Tại đây, Bác đã đặt tên Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi cho 8 đồng chí. Mấy chục năm qua, chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn còn lưu giữ những kỷ vật trong Nhà lưu niệm về Người.

Một ngày cuối hạ, chúng tôi tìm đến Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đang được anh Hoàng Văn Vinh, trưởng khu 2 trông coi, chăm sóc. Anh cho biết: “Toàn bộ diện tích hơn một mẫu đất xây dựng khu nhà lưu niệm là do gia đình tôi hiến tặng. Năm 1994, sau khi khởi công xây dựng, tôn tạo lại khu nhà lưu niệm, gia đình tôi tình nguyện cắt cử người trông coi, chăm sóc, gìn giữ toàn bộ công trình. Cũng vinh dự cho tôi là được làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan”.

leftcenterrightdel
Anh Vinh luôn chăm sóc chu đáo Khu lưu niệm Bác Hồ.

Nhớ lại ngày ấy, khi xe đưa Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu thuộc xóm Ghềnh (thôn Ba Triệu, xã Cổ Tiết) ở tại nhà cụ Nguyễn Liên (Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ). Đó là ngôi nhà xây dựng trên một quả đồi cao, nhìn ra dòng sông Thao, cách Đền Hùng hơn 10km về phía tây bắc. Để giữ bí mật, gia đình đã đến ở nhờ nhà người khác, nhường toàn bộ ngôi nhà cho khách. Bác ăn nghỉ và làm việc ở bên trái nhà kho, kề bên nhà chính, còn các đồng chí đi cùng thì ăn nghỉ ở nhà trên. Tuy đi đường mệt, nhưng Bác chỉ nghỉ một lúc rồi bắt tay vào làm việc ngay và chỉ ở xóm Ghềnh một ngày. Ngay tối 4-3-1947, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi (còn gọi là xóm Gò), cách xóm Ghềnh khoảng 2km. Xóm này rất thưa nhà, vườn cây rậm, khuất nẻo. Chủ nhà là ông Hoàng Văn Nguyện, ông nội của anh Hoàng Văn Vinh. Ngôi nhà lợp lá cọ, 5 gian rộng rãi, nền cao, vườn rộng, nhiều cây cổ thụ và lối vào rất kín đáo.

Trong 15 ngày ở Cổ Tiết, với bí danh “Xuân”, Bác làm việc rất nhiều. Bác tự mình sửa chữa, hoàn chỉnh nhiều văn bản. Bác đã cho công bố một số tài liệu như: Mười vấn đề cần biết trong kháng chiến, thư gửi đồng bào hậu phương, thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp nói rõ lập trường kháng chiến của nhân dân ta, thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, thư gửi đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công Hà Nội, ký Sắc lệnh số 29b-SL ngày 16-3-1947 về việc lập Ngoại thương Cục, thư gửi Bộ Nội vụ nhắc nhở về việc củng cố các ủy ban hành chính, thư gửi Bộ Nội vụ về việc di chuyển các cơ quan đến nơi an toàn. Cách chỗ Bác ở khoảng 3-4km là địa điểm cơ quan Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng thường đến báo cáo và bàn bạc với Bác công việc kháng chiến. Đến tối 18-3, sau khi họp Hội đồng Chính phủ, Bác và một số cán bộ cùng di chuyển đến địa điểm mới thuộc xã Chu Hóa (Lâm Thao, Phú Thọ).

Năm 1950, giặc Pháp tràn lên khu vực này và đốt cháy toàn bộ khu nhà mà Bác và đoàn cán bộ ở. Năm 1994, chính quyền và nhân dân nơi đây đã xây dựng, tôn tạo lại. Phía cổng chính đi vào là đài hương, nhà thờ, chính gian giữa được người dân đặt tượng Bác bằng đồng uy nghi, xung quanh là tấm bằng Di tích lịch sử được Bộ Văn hóa-Thông tin (trước đây) cấp năm 1995, bảng tên Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi, bảng ghi nhớ thời gian Bác dừng chân tại đây. Phía trong là ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp ngói đỏ. Trong đó, gian bên trái với một chiếc bàn làm việc và một chiếc giường nhỏ là nơi Bác nghỉ, 3 gian giữa là nơi trưng bày các tài liệu về kháng chiến, gian bên phải là nơi các đồng chí trong các cơ quan Trung ương ở và làm việc. Trong cùng là nhà bếp, có các vật dụng sinh hoạt phục vụ ăn uống hằng ngày của Bác.

Mặc dù những kỷ vật còn lại không nhiều, ngôi nhà bị quân Pháp tàn phá, nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân nơi đây, khu Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Cổ Tiết được xây dựng lại uy nghi, gọn gàng, mang đầy tính chất lịch sử. Đây cũng là nơi hằng năm đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, cũng là nơi học sinh trên quê hương Cổ Tiết đến học ngoại khóa, tìm hiểu về lịch sử quê mình.

Bài và ảnh: HÀ THIỆN HÙNG