 |
Thiếu tướng Phan Thanh Dư, nguyên Phó Tư liệnh, THam mưu trưởng Mặt trận 579 |
Cách đây 20 năm, Thiếu tướng Phan Thanh Dư, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579 quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia là người được cấp trên phân công trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, điều hành việc phối hợp với bộ đội và dân quân nước bạn Lào tổ chức lực lượng, lên phương án truy kích, tiêu diệt lực lượng phản động lưu vong thuộc cái gọi là
“Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” do Hoàng Cơ Minh cầm đầu đang trên đường xâm nhập vào lãnh thổ Lào để trở về Việt Nam hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền. Với ông, đó là những ngày tháng khó quên trong quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ tại Cam-pu-chia. Dưới đây là hồi ức của Thiếu tướng Phan Thanh Dư về sự kiện này.
Đến thời điểm năm 1985, những căn cứ trọng yếu của Pôn Pốt - Iêng-xa-ry nằm dọc biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan như điểm cao 547 Prết-vi-hia, Núi Cụt 743; căn cứ Pét-úm tại khu vực ngã ba biên giới Cam-pu-chia - Lào - Thái Lan đều đã bị quân ta đánh chiếm. Đây là điều kiện thuận lợi để ta mở rộng phạm vi nắm địch sâu và xa hơn.
Riêng địa bàn các tỉnh cực Nam của Lào giáp với Cam-pu-chia như Chăm-pa-xắc, Sa-la-van, tình hình địch còn khá phức tạp. Quân Pôn Pốt lấn chiếm khu vực phía Nam huyện Mường Mun, tỉnh Chăm-pa-xắc lập căn cứ để làm bàn đạp quay lại đánh phá Cam-pu-chia.
Bọn phỉ Lào thường xuyên quấy phá khu vực phía Tây tỉnh Sa-la-van gồm các huyện Na-khôn-phênh, Không-sê-đôn, Ba-vi, nhất là chúng liên tục tổ chức phục kích đánh phá giao thông trên tuyến đường 13 từ Không-sê-đôn đi Na-khôn-phênh.
Theo đề nghị của Chính phủ Lào, ta cử Trung đoàn 676 - nguyên là một đơn vị thuộc Sư đoàn 687 hoạt động tại Hạ Lào trong kháng chiến chống Mỹ, có kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng và thông thuộc địa bàn đến đứng chân tại đây để hỗ trợ bạn xây dựng cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh chống lại bọn phỉ.
Sang đầu năm 1985, quân ta đánh bật Trung đoàn 81 thuộc Sư đoàn 801 của Pôn Pốt ra khỏi địa bàn huyện Mường Mun. Sau khi Mường Mun giải phóng, Trung đoàn 687 và Tiểu đoàn đặc công 409 thuộc Mặt trận 579 tiếp tục ở lại khu vực này giúp bạn củng cố, xây dựng chính quyền, ổn định đời sống nhân dân.
Liền sau khi tiêu diệt các căn cứ của Pôn-Pốt trên biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan và nhất là căn cứ Pét-úm tại ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Cam-pu-chia, lực lượng trinh sát của ta đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy bọn phản động nước ngoài kết hợp với bọn phỉ Lào ngày càng gia tăng các hoạt động do thám, thăm dò tình hình khu vực dọc theo sông Mê-kông trên biên giới Thái Lan - Lào.
 |
Vũ khí, tài liệu, cờ của bọn phản động Hoàng Cơ Minh bị ta tịch thu trong đợt truy kích chúng |
Đến đầu tháng 6-1987, trinh sát ta phát hiện một lực lượng khoảng vài trăm tên đóng quân dã ngoại theo từng cụm 8-10 người rải rác trong một khu rừng trên đất Thái Lan, phía bên kia huyện Mường Mun, cách biên giới Lào - Thái Lan chừng 6-8km. BTL Mặt trận 579 cho tiếp tục theo dõi và đã nhanh chóng xác định được đây là lực lượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài.
Ta nhận định, bọn phản động này rất có thể sớm muộn cũng sẽ xâm nhập qua đất Lào để tìm đường trở về Việt Nam hoạt động chống phá cách mạng.
Trước đây, trong cái gọi là chiến dịch “Đông Tiến I”, bọn phản động người Việt lưu vọng đã xuất phát từ đất Thái Lan vượt qua biên giới Thái Lan - Lào để về Việt Nam nhưng chúng vừa mới luồn sang đến phía Nam tỉnh Chăm-pa-xắc thì bị xóa sổ.
Trước đó, lực lượng phản động do Võ Đại Tôn cầm đầu cũng đi theo hướng này và đã bị dân quân Lào vây bắt tại km số 6 đường 23 từ Pắc-xế đi Pắc-xoòng. Lần này, để tránh “vết xe đổ” của đám đi trước, nhiều khả năng chúng sẽ đi lên phía Bắc, xâm nhập vào khu vực tỉnh Sa-la-van để xâm nhập về Việt Nam hướng Tây Nguyên.
Từ nhận định đó, BTL Mặt trận 579 phân công tôi trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, điều hành thực hiện các phương án xử lí nếu lực lượng phản động này vượt biên giới Thái Lan - Lào và tìm cách xâm nhập về Việt Nam.
Vào giữa tháng 6-1987, xảy ra sự việc một chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 687 trong khi đi làm nhiệm vụ tuần tra nắm tình hình địch tại Mường Mun khu vực biên giới Thái Lan - Lào đã bị mất tích không rõ lí do.
Buổi sáng ngày 13-7-1987, trinh sát Trung đoàn 676 sau một thời gian theo dõi đã phát hiện dấu vết của bọn phản động từ đất Thái Lan vượt qua sông Mê-kông xâm nhập vào lãnh thổ Lào tại khu vực Na-khôn-phênh và phía Bắc Không-sê-đôn. Từ đây chúng vượt qua đường 13 về phía Đông, tiến vào vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Sa-va-na-khẹt và Sa-la-van.
Đây là địa bàn rừng rậm với những dãy núi cao 350-400m kéo dài từ Tây sang Đông, giáp với tuyến đường đi B của bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ.
Sau khi phát hiện dấu vết bọn phản động, trinh sát ta ráo riết bám theo. Một ngày sau đó, trinh sát ta được lệnh phối hợp với dân quân Lào nổ súng để kìm giữ chân địch chờ lực lượng đến tiếp ứng.
Cuộc chạm súng diễn ra trên một ngọn đồi phía Đông đường 13, cách Na-khôn-phênh gần 4km. Bọn phản động vừa chống trả quyết liệt, vừa nhanh chóng di chuyển sâu vào rừng rậm.
Sau khi nghe Ban chỉ huy Trung đoàn 676 báo cáo tình hình bọn phản động xâm nhập và lãnh thổ Lào, BTL Mặt trận 579, lúc này Thiếu tướng Lê Huẩn, Tư lệnh và Thiếu tướng Phạm Bân, Phó Tư lệnh đang về Việt Nam công tác, còn tôi và Thiếu tướng Mai Tân, Phó Tư lệnh về Chính trị trực chỉ huy đã cùng với các đồng chí trong cơ quan BTL Mặt trận nhanh chóng bàn phương án dự kiến và điện xin máy bay trực thăng của BTL 719 (tiền phương BQP) cấp tốc từ Phnôm-pênh sang làm việc với lãnh đạo tỉnh Sa-la-van.
Ngay sau khi đến Sa-la-van, tôi và cơ quan Mặt trận 579 nghe Ban chỉ huy Trung đoàn 676 báo cáo cụ thể tình hình địch và thống nhất phương án xử lí.
Một cuộc họp khẩn trương diễn ra tại BCH quân sự tỉnh Sa-la-van do đồng chí Khăm Phủi, Bí thư tỉnh ủy Sa-la-van chủ trì với sự có mặt đông đủ các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội Sa-la-van, Chỉ huy Lữ đoàn 5 Quân đội cách mạng Lào, anh Ngãi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 676.
Do đã chủ động bàn bạc và chuẩn bị trước nên khi đồng chí Khăm Phủi đề nghị phát biểu, tôi nhanh chóng nêu ý kiến nhận định tình hình và đề xuất phương án đánh địch.
Cụ thể như sau: Đây là lực lượng phản động người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài do Mỹ đỡ đầu và chủ trương đưa về hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng có khoảng 150-200 tên được trang bị vũ khí, quá trình xâm nhập, di chuyển được bọn phỉ Lào bảo vệ và dẫn đường.
Về phương án đánh địch, tôi đề nghị phía bạn tổ chức để Lữ đoàn 5 và bộ đội, dân quân tỉnh Sa-la-van phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 676 kiên quyết vây diệt gọn, không để chúng chạy thoát.
Về lực lượng tác chiến, lấy Trung đoàn 676 làm chủ công, còn lực lượng của Lữ đoàn 5 (khoảng 100-130 tay súng) đảm nhiệm bên sườn phía Bắc và bộ đội địa phương, dân quân tỉnh Sa-la-van phối hợp bên sườn phía Nam tạo thành hai gọng kìm rộng bao vây, hỗ trợ để Trung đoàn 676 đột phá đánh thẳng vào đội hình địch. Chọn dãy núi cao 200-300m ở hướng Đông đông Bắc tỉnh Sa-la-van làm điểm hợp vây tiêu diệt địch.
