Do có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu, lại thông thuộc địa bàn nên anh được cấp trên điều động làm biệt phái viên phục vụ chiến trường. Nhiệm vụ của anh là chỉ đường cho bộ đội ta tiến vào Đà Nẵng, nắm tình hình an ninh chính trị và giúp đỡ nhân dân vùng mới giải phóng.

Một ngày cuối tháng 3-1975, tổ công tác gồm đồng chí Trịnh Văn Đức, đồng chí Thuận, đồng chí Thiện làm nhiệm vụ chỉ đường cho một đơn vị thuộc Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) ở khu vực xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Khoảng 12 giờ đêm, một người đàn ông đến gặp tổ công tác của Trịnh Văn Đức nhờ giúp đỡ. Ông Đức kể: “Tôi nhớ hôm đấy là ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975), người đàn ông tên Vọng đến báo với tôi là vợ chồng anh đang trên đường từ Đà Nẵng về Thừa Thiên thì vợ đau đẻ. Tôi chợt nhớ đến đơn vị bộ đội vừa đi qua nên chạy theo tìm y tá giúp đỡ nhưng không kịp. Tôi tiếp tục nhờ một số người dân xung quanh nhưng mọi người từ chối vì không ai biết đỡ đẻ”. Quay lại chỗ vợ chồng anh Vọng, thấy chị vợ nằm quằn quại, miệng gào khóc đau đớn. Anh Đức và người chồng vội dìu chị vào ngôi nhà hoang gần đó để nằm nghỉ. Lúc này, anh nghĩ nếu không giúp đỡ mẹ con sản phụ sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, anh chạy đi hỏi những phụ nữ gần đó để “học cách đỡ đẻ” và được họ chỉ cho một số kinh nghiệm như phải cắt dây rốn sau khi cháu bé chào đời, lấy nhau thai sau khi sản phụ sinh...

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trịnh Văn Đức (ngồi giữa, hàng đầu) trong buổi gặp mặt Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên khu vực Hà Nội-Hải Dương. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Bằng kiến thức ít ỏi vừa học được, Trịnh Văn Đức quyết định đỡ đẻ cho người phụ nữ. Ca đỡ đẻ bất đắc dĩ diễn ra ngay trong ngôi nhà hoang với dụng cụ hỗ trợ duy nhất là cuộn băng cá nhân. Ông Đức kể tiếp: “Lúc đầu, tôi cố gắng động viên để sản phụ yên tâm. Do sản phụ đã sinh em bé một lần nên tôi bảo chị cứ làm như lần sinh trước. Cũng may người mẹ sức khỏe tốt nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Mất gần 30 phút cháu bé được sinh ra, nghe tiếng khóc chào đời của cháu mà tôi thở phào nhẹ nhõm và mừng rơi nước mắt”.

Cháu bé chào đời, Trịnh Văn Đức dùng dao lam cắt dây rốn sau đó lấy chiếc áo may ô của mình ủ cháu vào cho khỏi lạnh. Người mẹ vì quá mệt nên cũng ngủ thiếp đi. Lúc này, anh Đức chợt nhớ một người phụ nữ đã dặn phải lấy hết nhau thai ra nếu không người mẹ có thể tử vong. Đang lúc bối rối không biết làm thế nào thì anh nghĩ ra một cách để “câu nhau thai”. “Tôi xé cuộn băng cá nhân, một đầu buộc vào cuống nhau thai, đầu kia buộc vào thành giường để cho nhau thai căng ra, một lúc sau, khi thấy nhau thai chùng xuống, tôi tiếp tục kéo căng, cứ làm như vậy hơn 1 giờ thì nhau thai cũng ra hết”, ông Đức nhớ lại.

Gần sáng thì sản phụ tỉnh dậy, lúc này Trịnh Văn Đức mới biết người phụ nữ tên là Thương. Thấy người mẹ mệt mỏi nên anh lấy nắp ăng-gô đun nước sôi sau đó bẻ mấy thanh lương khô cho vào khuấy đều để người mẹ uống. Cảm kích trước việc làm của Trịnh Văn Đức, vợ chồng anh Vọng đã nhờ anh đặt tên cho con trai của mình. Thời điểm này, quân ta vừa giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế-Đà Nẵng nên anh Đức đặt tên cháu bé là Thắng. Do vợ chồng anh Vọng muốn lấy tên anh làm tên đệm nên cháu bé có tên Hoàng Đức Thắng. Những ngày sau đó, tổ công tác của anh Đức thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho gia đình chị Thương, lúc thì hộp lương khô, khi là cân gạo. Ba ngày sau khi chị Thương sinh, anh Đức mượn xe máy chở gia đình họ về quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

NGUYỄN TRƯỜNG