Tháng 12-2024, cụ Hoàng Lương, 97 tuổi, được Trường THCS Hoàng Tá Thốn, xã Long Thành mời đến nói chuyện truyền thống về 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Buổi nói chuyện diễn ra đầy xúc động, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho cán bộ, giáo viên, học sinh và những người tham dự. Trong khi liên hệ đến sự đóng góp, hy sinh của quê hương, cụ dừng lại bộc bạch: “Tôi rất tự hào là Bộ đội Cụ Hồ, được kinh qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đặc biệt là được trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Niềm tự hào càng được nhân lên khi tôi chính là hậu duệ của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, nhân vật lịch sử được đặt tên cho ngôi trường này. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làng Vạn Tràng của chúng ta có 8 người con cùng tham gia, đều là người thân của tôi”.

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh, người thân của cụ Hoàng Lương gặp mặt trò chuyện. Ảnh: HOÀNG CUNG 

Vạn Tràng là ngôi làng nhỏ hiện có 250 hộ gia đình. Làng có 4 dòng họ chính cùng chung sống là: Hoàng, Nguyễn, Trần, Lê, trong đó họ Hoàng chiếm đa số. Nơi đây, nhiều đời nay hiện hữu ngôi đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng thao lược tài ba từng tắm mình trong hào khí Đông A, cùng quân dân nhà Trần làm nên những chiến công lừng lẫy. Năm 1992, ngôi đền được công nhận Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làng Vạn Tràng có hơn 100 lượt con em tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trong đó có 13 người hy sinh trên các chiến trường và 30 người là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam. 8 người thân cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mà cụ Hoàng Lương nhắc đến chính là cụ và 7 người khác đều là họ hàng ruột thịt.

Cụ Hoàng Lương sinh năm 1927, thời ấu thơ được học chữ Hán tại nhà một thầy đồ trong vùng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ vừa học chữ quốc ngữ vừa tham gia hoạt động trong các hội nhóm tiến bộ. Ngày 25-8-1945, cụ cùng nhiều người dân trong làng cầm cờ đỏ sao vàng tham gia giành chính quyền tại huyện Yên Thành, đến năm 1949 nhập ngũ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cụ đã tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trải qua 27 năm chiến đấu trên các chiến trường, năm 1976, cụ được Quân đội cho nghỉ hưu.

Người thứ hai cụ nhắc tới là ông Hoàng Đình Thị, sinh năm 1940, là em họ của cụ. Ông Thị nhập ngũ năm 1964, năm 1965 cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường B2. Ông Thị đã từ trần năm 2021.

Người thứ ba là ông Hoàng Văn Thi, gọi cụ Lương là chú. Năm 1970, trong khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh, cũng như bao sinh viên lúc bấy giờ, ông đã rời giảng đường lên đường vào chiến trường Tây Nguyên (B3) đánh Mỹ.

Người thứ tư, ông Lê Văn Thỉnh, sinh năm 1950, gọi cụ Lương là anh (mẹ ông Thỉnh là cô ruột cụ Lương). Khi đang học tại Trường Trung cấp Xây dựng Thanh Hóa, năm 1968, ông Thỉnh cùng nhiều học sinh của trường nhập ngũ. Năm 1969, ông vào chiến trường B2, là người nhiều năm hoạt động bí mật trong lòng địch.

Người thứ năm, ông Hoàng Đình Cầm, sinh năm 1950, gọi cụ Lương là bác. Ông Cầm nhập ngũ năm 1969, vào chiến trường B2 năm 1970, hoạt động chủ yếu ở Mỹ Tho và Bến Tre.

Người thứ sáu, ông Hoàng Đình Hải, sinh năm 1955, gọi cụ Lương là chú. Người thứ bảy, ông Hoàng Đình Việt, sinh năm 1957, gọi cụ Lương là ông. Hai ông nhập ngũ tháng 4-1974, sau khóa huấn luyện được bổ sung vào đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12).

Người thứ tám, ông Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1956, gọi cụ Lương là cậu ruột. Ông Vinh nhập ngũ tháng 6-1974. Sau khóa huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân vào Tây Nguyên chiến đấu. Tháng 3-1975, đơn vị ông Vinh nằm trong đội hình Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34).

Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi người một đơn vị khác nhau. Người bí mật hoạt động, chiến đấu trong lòng địch ở miền Nam, người chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên và Trị-Thiên. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, theo bước chân thần tốc, các ông cùng đồng đội hòa mình vào dòng thác của các cánh quân đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Thời khắc trọng đại của đất nước, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, 8 cán bộ, chiến sĩ-8 người họ hàng ruột thịt ở làng Vạn Tràng đều có mặt tại Sài Gòn, cùng hoan ca trong niềm vui chiến thắng.

HOÀNG XUÂN TỜI (Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)