Đặng Tất sinh ra ở vùng quê nghèo Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tuy nhiên, tên tuổi và sự nghiệp của ông lại gắn liền với vùng đất Thuận Hóa-Quảng Nam ngay từ khi nhà Trần mở cõi về phương Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Tất được người dân xứ Quảng tôn vinh là nhân vật hàng đầu, người khai mở truyền thống yêu nước và thơ văn của vùng đất này.
Thời nhà Trần, năm 1391, Đặng Tất được cử làm Hữu châu phán Hóa Châu (vùng đất thuộc Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế và một phần Quảng Trị ngày nay). Khi nhà Hồ tiếm ngôi nhà Trần (1400), Đặng Tất được Hồ Quý Ly giao làm Đại tri châu Hóa Châu, được nắm toàn quyền quyết định ở vùng Thuận-Quảng (Thừa Thiên Huế-Quảng Trị). Tuy còn nặng tình, nặng nghĩa với triều Trần nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, ông đành phải “nén” mình và chấp nhận làm quan phụng sự triều Hồ, cốt để chờ thời cơ đứng lên giúp dân, cứu nước.
Cuối năm 1407, được tin cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Trần Ngỗi-một hậu duệ của nhà Trần-kéo quân vào Nghệ An, Đặng Tất đã bí mật cho người giết chết đám quan cai trị của nhà Minh ở Hóa Châu rồi đem toàn bộ lực lượng của mình kéo ra Nghệ An hợp quân với nghĩa quân của Giản Định đế Trần Ngỗi. Đặng Tất được Trần Ngỗi phong làm Quốc công, đồng thời cùng với Nguyễn Cảnh Chân được bổ dụng vào Bộ tham mưu nghĩa quân.
Mặc dù chưa hẳn đồng tình với Giản Định đế Trần Ngỗi về mục đích khôi phục cơ đồ cho triều Trần, song với ý chí căm thù quân xâm lược sâu sắc, không khuất phục trước ách thống trị của ngoại bang, Đặng Tất vẫn quyết định đi theo Trần Ngỗi với một tâm nguyện như ông bày tỏ là “được mang tài trí của mình giúp dân, cứu nước, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi”.
Với nhãn quan chiến lược sắc sảo, sau khi đã tập hợp và thống nhất được lực lượng, Đặng Tất cho rằng cần phải mở rộng căn cứ đứng chân cho cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, do chưa đủ lực nên đề xuất của Đặng Tất đã không được thực hiện. Trần Ngỗi buộc phải tạm lui quân về Hóa Châu. Quân Minh truy đuổi nghĩa quân đến Bố Chính (sông Gianh) thì dừng lại. Về phía giặc Minh, tưởng đã dẹp yên được tình hình, các tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh đã cho thu quân về nước. Nhân cơ hội này, Đặng Tất đưa quân từ Hóa Châu ra lấy lại toàn bộ vùng đất Nghệ An, giành quyền kiểm soát cả một dải đất liên hoàn kéo dài từ Hóa Châu ra đến Thanh Hóa.
Được tin nhiều vị trí tiền đồn quan trọng và một địa bàn rộng lớn ở Bắc Hà rơi vào tay quân khởi nghĩa, 5 vạn quân Minh tức tốc kéo sang ứng cứu cho Đông Quan. Chúng tập trung một lực lượng lớn thẳng tiến vào phía Nam để giành lại quyền kiểm soát địa bàn chiến lược từ Thanh Hóa vào đến Hóa Châu. Phán đoán được ý đồ của địch, Đặng Tất nhận thấy trong cuộc phản công này, giặc Minh có cả quân bộ và quân thủy nên chúng tất yếu sử dụng dòng sông Đáy để cơ động lực lượng đạo quân thủy. Ông đã cho triển khai quân sĩ mai phục ở bến Bô Cô (nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Tại đây, ông cho quân đóng cọc xuống lòng sông (vận dụng kế đóng cọc trên sông Bạch Đằng trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông). Dọc hai bên bờ sông, ông cho đắp chiến lũy cao để bố trí lực lượng mai phục. Và cả một khúc sông chảy qua Bô Cô nhanh chóng biến thành một trận địa mai phục hiểm yếu.
Đúng như dự đoán của Đặng Tất, ngày 30-12-1408, đạo quân thủy của nhà Minh dưới sự chỉ huy của “bộ ba”: Thượng thư Bộ binh Lưu Tuấn, Đô đốc Lữ Nghị và Tham chính ty Bố chính Giao chỉ Lưu Dục hùng hổ tiến vào khúc sông Bô Cô, rơi đúng vào trận địa phục kích của nghĩa quân. Trong trận đánh này, Đặng Tất đã tính toán rất kỹ, nắm chắc quy luật thủy triều nên cố “nhử” quân địch tiến vào trận địa phục kích và kìm chân chúng tại đây đúng vào thời điểm thủy triều lên che phủ kín bãi cọc. Đợi khi thủy triều bắt đầu rút, Trần Ngỗi và Đặng Tất mới phát lệnh cho quân sĩ xung phong. Hai ông chủ trương tập trung lực lượng nhằm vào đội hình đi đầu của đạo quân thủy. Bị đánh bất ngờ, quân Minh hoảng loạn, quay đầu rút lui.
Tuy nhiên đoàn thuyền chiến đã không thể chạy thoát do thủy triều bắt đầu rút, các bãi cọc lởm chởm nhô lên mặt nước phủ kín khúc sông. Cả đoàn thuyền chiến, chiếc đâm phải cọc thủng đáy, chiếc va vào nhau chìm nghỉm. Khúc sông Đáy qua Bô Cô bỗng chốc trở nên náo loạn. Quân Minh cố tìm đường thoát nhưng bất thành, số bị chết chìm theo thuyền, số khác tìm cách bơi được vào bờ thì bị binh sĩ của Trần Ngỗi và Đặng Tất mai phục tiêu diệt. Chỉ sau vài giờ chiến đấu, nghĩa quân đã phá tan hàng trăm thuyền chiến của địch, bẻ gãy một mũi tiến công lợi hại của quân Minh. Tướng giặc là Lưu Tuấn, Lữ Nghị, Lưu Dục, Liễu Tông... bị giết. Tướng Mộc Thạnh cùng tàn quân chạy thoát thân vào trốn ở thành Cổ Lộng gần đấy.
Chiến thắng Bô Cô gắn liền với tên tuổi của Đặng Tất, với nghệ thuật tổ chức lực lượng và lập thế trận sắc sảo, nắm vững và khai thác tối đa quy luật tự nhiên của một thủ lĩnh cầm quân. Chiến thắng này mở màn sự bùng nổ cuộc kháng chiến oanh liệt chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ 15. Tiếc rằng sau chiến thắng Bô Cô, trong Bộ chỉ huy nghĩa quân xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược nhau... Thế nên, về sau có một số nhận thức khác nhau trong giới sử học khi đánh giá về sự kiện này. Một số người cho rằng chủ trương của Đặng Tất lúc bấy giờ là đúng; số khác lại cho rằng như vậy là bỏ lỡ cơ hội để tổng phản công quân giặc; việc không đưa quân tiến ra Đông Quan ngay là điều đáng tiếc.
Theo sử gia Phan Phù Tiên thì: “Đặng Tất chỉ biết việc hành quân là gấp, mà không biết cứu Đông Quan lại càng gấp hơn... Đông Quan là nơi trọng yếu của nước; chiếm được Đông Quan thì các lộ không đâu là không hưởng ứng, mà hào kiệt Trung châu đều ở đấy cả; bỏ việc ấy không tính đến chia quân tản đi các xứ nên hiệu lệnh bất nhất và sau đến nỗi bị sụp đổ vậy”(1).
Còn sử gia Ngô Sĩ Liên thì lại cho rằng: “Việc bỏ lỡ không tiến ra Đông Quan cố nhiên là đáng tiếc, song có lẽ Đặng Tất đã tính kỹ. Quân ta đơn độc từ xa đến, lương thực có khi không tiếp tế được, quân của kinh lộ chưa tập hợp được. Thà theo phép hơn địch gấp mười lần thì bao vây, hơn địch gấp năm lần thì đánh; nếu không như thế thành Cổ Lộng cách Bô Cô không quá nửa ngày đường mà còn không thừa thế chẻ tre tiến được, huống chi là thành Đông Quan? Kế ấy cũng chưa phải là sai lầm lắm”(2).
Nhiều nhà sử học khác cũng cho rằng Đặng Tất có lý khi ông là một vị tướng cầm quân có mưu lược, biết tính “đường đi nước bước” một cách hợp lý, trên cơ sở phân tích âm mưu, thủ đoạn, so sánh lực lượng địch-ta để chọn thời điểm tiến công đúng lúc nhằm giảm được tổn thất cho binh sĩ, lại đạt được hiệu quả cao. Chủ trương chưa vội đem quân tiến công ra Đông Quan ngay mà cần phải có thêm thời gian củng cố lực lượng nghĩa quân của Đặng Tất lúc bấy giờ là hợp lý...
Sự chia rẽ xuất phát từ sự bất đồng ý kiến giữa Trần Ngỗi với hai vị tướng tài là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, đặc biệt là sự gièm pha, xúi giục thâm hiểm của đám tay chân xu nịnh gần gũi với Trần Ngỗi như hoạn quan Nguyễn Quỹ, Nguyễn Mộng Trang... Tuy nhiên, khi thấy uy tín và ảnh hưởng của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân ngày càng rộng lớn cộng với sự gièm pha, xúc xiểm của bọn xu nịnh nên Trần Ngỗi đã phạm phải một “sai lầm chết người”, đó là rắp tâm ám hại cả hai vị danh tướng này...
Trước sau, Đặng Tất vẫn là một danh tướng văn võ kiêm toàn, một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước bất khuất trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược đầu thế kỷ 15. Để tưởng nhớ một danh tướng có công với quê hương, đất nước, nhân dân Hà Tĩnh và vùng Thuận Quảng đã lập đền thờ Đặng Tất Quốc công.
TRẦN VĨNH THÀNH
(1), (2) Đỗ Đức Hùng - Danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, năm 2000, tr.171, 172.