Do phương tiện thông tin liên lạc hạn chế nên thống nhất lấy tiếng súng của Trung đoàn 676 làm hiệu lệnh hiệp đồng trận đánh. Khi nghe Trung đoàn 676 nổ súng ở đâu thì lực lượng của bạn ở hai bên cánh nhanh chóng khép vòng vây.
Về chiến lợi phẩm, tôi đề nghị toàn bộ tù binh người Việt Nam và tài liệu thu được của địch sẽ giao cho BTL Mặt trận 579, còn lại tù binh phỉ Lào và tất cả vũ khí, đạn dược, trang bị phương tiện... giao cho phía Lào. ngoài ra, nếu có vấn đề gì phát sinh, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, thống nhất.
Đồng chí Khăm Phủi hoàn toàn nhất trí với phương án tôi đưa ra và đề nghị đối với lực lượng bộ đội và dân quân Lào tham gia trận đánh để phía bạn tự lo liệu công tác tổ chức chỉ huy.
Cuộc họp bắt đầu từ nửa chiều và kết thúc chập tối. Trước khi quay về Sở chỉ huy Mặt trận 579 ở Stung-treng, tôi cho bố trí một máy liên lạc vô tuyến 2W loại K63 của Trung Quốc kết nối qua một trạm trung chuyển đặt tại Pắc-xế để liên lạc.
Cần nói thêm rằng, quân số của Trung đoàn 676 tham gia chiến đấu lần này thiếu 1 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn thiếu 1 đại đội do phải ở lại trực tại đơn vị.
Đi đầu trận đánh là lực lượng trinh sát và 1 tiểu đoàn do đồng chí Ngãi - Trung đoàn trưởng trực tiếp chủ huy. 1 tiểu đoàn khác do đồng chí Nghĩa - Tham mưu trưởng Trung đoàn chỉ huy làm nhiệm vụ dự bị phía sau, sẵn sàng đánh địch chạy lui đồng thời đảm bảo công tác hậu cần và giải quyết chính sách.
Gần 10 ngày sau lần địch chạm súng với trinh sát ta ở phía tây Na-khôn-phenh thì tại huyện Tùm Lan, phía Bắc thị xã Sa-la-van độ 30km, có 3 tên chạy theo bọn phản động đã tự ra đầu thú.
Một người tên Minh, nguyên là nhân viên thuế vụ ở Sài Gòn vượt biên sang Thái Lan rồi gia nhập nhóm phản động.
Một người tên Hoàn, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 143 bị địch bắt trong một trận chiến đấu tại Tà Beng (Cam-pu-chia), sau đó chạy thoát và gia nhập lực lượng Hoàng Cơ Minh.
Người thứ ba tên Hùng, chính là chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 687 bị mất tích hồi giữa tháng 6-1987.
Nhận được tin này, tôi đi xe u-oát từ Stung-trêng sang Sa-la-van trực tiếp nhận và đưa 3 người này về Sở chỉ huy Mặt trận 579.
Qua khai báo của 3 kẻ đầu thú, ta nắm được lực lượng xâm nhập lãnh thổ Lào lần này là bọn phản động người Việt Nam lưu vong tại Mỹ và một số nước khác, chúng đang thực hiện kế hoạch “Đông tiến II” để trở về Việt Nam hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền.
Cầm đầu nhóm hỗn quan hỗn quân này là tên trùm phản động Hoàng Cơ Minh - nguyên Phó đô đốc quân đội Sài Gòn trước đây, hắn tự xưng Chủ tịch của cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”.
Trong thành phần của bọn phản động đa số là sĩ quan thuộc đủ các sắc lính ngụy, nhiều tên là Việt kiều lưu vong, một số tên là “ủy viên Trung ương Mặt trận”.
Chúng được trang bị vũ khí bộ binh, hơn một cơ số đạn; lương thực mang theo chỉ đủ dùng trong một nửa thời gian đi đường còn lại tự tìm cách lấy trong rừng, nương rẫy hoặc mua, cướp của dân.
Lộ trình hành quân sau khi vượt biên giới Thái Lan - Lào chúng sẽ qua đất Lào về Việt Nam theo hướng Tây Nguyên.
Ba tên Hùng, Hoàn và Minh còn cho biết, bọn phản động này rất ngoan cố và có ý thức chống cộng rất quyết liệt, chúng thề sẽ chiến đấu đến cùng, nếu bị bắt sẽ tự sát. Chỉ có tiến lên chứ không được lùi. Khi phát hiện một số tên có ý định tháo lui, chúng bắn chết hoặc thủ tiêu ngay tại chỗ. Bọn này cố đi nhanh và hết sức cảnh giác, tránh chạm súng.
