Ngày 28-4-1975, Trung đoàn Xe tăng 273 (sau này là Lữ đoàn Xe tăng 273) chính thức bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ đánh “bóc vỏ”, tiêu diệt lực lượng phòng ngự vòng ngoài. Tiểu đoàn 2 cùng Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) thọc sâu vào Sài Gòn theo Quốc lộ 15, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Tiểu đoàn 1 cùng Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) thọc sâu vào Sài Gòn theo Quốc lộ 1, có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài, đêm 29-4, đội hình thọc sâu của Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 1 đã đến sát rìa phía Tây Bắc của sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả dừng lại chuẩn bị cho trận đánh quyết định ngày hôm sau.

Sáng 30-4, khi mặt trời vừa le lói, cả đội hình thọc sâu lại lên đường. Vì là đường độc đạo nên chỉ có thể sử dụng đội hình hàng dọc, Đại đội 1 vẫn là mũi nhọn dẫn đầu đội hình. Địch ngăn chặn ở ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả. Hai bên bắn nhau quyết liệt.

Có điều kỳ lạ trong trận đánh này là ngay phía trước, chỉ cách chừng 50m là trận đánh diễn ra ác liệt, súng nổ rầm trời thì ở phía sau dân chúng vẫn bình thản ra xem Quân giải phóng chiến đấu. Có vẻ người Sài Gòn đã quá quen với bom đạn thì phải. Họ tò mò muốn nhìn chiếc xe tăng T-54 của Quân giải phóng như thế nào. Một vài chiếc xe đò chở khách bị kẹt giữa hai làn đạn tiến thoái lưỡng nan, làm cho chiến trường càng thêm chật chội.

Bị chặn đánh quyết liệt, Đại đội 1 không thể đột phá qua tuyến phòng ngự của địch, nên các đơn vị phía sau vẫn phải chờ. Sốt ruột quá, Đặng Văn Phong, pháo thủ xe tăng số hiệu 325 của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Xe tăng số hiệu 273 chủ động chui ra ngoài nắm bắt tình hình. Khi Phong đang đứng phía đuôi xe quan sát thì bỗng có hai người, một đàn ông khoảng hơn 30 tuổi và một phụ nữ chạy xe Honda tới. Chưa kịp nghĩ điều gì, người đàn ông nắm lấy tay Phong khẩn khoản, run run nói không nên lời: “Dạ, ông... ông làm ơn giúp vợ chồng con với”.

Đặng Văn Phong hỏi lại: “Giúp gì?”.

Hai vợ chồng hổn hển: “Dạ, ông... cho con về nhà, nhà con phía trước đây thôi. Sáng nay, vợ chồng con có việc phải đi sớm, khóa đứa con 5 tuổi ở trong nhà. Đấy, nhà con ở ngay gần chiếc xe tăng đang bắn đấy”. Rồi anh ta chỉ tay về phía một chiếc xe tăng của Đại đội 1 cách đó chừng vài trăm mét vừa phát hỏa, nói tiếp: “Con xin ông giúp con với!”.

Phong lắc đầu, giọng kiên quyết: “Không được! Lên đấy nguy hiểm lắm. Anh chị chờ cho im tiếng súng đã!”.

Người vợ bật khóc thảm thiết. Người chồng biết rằng đây là việc rất khó nên chỉ biết an ủi vợ. Đặng Văn Phong cố gắng quay mặt đi để kìm nén cảm xúc  trước lời thỉnh cầu của đôi vợ chồng.

Từ xe sau, Chính trị viên Đại đội 2 Vũ Ngọc Bình hỏi vọng lên: “Có việc gì đấy Phong?”.

Phong kể lại vắn tắt cho Chính trị viên nghe đầu đuôi câu chuyện. Lưỡng lự một lát, Chính trị viên Bình nói: “Nếu đi được thì cậu đi cùng giúp người ta một tí. Nhớ an toàn mới đi nhé! Tuyệt đối không được vượt qua đội hình xe tăng ta. Không thấy xe tăng ta phía trước nhất định không đi tiếp đâu đấy!”.

Phong ngần ngừ, nhiệm vụ của mình là chiến đấu cơ mà. Hơn nữa, lính xe tăng dẫu có chết trong xe vẫn vinh dự hơn chết ngoài xe chứ. Nhưng nghĩ đến sinh mệnh đứa trẻ vô tội, anh quyết định sẽ đi.

Phong vào xe lấy súng và báo cho các đồng đội. Xuống xe, một tay anh xách khẩu AK, tay kia nắm lấy tay người đàn ông, cứ thế nép vào hông những chiếc xe tăng, lúc đi, lúc chạy. Mấy đồng đội phía trước hỏi “đi đâu?”, nhưng Phong không trả lời mà giơ tay ra hiệu chỉ vào người đàn ông, rồi chỉ về phía trước.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đặng Văn Phong. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ta với địch vẫn đang bắn nhau, đạn nổ chát chúa. Tiếng súng AK, AR-15 cùng tiếng của những loại pháo, súng khác tạo nên một âm thanh chết chóc điên cuồng. Đạn bay viu víu qua đầu. Tuy nhiên, Phong vẫn có cảm giác an toàn vì có sự che chắn của những chiếc xe tăng.

Chợt người đàn ông reo lên: “Ông ơi, nhà con đây rồi!”.

Phong dừng lại ôm súng canh chừng, anh ta vội vàng mở cửa chạy vào ôm thốc đứa con vào lòng. Đứa bé sợ hãi, mặt mũi tái xám khóc không ra tiếng. Nó ôm riết lấy cổ ba như sợ ba lại bỏ đi đâu mất.

Hai người quay ngược trở lại phía sau. Người đàn ông bế đứa con chạy trước, anh ta lom khom nép vào thành xe tăng tránh đạn, y hệt như động tác Phong hướng dẫn lúc đi.

Về đến xe tăng 325, người mẹ ôm chầm lấy hai bố con trong nỗi vui mừng khôn xiết. Anh ta hỏi Phong: “Ông tên gì ạ?”. Đặng Văn Phong chỉ tay vào tháp pháo nói: “Anh tìm tôi thì tìm chiếc xe tăng có sao vàng này và số xe là 325 nhé!”. Họ rối rít cảm ơn Phong.

Trận chiến đấu càng lúc càng khốc liệt. Quân địch lợi dụng các nhà cao tầng, các ngõ hẻm... bố trí hỏa lực chống tăng, gây nhiều tổn thất cho xe tăng của ta. Đại đội 1 đi trước gần như bị mất sức chiến đấu. Đại đội 2 dồn lên thay thế tiếp tục tiến công.

Khoảng 8 giờ 30 phút, một chiếc máy bay của địch ném hai quả bom vào đội hình. Một quả rơi trên mặt đường. Một quả đúng vào xe tăng 313 phía trước. Vị trí quả bom ngay bên phải phía trước xe, trên giá đạn nổ, đầu xe lõm xuống. Kíp xe tăng hy sinh hai người, còn bộ binh thương vong khá nhiều.

Đội hình Đại đội 2 tiếp tục dồn lên một cách thận trọng. Xe tăng 325 vừa cơ động vừa ngắm bắn vào các vị trí nghi ngờ địch bố trí hỏa lực. Hai vợ chồng nọ vẫn bám sau xe tăng 325. Xe tiến, họ cũng tiến, xe dừng, họ cũng dừng. Mãi đến khi trận đánh kết thúc, Phong quay lại nhìn thì không thấy họ đâu nữa.

Khi đã tiến sát lên khu vực Lăng Cha Cả (nay thuộc quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), Phong thấy khá nhiều xe tăng của ta bị cháy nằm tại đó, khói lửa vẫn nghi ngút. Anh đang định bắn tiếp vào góc tường của một ngôi nhà vì phát hiện ở đó vừa bắn ra một loạt đạn thì Đại đội phó Hỗ giơ hai tay chéo nhau và nói: “Không bắn nữa. Nó đầu hàng rồi. Hòa bình rồi. Không bắn nữa!”.

Chiều 30-4, Tiểu đoàn 1 tập kết trong căn cứ Hoàng Hoa Thám. Không khí trong đơn vị trầm lắng, không mừng, không vui. Thiếu vắng nhiều đồng đội quá. Hàng chục đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại Sài Gòn ngay trước giờ toàn thắng. Họ muốn thu gom thi hài đồng đội nhưng không được vì xe còn nóng đến mấy ngày sau.

Ngày 3-5, khi Đặng Văn Phong đang ngồi kì cạch với chiếc máy chữ mới nhặt được, bỗng pháo thủ Giáp gọi: “Quê Phong ơi, có người cần gặp xe tăng 325 ngoài cổng gác kia kìa”.

Lúc này, Trưởng xe Văn và pháo thủ số hai Quynh đang đi vắng, chỉ còn Phong và lái xe Chiến ở xe. Chiến nói: “Quê ra đi, tao ở lại trực xe kẻo có việc gì không ai lái thì nguy”.

Cổng gác cách xe khá xa, Phong vừa đi vừa nghĩ không biết có việc gì liên quan đến xe tăng 325 đây. Từ xa nhìn ra vọng gác, thấp thoáng bóng chiếc áo trắng thập thò, đến gần thấy thêm một người mặc chiếc áo xanh nữa.

Chào người chiến sĩ vệ binh, Phong bước qua cổng trại, thoáng một giây ngờ ngợ nhưng rồi hai bên đã nhận ra nhau. Đây chính là đôi vợ chồng đã nhờ anh đưa về nhà để cứu đứa con bị nhốt bên trong.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Đặng Văn Phong (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội trong lần trở lại thăm Lữ đoàn Xe tăng 273. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau câu chào hỏi xã giao, hai vợ chồng mời Phong về nhà chơi. Anh ta cũng thông báo lúc đưa con ra khỏi nhà thì căn nhà vẫn còn nguyên, nhưng lúc trở về thì nhà bị bắn sập một góc. Nếu hôm đó không về mở cửa đón con kịp thời thì chắc cháu đã chết.

Họ tha thiết: “Nhờ ơn ông nên cháu đã được sống. Hôm nay con đến đây xin mời ông về nhà chơi để biết nhà, sau này nếu có dịp mời ông đến chơi lâu hơn”.

Phong cười hiền lành: “Cảm ơn anh chị. Anh chị cứ gọi tôi là anh giải phóng hoặc chú bộ đội là được. Còn hôm nay, tôi phải xin lỗi vì theo lệnh của trên, tất cả chúng tôi không được rời vị trí. Xin hẹn anh chị một dịp khác!”.

Thất vọng vì Phong không thể đi được, hai vợ chồng biếu anh một bịch hoa quả và để lại tên, địa chỉ số nhà: THT số 158/1A...

Những ngày sau đó, đơn vị vẫn duy trì lệnh cấm ra khỏi khu vực đóng quân, tiếp đến lại chuyển về Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sau đó về ấp Thuận Kiều (Hóc Môn), khoảng 20 ngày sau, toàn Trung đoàn Xe tăng 273 về đóng quân tại căn cứ Phú Lợi, tỉnh Bình Dương...

Rồi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam lại cuốn các anh vào vòng xoáy mới. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, Phong buộc phải rời quân ngũ sớm ngoài ý muốn. Cho đến hôm nay, Đặng Văn Phong vẫn chưa đến nhà đôi vợ chồng ấy như lời hứa được. Tuy nhiên, anh tin rằng, khi đã vượt qua kiếp nạn ấy, gia đình họ sẽ mãi mãi bình an.

Nhà văn NGUYỄN KHẮC NGUYỆT