Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên) sinh năm 1933, tại xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Năm 1950, ông nhập ngũ và được tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva. Đầu năm 1963, ông được cử sang Trung Quốc học kỹ thuật bắn cối ứng dụng để về tăng cường cho chiến trường miền Tây Nam Bộ. Ngày 5-6-1963, trở về nước, ông được phong quân hàm thượng úy, sau đó được biên chế vào Quân khu 9, đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Huấn luyện Pháo binh Quân khu 9.
Trong cuộc đời quân ngũ, ông Tư Niên đã trải qua hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ nhưng ông nhớ nhất là trận đánh đầu tiên áp dụng kiến thức được học-kỹ thuật bắn cối ứng dụng đánh địch thành công. Qua trận này, kỹ thuật bắn cối ứng dụng đã được áp dụng rộng rãi và rất hiệu quả trên địa hình sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Tư Niên kể: “Ngày 16-11-1963, đồng chí Đồng Văn Cống, Tư lệnh Quân khu 9 cho gọi tôi và giao nhiệm vụ: “Đồng chí Tư Niên, tôi cấp 2 khẩu cối 82mm, 6 quả đạn 81mm vặn ngòi nổ chậm, đồng thời tăng cường đồng chí Ngụy Phạn (Mười Phạn), Đại đội trưởng hỏa lực của Tiểu đoàn U Minh, cùng 8 đồng chí để đồng chí chỉ huy. Đồng chí hãy phát huy hết những kinh nghiệm đã được học để phối hợp với quân ta tiến công, tiêu diệt địch ở cứ điểm Chà Là”.
    |
 |
Thiếu tướng Trần Văn Niên diễn tả động tác bắn cối ứng dụng trong trận Chà Là. |
Trước đó, vào tháng 9-1963, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã đánh và tiêu diệt chi khu Cái Nước và Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau hiện nay). Tàn quân địch chạy dồn về cứ điểm Chà Là (cách thị xã Cà Mau 30km theo hướng đông nam) co cụm và củng cố. Cứ điểm được xây dựng kiên cố, bên trong tường bao có nhiều tháp canh và ụ chiến đấu, bên ngoài có nhiều lớp rào thép gai, bãi mìn, tạo thành hệ thống phòng thủ liên hoàn, kế đến là các tháp canh của dân vệ và các ấp chiến lược bao quanh. Quân số túc trực thường xuyên khoảng 350 tên được trang bị vũ khí, khí tài mạnh.
Để tấn công cứ điểm Chà Là, ta huy động Tiểu đoàn Súng máy phòng không 207, Tiểu đoàn 306, lực lượng pháo binh hỗn hợp; lực lượng vũ trang huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và Tiểu đoàn U Minh (được giao nhiệm vụ đánh điểm). Đây được xem là trận đánh then chốt kết thúc Chiến dịch Thu-Đông năm 1963.
Sau khi trinh sát, Tư Niên nhận thấy địa hình quanh cứ điểm Chà Là là vùng đất ngập nước, sình lầy, nếu triển khai cối sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực vận chuyển và triển khai bắn chiến đấu. Trong cái khó ló cái hay, Tư Niên lóe ra sáng kiến, nếu thay đế sắt nặng bằng ván gỗ thì dễ vận chuyển, đồng thời khi bắn, ván gỗ không bị phản lực nhấn chìm sâu xuống bùn sẽ bảo đảm được yếu tố bắn chiến đấu. Tư Niên trao đổi và thống nhất cách đánh với Mười Phạn. Phân đội cối vào rừng chặt một khúc gỗ mắm làm thành hai miếng ván, dài, rộng chừng 30-40cm, dày khoảng 5-6cm, ở giữa miếng ván khoét 1 lỗ bằng núm cối (để khi bắn đưa núm cối tì vào lỗ nhằm cố định nòng cối). Đồng thời, Tư Niên triển khai huấn luyện cho Mười Phạn về kỹ thuật bắn cối ứng dụng.
Đêm 23-11, lực lượng trinh sát và đặc công cắt hàng rào thép gai, hàng rào bùng nhùng dẫn phân đội cối đến mương cuối cùng giáp với bờ tường của trung tâm chỉ huy cứ điểm. Mục tiêu cách khoảng 25-30m. Tư Niên và Mười Phạn đặt nòng cối vào miếng ván, với góc bắn 85 độ gần như thẳng đứng (ước lượng bằng mắt theo kinh nghiệm đã học).
0 giờ 30 phút ngày 24-11, Tư Niên khai hỏa liên tiếp 3 quả đạn cối, cùng lúc đó Mười Phạn cũng bắn 3 quả. Cả 6 quả cối 81mm vặn ngòi nổ chậm này trúng và làm sập trung tâm chỉ huy của cứ điểm Chà Là khiến địch mất liên lạc hoàn toàn. Sau loạt đạn cối mở màn, các lực lượng khác đồng loạt nổ súng tiến công và tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Chà Là trong khoảng 3 giờ đồng hồ chiến đấu.
Kể đến đây, Thiếu tướng Trần Văn Niên giải thích thêm: “Lâu nay lực lượng ta đánh kỳ tập có, cường tập có. Còn lần này, ta dùng hỏa lực bắn cối ứng dụng ở cự ly 25-30m với sức công phá tương đương với đạn pháo 105mm. Ngoài ra, ta bắn cự ly gần, góc rơi thẳng đứng nên tập trung được sức công phá rất cao”.
Bài và ảnh: LÊ LƯƠNG NGỌC