Địa bàn Quân khu 5 trải dài suốt 11 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, địa hình phức tạp, quá trình phát triển kinh tế-xã hội xóa mờ dấu vết của một thời chiến tranh, cơ sở hạ tầng giao thông một số nơi chưa phát triển. Thêm vào đó, nhân chứng cung cấp thông tin ngày càng ít, tuổi cao, trí nhớ giảm, mức độ chính xác thấp. Vượt lên bộn bề trở ngại, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách từ quân khu đến cơ sở luôn ngày đêm bền bỉ vượt núi cao, vực sâu, đi khắp các núi rừng, thôn bản, quyết tìm và đưa bằng được hài cốt của các đồng đội trở về quê hương.

Đại tá Phan Tấn Tiễn, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 5 cho biết: “Các đơn vị trực thuộc quân khu đã hoàn thành kết luận địa bàn theo 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), lập bản đồ tìm kiếm, quy tập HCLS ở các địa phương. Đến nay, toàn quân khu đã quy tập hơn 160.000 hài cốt liệt sĩ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2020, đã xác minh, khảo sát, tìm kiếm quy tập trên địa bàn quân khu 2.425 HCLS; ở Lào, Campuchia 541 HCLS. HCLS sau khi cất bốc được lập hồ sơ quản lý và lấy mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN theo quy định”.

leftcenterrightdel

Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn. 

Về tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi được biết, theo tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ra Glay, khi người chết (kể cả liệt sĩ) đã được làm tục bỏ mả thì không ai dám động đến những ngôi mộ đó. Ban Chính sách, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh đã kiên trì vận động các già làng, người có uy tín trong các tộc họ cùng đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương đến tận nhà người dân thuyết phục, gắn với công tác dân vận và giải quyết các chế độ, chính sách.

“Mưa dầm thấm lâu”, một số gia đình, thân nhân liệt sĩ đã đồng thuận và cho phép đưa HCLS về nghĩa trang. Từ thành công bước đầu này, đồng bào dân tộc Ra Glay dần thay đổi nếp nghĩ cũ. Từ năm 2016 đến nay, đã tìm kiếm, quy tập, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh được 90 HCLS, trong đó có 17 HCLS là người đồng bào dân tộc Ra Glay.

Đối với Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, việc cảm hóa, thuyết phục, động viên những người một thời ở bên kia chiến tuyến đã mang lại những kết quả tốt. Ông Huỳnh Văn Sĩ ở xã Thành An, thị xã An Khê, năm 1967 trúng quân dịch, làm lính Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 ngụy. Tháng 8-1968, ông phải cùng một số lao công dân binh đào hố tại khu vực suối Vối để chôn cất 26 thi hài chiến sĩ Quân Giải phóng. Được LLVT thị xã An Khê đến tận nhà tuyên truyền, động viên, thuyết phục, thậm chí cam kết bảo đảm an toàn, ông mới yên tâm kể lại sự việc và sau đó tích cực tham gia tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ.

Hành trình đi tìm đồng đội ở trong nước vốn đã gian nan thì việc tìm kiếm, quy tập HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia lại càng khó khăn hơn. Mùa khô trên đất bạn nhiệt độ trung bình 38-40 độ C, vào mùa mưa thì mưa mịt mùng, lũ ống, lũ quét bất ngờ và hung dữ. Những năm gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này.

Xác định tìm HCLS chính là tìm người thân của mình, cứ đến đầu mùa khô, khoảng từ cuối tháng 10 đến tháng 11 hằng năm, các Đội quy tập K51 (Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc), K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai), K53 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) lại lên đường sang đất bạn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng. Trên con đường các anh đi, vùng đất nơi các anh khai quật vẫn còn rất nhiều bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại. Rắn, rết và cả những cơn sốt rét rừng luôn là mối nguy hiểm đeo bám người lính.

Thiếu nước, có khi giữa rừng phải ăn lá me đánh lừa cơn khát, thậm chí gặp những vũng, sình lầy phải dùng phèn đánh nước trong để uống. Nhiều vị trí phải đào sâu rất nhiều lần trên sườn đồi dốc... Các đội quy tập động viên cán bộ, chiến sĩ học ngôn ngữ và nắm chắc phong tục tập quán nước bạn, nghiên cứu đúc rút các quy luật chôn cất, mai táng, đào hào, thăm dò... nhằm giảm thời gian, công sức khai quật và không bỏ sót mộ liệt sĩ.

leftcenterrightdel
 Đội K52 đưa hài cốt liệt sĩ trở về Việt Nam. Ảnh: QUÝ NĂM

Thượng tá Nguyễn Xuân Toản, Đội trưởng Đội K52 tâm sự: “Quanh năm ăn rừng, ngủ núi, thường xuyên đối mặt với sốt rét, thú rừng, rắn, rết nên cán bộ, chiến sĩ đều có nước da đen nhẻm, xù xì, chi chít vết muỗi châm, vắt cắn. Đội có một đồng chí hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, 7 đồng chí khác bị thương, được công nhận là thương binh. Càng trong những thời điểm ngặt nghèo, ý chí, lòng dũng cảm, tinh thần quên mình vì nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị càng thể hiện rõ. Có lần xuôi dòng Sekong về điểm tập kết tại tỉnh Stung Treng (Campuchia) thì ca nô bị lật, anh em đã quên mình quyết giữ an toàn HCLS và bơi vào bờ. Lần khác, do địa hình hiểm trở, lũ quét bất ngờ trong đêm đã cuốn phăng cả lán trại, chúng tôi phải dầm mưa suốt đêm ôm giữ HCLS để tránh thất lạc...”.

Làm nhiệm vụ trên đất bạn, các đội quy tập luôn chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết quốc tế. Cán bộ, chiến sĩ còn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, cấp cứu được nhiều ca sốt rét nặng, gặp tai nạn giao thông, hỗ trợ một phần lương thực cho các hộ nghèo, giúp dân thu hoạch mùa màng, được người dân tin yêu và tận tình cung cấp thông tin, dẫn, chỉ đường.

Chính từ hiệu quả của công tác dân vận đã vận động được một người từng là Trung đoàn trưởng Pol Pot năm xưa ở Preah Vihear, tự nguyện dẫn đường cho Đội K52 tìm được 45 HCLS. Còn theo Trung tá QNCN Trịnh Mạnh Đạt, Trợ lý Chính sách-Dân vận của Đội K53, người Lào xưa nay rất kiêng việc khiêng người chết đi qua bản. Thế nhưng được đội quy tập tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, với hài cốt các liệt sĩ Việt Nam, bà con còn khiêng giúp và đưa vào quàn tạm trong chùa-nơi rất đỗi linh thiêng của họ-chờ ngày chuyển về Việt Nam.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đội K52 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Đội K51 được nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng; Đội K53 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba... Trên hành trình tìm kiếm, quy tập HCLS, dù phải đương đầu với những khó khăn, vất vả, gian khổ, hy sinh nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 tiếp tục lên đường, bền bỉ hành trình đi tìm đồng đội. Việc làm thầm lặng ấy luôn tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP