Chập tối 30-4-1975, Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 được Tiểu đoàn phân về chiếm giữ một ngôi biệt thự nằm trên đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Tôi là chiến sĩ của Đại đội 5 được tạm trú quân trong khu biệt thự, ở giữa là một ngôi nhà kiến trúc gothic, có một tầng trệt, một tầng lầu và phần mái nhọn, xung quanh có cột và các cửa vòm. Phía trước nhà có vườn hoa, đài phun nước nhỏ. Xung quanh rộng rãi, xe cộ đi lại dễ dàng. Bên nách trái và phía sau là nhà để xe, cùng một dãy nhà nhỏ của người lao công, giúp việc. Chúng tôi rẽ vào khuôn viên, một người đàn ông lom khom chạy ra chào. Khi chúng tôi cho biết cần kiểm soát ngôi nhà, ông ta vội nói: “Thưa các quý anh giải phóng, tôi chỉ là lái xe cho ông chủ. Ổng và vợ ổng đã di tản được 2 ngày, căn biệt thự của ổng còn nguyên vẹn, xe Honda, xe hơi cũng còn nguyên kia. Dạ, đây là chìa khóa, để tôi mở cửa mời các quý anh vào uống miếng nước mát...”.

Trong nhà, một cảnh tượng vô cùng xa xỉ hiện ra. Người lái xe giới thiệu phòng khách, phòng ăn, trên lầu là các phòng ngủ... trên tầng thượng có một vườn cây nhỏ. Vẫn có điện, hóa ra máy nổ của biệt thự vẫn đang chạy. Mọi thứ trong nhà gần như còn nguyên vẹn, chỉ hai phòng ngủ có chút lộn xộn, chắc vì chủ nhà vội vã thu đồ khi di tản. Sau khi cùng người lái xe kiểm tra đồ ăn, uống, chúng tôi tỏa ra kiểm tra an toàn và tìm hiểu thêm về căn biệt thự. Căn biệt thự này là của vợ chồng một tùy viên ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, vợ người Việt, chồng người Mỹ.

Chúng tôi ở trong căn biệt thự, còn khu nhà ngang vẫn có nhân viên phục vụ, lái xe, quản lý... vì họ chẳng có nơi nào khác để đi. Sau khi kiểm tra một vòng, tôi chuyển lệnh cấp trên cho phép Đại đội trú quân tạm tại khu biệt thự này, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh từ Dinh Độc Lập, qua một nhà cao tầng là nơi làm việc của một cơ quan viện trợ Mỹ. Đáng lẽ theo phân công ban đầu, chúng tôi trú tại tòa nhà cao tầng này, nhưng lúc chúng tôi vào thì vẫn sặc sụa mùi khói thuốc hủy tài liệu, hơi cay từ chiều qua...

Bữa tối muộn, có đủ cao lương mỹ vị, rượu vang, rượu mạnh, đồ ăn do mấy người phụ nữ giúp việc trong biệt thự làm giúp. Họ rất nhiệt tình và có cảm tình với Quân giải phóng chúng tôi. Một lúc sau, tôi mở máy liên lạc với Tiểu đoàn và nhận được điện: “Đơn vị canh gác an toàn, sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị vũ khí sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp tục hành quân; các đồng chí chỉ huy lên Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ ngay”.

Đến lượt đi tắm, tôi thốt lên vì không tưởng tượng được phòng tắm lại xa xỉ đến thế. Cũng may hôm ấy mấy đồng đội tắm trước đã được người đàn ông quản gia hướng dẫn, sau đó, nhờ anh em chỉ nên tôi sử dụng vòi hoa sen khá dễ dàng.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Cao Phương Giang tại Sài Gòn, tháng 5-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đêm 30-4, tôi không phải gác vì ngủ chung với cậu liên lạc Đại đội. Mệt quá, suốt hai ngày chiến đấu liên tục, tôi lập tức chìm vào giấc ngủ mộng mị, chập chờn. Một bên máy vô tuyến điện mở xè xè, tôi ngủ mà vẫn ôm chặt khẩu tiểu liên AK trong lòng, có nó hình như yên tâm hơn...

Nhớ lại hồi chuẩn bị nhập ngũ hay trên đường hành quân đi B, bọn tôi thường nghe mọi người nói: “Vào nhanh lên, không thì không có ống bơ mà nhặt”, hay: “Các cậu vào chắc là chỉ để đứng gác dưới ánh đèn neon”... Câu nói đùa ấy vừa thể hiện niềm khát khao hòa bình, vừa là lời động viên chúng tôi trước khi vào trận chiến. Và mọi người đều biết, chiến tranh không phải trò đùa. Nhưng việc đứng gác dưới ánh đèn neon đã trở thành hiện thực. Đó là những ngày sau 30-4-1975, chúng tôi làm nhiệm vụ ở Sài Gòn.