Thủ đoạn của chúng là di chuyển trên những đồi núi cao để trong trường hợp bị tấn công thì buộc đối phương phải ở vào thế bất lợi từ dưới thấp, khiến chúng dễ bề chống trả và tẩu thoát. Chúng đi theo đội hình tập trung và chia làm 3 bộ phận, mỗi bộ phận 30-40 tên, tổ chức phòng thủ chặt chẽ.
Nhóm đi đầu có phỉ Lào dẫn đường, bộ phận đi giữa gồm lực lượng cốt cán và bộ chỉ huy; số đi sau cùng làm nhiệm vụ khóa đuôi, đánh chặn trong trường hợp bị truy đuổi.
Từ những thông tin khá rõ về tình hình địch, ta và bạn đã bổ sung phương án và gấp rút triển khai đánh địch. Địa bàn núi cao rừng rậm lại đang mùa mưa, bộ đội cơ động vất vả.
Cuộc bao vây, truy kích địch diễn ra ngày một khẩn trương. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ và liên tục đã đẩy quân địch vào sâu trong rừng, lên những dãy núi cao và dồn chúng vào thế trận đúng như ta đã dự kiến.
Tuy nhiên, bọn phản động rất nham hiểm, chúng dùng thủ đoạn xé lẻ đội hình thành nhiều toán nhỏ len lỏi trong rừng, liên tục di chuyển, từ trên các sườn núi cao, lợi dụng gốc cây, vách đá ẩn nấp để bắn tỉa khiến bộ đội ta gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi thương vong khi phải đột kích từ bên dưới chân núi lên. Một số trận đánh diễn ra trên các quả đồi rất quyết liệt, có khi gần cả ngày quân ta mới giải quyết xong mục tiêu.
Cho đến khi ta thu được tấm bản đồ trong túi áo xác tên Thiếu tá Trương Ngọc Ny thì toàn bộ lộ trình hành quân xâm nhập của bọn phản động lộ rõ. Trên tấm bản đồ, một đường bút chì màu xanh thể hiện đường tiến quân của chúng nhằm thẳng hướng Nam qua 2 tỉnh Sê-kông và A-tô-pơ đến ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia rồi khoanh lại điểm tập kết tại địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Bước sang ngày thứ 34 của đợt truy kích, ta quyết định kết thúc số phận của bọn phản động. Trưa ngày 4-8-1987, các mũi truy kích của Trung đoàn 676 đồng loạt nổ súng đánh thẳng vào đội hình địch.
Theo kế hoạch hiệp đồng, khi nghe tiếng súng cấp tập của Trung đoàn 676, hai gọng kìm ở phía Bắc và phía Nam của bộ đội và dân quân Lào nhanh chóng khép vây khóa chặt chúng tại ngọn đồi 300. Trận đánh diễn ra ác liệt, bọn phản động chống trả bằng tất cả sự lì lợm, ngoan cố đến cùng hòng tìm lối thoát thân nhưng số phận của chúng đã được định đoạt: Bị tiêu diệt, tự sát hoặc bị bắt sống.
Riêng Hoàng Cơ Minh sau khi bị thương và chứng kiến đám thuộc hạ bị đánh tan tác, trong nỗi tuyệt vọng, hắn đã rút súng ngắn tự bắn vào đầu.
Để xác định chính xác là Hoàng Cơ Minh đã tự sát, tôi điện yêu cầu Ban chỉ huy Trung đoàn 676 cho chụp ảnh xác chết. Qua ảnh chụp tại hiện trường và các phim ảnh thu được của địch đã khẳng định đó chính là tên phản động Hoàng Cơ Minh.
Như vậy, sau 34 ngày liên tục truy kích địch, từ khi lực lượng trinh sát Trung đoàn 676 phát hiện dấu vết bọn phản động (13-7-1987) đến khi kết thúc trận đánh (4-8-1987) tổng cộng 220 tên cả bọn phản động lẫn phỉ Lào đã bị bắt và bị tiêu diệt.
Trong số những tài liệu ta tịch thu được của bọn phản động có một tài liệu mật quan trọng đã được mã hóa nằm trong túi áo va-rơi của Hoàng Cơ Minh.
Tài liệu này được Phòng 2 Mặt trận 579 dịch trong 3 ngày đêm, từ đây đã lộ diện những hoạt động liên quan đến kế hoạch hậu chiến sau năm 1975 của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Theo Báo Biên phòng