Bác Hồ với các cháu thiếu nhi
Theo sách “Người Việt Nam ở Pháp 1940-1954” của tác giả Đặng Văn Long, xuất bản năm 1997, in tại Hung-ga-ri, ông Bùi Thạnh, một Việt kiều ở Pháp đã nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang dưỡng bệnh tại nhà thương Co Chin, Pa-ri, Pháp.

Bùi Thạnh là một người có nhiều khả năng về văn nghệ, âm nhạc, mỹ thuật. Năm 1941, ông tham gia hội “Ái hữu Việt Nam”, hô hào đồng bào Việt Nam không tán thành chính sách của Bộ thuộc địa Pháp trong vấn đề Đông Dương.

Cùng với các trí thức Việt kiều khác như Nguyễn Khắc Viện, Võ Quý Huân, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn..., Bùi Thạnh là thư ký của "Tổng ủy ban đại diện Việt Nam lâm thời”. Bùi Thạnh còn sáng lập ra Việt kiều thư xã (1945) và Tủ sách bình dân (1946), nhằm nâng cao trình độ hiểu biết trong Việt kiều là lính chiến và lính thợ ở Pháp. Biết tận dụng hình thức thơ ca, hò vè để giải thích, tuyên truyền lòng yêu nước của Việt kiều, Bùi Thạnh đã trở thành “thi sĩ của những lao động” với những vần thơ đầy ý chí:

“Đứng lên! Dù có chông gai!

Đứng lên! Thế giới ngày mai đại đồng.

Năm châu vô sản một lòng

Cầm tay theo bóng cờ hồng tiến lên!”

Không bằng lòng trước những hoạt động của Bùi Thạnh, những phần tử tay sai của Chính phủ Pháp đã công kích, phản đối, vu cáo Bùi Thạnh là “Việt gian”...

Hiệp định mùng 6 tháng 3 được ký kết giữa hai Chính phủ Việt-Pháp chưa được giải thích rõ ràng với Việt kiều ở Pháp, nên Bùi Thạnh có ý e ngại, không tin tưởng, chưa tán thành cách nhân nhượng của Chính phủ ta. Tuy nhiên, sau khi các phái đoàn Quốc hội Việt Nam, Phái đoàn Phạm Văn Đồng và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, tính chất “chiến thuật chính trị, ngoại giao, loại trừ bớt kẻ thù, tạo thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chắc chắn không tránh khỏi” đã được đông đảo Việt kiều và một bộ phận nhân dân Pháp, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tiếp nhận, thông suốt.

Tháng 6-1946, Bùi Thạnh tuy nằm trên giường bệnh vẫn “sáng tác” thơ:

“Thơ này viết trên giường bệnh nặng,

Mục đích là để tặng anh em,

Khi vui thì giở ra xem,

Khi buồn xếp lại, chớ nên đốt lò.

Thơ tuy viết dù cho hay dở,

Song mối tình tự ở lòng ta,

Tình dài sánh với đường xa,

Chép lên giấy trắng để mà khỏi quên

Tặng người chiến sĩ không tên.

Giữa tháng 7 năm ấy, Bùi Thạnh nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên văn như sau:

Paris le 16 Juillet(1) 1946,

Cùng anh Bùi Thạnh

Tôi được tin kiều bào cho biết anh bị lâm bệnh phải nằm điều trị tại dưỡng đường, tôi gửi lời thăm anh.

Tôi được biết anh đã nhiệt tâm tham dự vào công cuộc tranh thủ quyền lợi của đồng bào tại Pháp, nên tôi rất tiếc rằng anh bị ốm đau phải bỏ công việc.

Tôi chúc anh chóng mạnh khỏe để giúp sức vào công cuộc kiến thiết quốc gia trong lúc nước nhà đang mong đợi.

Chào thân ái

Hồ Chí Minh”.

THỦY TRƯỜNG (st)

(1) Ngày 16 tháng 7