Từ hôm vào Sài Gòn, lần đầu tiên chúng tôi mới biết thế nào là cuộc sống hoa lệ ở thành phố này. Sáng 1-5, chúng tôi nhận được thông báo không phải hành quân xuống miền Tây nữa, để làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh khu vực... 

Nhiệm vụ Tiểu đoàn chúng tôi được giao là bảo đảm an ninh khu vực gần Dinh Độc Lập. Trong đó, chúng tôi canh gác bên ngoài “dinh Hoa Lan”-tư gia của tướng ngụy Dương Văn Minh. Theo cấp trên phân công, tôi đeo máy PRC-25, vắt vẻo cần anten theo tổ tuần tra của Đại đội 5 hành quân trên đường phố Sài Gòn. Dọc đường đi, biết bao ánh mắt tò mò xen lẫn ngưỡng mộ của người dân. Những ngày đầu, nhiều người dân vẫn đổ ra đường vừa để chào mừng quân cách mạng, vừa như thăm dò thái độ của chính quyền mới. Đeo máy vô tuyến điện sau lưng, súng tiểu liên treo trước ngực, mở máy canh và cứ vài phút tôi lại gọi về một lần báo tình hình an ninh khu vực. Có nhiều người xin được chụp hình với chúng tôi. Ai chụp xong cũng hứa đem hình tới. Tuy nhiên, thật tiếc vì đến giờ tôi không còn giữ được bức hình nào lưu lại thời khắc đáng nhớ ấy.

Chiều hôm đó, tôi nhận được lệnh trực tiếp của cán bộ Tiểu đoàn: Khẩn trương đến ổn định trật tự tại trụ sở Bộ Chiêu hồi của ngụy. Đại đội 5 chia làm 2, một bộ phận ở lại và một bộ phận cơ động đến Bộ Chiêu hồi. Tôi phải vác máy chạy theo. Đến nơi, thấy mấy cậu tự vệ thành đeo băng đỏ tuy rất cố gắng nhưng cũng không ngăn nổi dòng người tràn vào trụ sở Bộ Chiêu hồi để hôi của. Họ khuân tủ lạnh, ti vi, máy điều hòa, bàn ghế, rèm cửa, lương thực, thực phẩm...

Bộ đội chủ lực chúng tôi tới nơi, bắn chỉ thiên, nhóm người hôi của dạt ra ngay, mấy cậu tự vệ như thở hắt ra. Đại đội trưởng ra lệnh phát cho mỗi người dân một khẩu phần ăn dã chiến nếu có nhu cầu, sau đó niêm phong toàn bộ tòa nhà. Thế là chúng tôi có thêm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở Bộ Chiêu hồi. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu của họ được chúng tôi bàn giao ngay cho Ban An ninh Đặc khu Sài Gòn-Gia Định và họ cử người canh giữ cho đến khi một tốp cán bộ có vũ trang cấp trên về tiếp quản... 

Ngày hôm sau, tôi được một cậu thanh niên tình nguyện chở bằng xe Honda chạy vè vè qua một số con phố để tham quan thành phố, phóng lên cả Dinh Độc Lập, ngắm Dinh từ hướng chính diện. Trong Dinh vẫn thấy còn xe tăng, xe quân sự và từng tốp bộ đội đi lại trong sân, trong vườn cây. Dân chúng với cờ giải phóng trên tay vẫn từng tốp, từng tốp tập trung trên quảng trường trước Dinh giao lưu cùng mấy anh biệt động tay đeo băng đỏ.

Tối, Sài Gòn vẫn có điện đường. Khi trở về ngôi biệt thự, nơi trú quân trên đường Công Lý, ánh sáng từ đèn neon hắt xuống xuyên qua hàng cây lung linh, nhảy nhót trên vai áo những người chiến sĩ giải phóng. Thế là câu nói đùa từ miền Bắc ngày nào đã trở thành hiện thực, đúng là chúng tôi đang làm nhiệm vụ “đứng gác dưới ánh đèn neon” giữa Sài Gòn giải phóng.

leftcenterrightdel

Đại tá Cao Phương Giang (bên trái) cùng đồng đội. Ảnh: THÁI KIÊN 

Đơn vị chúng tôi ở Sài Gòn khoảng một tuần, sau đó di chuyển ra Hóc Môn-Đồng Dù để làm công tác hậu chiến. Vào Đồng Dù, tôi được chọn làm thống kê viên trong đợt tổng kiểm tra quân số, vũ khí, trang bị sau chiến tranh. Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi được cấp trên khen thưởng và cuối tháng 7-1975 được cử đi học...

Đến bây giờ, tôi luôn nhận mình là lính Tây Nguyên, mặc dù thời gian tôi chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 không dài nhưng tôi rất tự hào và kiêu hãnh: Mình là cựu chiến binh Sư đoàn 320, vì đó là nơi tôi gửi lại quãng đời đẹp đẽ của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đại tá, TS CAO PHƯƠNG GIANG (Nguyên Phó chủ nhiệm Bộ môn Bảo đảm kỹ thuật binh chủng, Khoa Chỉ huy tham mưu kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự)