Tôi đến thăm ông Phạm Chánh Trực, thường gọi Năm Nghị, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh và vợ ông-bà Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), Anh hùng Lao động, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn Coop tại nhà riêng ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Ông Năm Nghị sinh năm 1939, tại Tam Bình (Vĩnh Long), tham gia phong trào thiếu nhi và học sinh, sinh viên kháng chiến từ năm 1950. Năm 1960, ông được kết nạp Đảng và được giao làm Bí thư Đoàn ủy sinh viên Sài Gòn (năm 1965) rồi Phó bí thư Thành đoàn-Chỉ huy phó lực lượng chính trị vũ trang Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định (1967-1968). Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ông làm Bí thư Thành đoàn Sài Gòn, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tôi hỏi ông: “Ấn tượng lớn nhất đối với ông về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là gì?”.
Ông Năm Nghị suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi nói: “Đó là sức mạnh tổng hợp. Đúng như tên gọi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975”.
    |
 |
Trung tướng Triệu Xuân Hòa (hàng đầu, thứ ba, từ trái sang) về thăm chiến trường xưa ở Long Khốt (Long An). Ảnh: NGUYÊN TRANG
|
Có thể chưa đầy đủ, nhưng người ta hiểu Tổng tiến công là nói đến lực lượng chủ lực. 5 cánh quân như 5 gọng kìm bao vây Sài Gòn. Còn nổi dậy là lực lượng tại chỗ: Biệt động thành, đặc công, tự vệ, thanh niên xung phong và nhân dân. Từ cánh Đông, ông Năm Nghị được lệnh vượt qua đồn bốt địch về hướng Tây Nam Sài Gòn tổ chức lực lượng nổi dậy. Còn bà Chín Ngân lúc ấy ở Thành đoàn.
Rồi ông Năm Nghị tặng tôi cuốn sách của ông với tựa đề “Chủ nghĩa xã hội tôi mơ ước” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tháng 12-2024). Đọc hết cuốn sách dày 400 trang (khổ 16x24cm), tôi nhận thấy cuốn sách mang tính tổng kết về thực tiễn và lý luận trong cả cuộc đời dấn thân cho cách mạng của ông. Ông tâm huyết khi nói về bài học tổ chức Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đó là nghệ thuật chọn thời cơ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, từ chủ trương đến thực tiễn. Kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong hai năm (1975-1976). Nhưng sau Chiến thắng Phước Long (tháng 1-1975), Đảng ta đã chớp lấy thời cơ giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Cũng nói về nghệ thuật tổ chức và chớp thời cơ để giải phóng miền Nam, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Triệu Xuân Hòa, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết: “Mở đầu Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, khi đó tôi còn là chiến sĩ của Tiểu đoàn Trinh sát 47 trực thuộc Bộ Tham mưu Miền. Sau ngày 30-4-1975, tôi cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Từ chiến sĩ trinh sát, qua chiến đấu và học tập, tôi trưởng thành và giữ một số trọng trách Quân đội giao. Từ bài học chớp thời cơ và huy động sức mạnh tổng hợp của Đảng và Quân đội ta, tôi cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Quân khu 7 vận dụng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn. Thực tiễn hiện nay, tôi cho rằng cuộc cách mạng tinh giản bộ máy lãnh đạo và quản lý đất nước là cần thiết. Nhưng tổ chức lại LLVT nói chung, Quân đội nói riêng cần hết sức thận trọng, có bước đi phù hợp, không nóng vội. Thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là thành tựu, nghệ thuật quân sự độc đáo của Đảng và Quân đội ta mà không phải quốc gia nào cũng có. Việc tinh giản bộ máy Quân đội phải bảo đảm bảo vệ vững chắc đất nước”.
Câu chuyện của các nhân chứng lịch sử không chỉ khơi gợi ký ức hào hùng mà còn đặt ra nhiều điều suy ngẫm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
TRẦN BẢO TRÂN