đến với cậu bé Trần Văn Sơn khi chứng kiến những người thân trong gia đình lần lượt qua đời, mẹ bệnh nặng phải đi chữa trị ở Sài Gòn. Bác ruột đã đưa anh, khi ấy 14 tuổi, vào chiến khu làm văn thư cho Trường Đảng tỉnh Quảng Đà. Năm 1968, chàng thiếu niên vượt Trường Sơn ra Bắc. Người anh gặp đầu tiên là cậu ruột. Thế rồi, hơn một tuần sau, người cậu đến cùng với vị khách lạ, giới thiệu là “đồng hương Duy Xuyên”. Với giọng trầm ấm, ông đã hỏi Sơn hết người này, người kia trong nhà mà ông bảo là có biết trước đây. “Tôi thản nhiên kể hết, còn ông như nuốt từng lời, mắt ngấn lệ vì xúc động. Biết tôi không nhận ra nên cậu tôi không giữ được nữa mà nói luôn: “Ba con đấy!”.

Tôi sửng sốt giật mình như đang mơ. Hai ba con ôm chầm lấy nhau. Hình như tôi không khóc, chỉ ba khóc bởi tôi đã gặp ba lần nào đâu mà biết, đến giọng nói cũng chưa một lần nghe rõ. Đêm đó, tôi sụt sịt kể cho ba nghe về sự ra đi của những người thân trong gia đình, từ ông bà ngoại đến các anh em. Ba đau đớn vô cùng khi tôi nói về vụ thảm sát của lính Mỹ ở Thanh Châu, quê ngoại, gây ra cái chết của em tôi-đứa con gái mà ba chỉ bế ẵm đôi lần khi em chưa đầy 1 tuổi. Cả hai anh trai lớn của tôi cũng đã hy sinh, để lại các cháu mồ côi từ khi còn bé. Ba thương tôi vì còn nhỏ mà phải chứng kiến những mất mát, đau thương của người thân, những gian khổ trên chiến khu hay mấy tháng đi bộ ròng rã để ra đất Bắc. Khuya, ba ôm tôi như cậu bé lên ba, muốn truyền cho tôi tất cả tình cảm thương yêu của người cha đã bao năm không biết mặt con vì chiến tranh”-ông Sơn nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Một số trang thư của hai cha con Tiến sĩ Trần Văn Sơn. Ảnh: NGUYÊN HỒNG

Vốn thông minh, học giỏi từ nhỏ, chàng thiếu niên Trần Văn Sơn nhanh chóng thích nghi khi được học tập trung ở Từ Hồ (Hưng Yên) dành cho con cán bộ miền Nam. Hơn 3 năm, do điều kiện địa lý, phương tiện đi lại khó khăn, hai cha con cũng chỉ được gặp nhau vài lần. Tất cả liên lạc đều qua những trang thư. Ông Sa gửi thư cho con đều đặn gần như hằng tuần, lúc nào cũng tâm tình như hai người bạn.

Mỗi một lá thư của cha là liều thuốc tinh thần quý giá giúp Sơn vững tin, học giỏi, hoàn thành lời hứa: “Con sẽ học cho cả phần các anh và em con chưa được học!”. Trần Văn Sơn đã thực hiện niềm tin của cha mình, không những đậu đại học mà còn đạt số điểm rất cao, được đi học ở Liên Xô vào năm 1972. Chàng sinh viên được kết nạp Đảng khi đang học đại học bên nước bạn; được giữ lại làm luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ); thành viên đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 11 ở La Habana, Cuba (năm 1978).

Về thăm quê hương sau giải phóng, Trần Văn Sơn không khỏi xúc động khi được gặp lại cha mẹ. Mắt anh nhòe lệ vì thương cảm và sung sướng, nghẹn ngào. Quê hương bị tàn phá xác xơ, gia đình 6 người chỉ còn có 3. Để có được bữa cơm đoàn tụ, anh đã phải chờ đợi tới tận 24 năm. Cứ ngỡ đã có thể gần cha mẹ và bù đắp cho họ tuổi xế chiều, nhưng rồi vì nhiệm vụ của một cán bộ ngành trọng yếu ở Trung ương, trong khi vợ thường xuyên đau ốm, con còn nhỏ dại nên người con trai chẳng chăm sóc cho cha mẹ ở quê được bao nhiêu. Những lá thư lại trở thành cầu nối để hai cha con nắm được thông tin của nhau, động viên nhau trước mọi sóng gió cuộc đời. Cảm động nhất là những ngày người cha ốm nặng vẫn gắng gượng giữ thói quen viết thư cho con.

Gần 25 năm sau khi cha qua đời, lật lại hàng nghìn trang thư cha gửi, Tiến sĩ Trần Văn Sơn cho rằng mình thật may mắn khi có một người cha tràn đầy năng lượng và chan chứa yêu thương, luôn đồng hành với con trên mỗi bước trưởng thành.

HỒNG VÂN