Ngày 17-3-1970, chàng trai Nguyễn Giang Sơn xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 450 (Quân khu 5).
Tháng 6-1972, Tiểu đoàn Đặc công 450 được giao nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho các đơn vị chiến đấu để bảo đảm đánh trận nào thắng trận đấy. Đồng thời, tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đặc biệt là đánh sân bay An Khê thuộc xã An Khê (nay là thị xã An Khê), tỉnh Gia Lai. Nắm được tinh thần đó, tiểu đoàn đã lựa chọn 7 đồng chí có kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng chiến đấu tốt để đảm nhiệm trọng trách này. Thượng sĩ Nguyễn Giang Sơn, tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy và cùng với 6 đồng chí còn lại chiến đấu phá hủy sân bay của địch. Thực hiện nhiệm vụ, cả đội phải mất cả tháng đi trinh sát, nắm tình hình địch, chọn vị trí thuận lợi bí mật đưa mìn vào trong sân bay. Thời gian đi trinh sát chủ yếu vào ban đêm nên đội của ông luôn có người dẫn đường và đều là những cô gái còn rất trẻ. Thời gian đầu, họ được cài cắm trong hàng ngũ địch để lấy thông tin nhưng khi có nguy cơ bị phát hiện, các cô được điều ra vùng ven làm nhiệm vụ dẫn đường. Ông Sơn xúc động kể: “Những cô gái ấy có tinh thần chiến đấu tuyệt vời, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội. Đêm 12-6-1972, tôi cùng hai đồng chí nữa đi trinh sát và được cô gái tên Vân dẫn đường nhưng không may bị địch phát hiện. Trong tình thế nguy cấp, Vân yêu cầu chúng tôi nằm im tại chỗ, rồi bình tĩnh ra đối phó với địch. Bằng sự thông minh của mình, cô qua được tai mắt của bọn lính gác. Thế nhưng vừa đi được vài bước thì Vân bị tên chỉ huy địch gọi lại túm tóc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đẩy cô ngã sấp mặt. Hắn ra lệnh cho lính lục soát. Trước sự truy lùng gắt gao của địch, lợi dụng lúc bọn chúng sơ hở, Vân vùng dậy chạy để đánh lạc hướng, thu hút sự tập trung của địch, tạo cơ hội cho chúng tôi thoát khỏi vòng vây, nhưng mới chạy được một đoạn thì cô ấy hy sinh do bị trúng đạn của tên chỉ huy...”
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Giang Sơn (bên phải) cùng đồng đội. |
Hơn 10 ngày sau, khi tình hình tạm lắng, đội của ông Sơn mới tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ngày 24-6-1972, cấp trên lệnh bí mật đưa mìn vào phá hủy sân bay của địch. Do địch tổ chức tuần tra canh gác chặt chẽ, hệ thống vật cản bố trí dày đặc, thậm chí sử dụng cả chó lùng sục khắp nơi, nên đội của ông Sơn phải mất 3 ngày mới vào được trận địa. Ông kể: “Để không bị lũ chó đánh hơi thấy, các chiến sĩ phải phơi sương cho bớt hơi người, sử dụng nước hoa làm nhiễu khả năng đánh hơi của chó. Đêm cuối cùng, khi chúng tôi đang khắc phục lớp hàng rào cuối thì có 3 con chó xồng xộc chạy đến cách chúng tôi vài mét đánh hơi. Lúc đó, lượng nước hoa còn rất ít không đủ để làm lạc hướng của chúng. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, trong lúc nguy cấp, chúng tôi đã dùng chính phân của mình bôi vào người, chúng mới không phát hiện ra”.
Sau 3 ngày “nằm gai nếm mật”, các chiến sĩ đặc công cũng bí mật vào được trong sân bay, tiến hành cài mìn hẹn giờ rồi nhanh chóng rút ra ngoài đợi mìn nổ. Khoảng gần 10 phút sau, những tiếng nổ đanh giòn vang lên, phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng và 5 máy bay chiến đấu của địch. Kết thúc trận đánh, cả đội được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay. Riêng đối với Nguyễn Giang Sơn thì đây còn là một thử thách lớn trước khi ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài và ảnh: TRẦN QUANG ĐÔNG