Ký ức của một nữ giao liên

Bà Dương Kim Bằng, nhà ở đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, đã về với tổ tiên. Khi bà còn sống, chúng tôi được bà kể cho nghe ký ức những năm tháng làm giao liên ở Chiến khu Đ. Trong các tư liệu để lại cho con cháu, có nhiều trang viết dạng nhật ký của bà. Đó là những nét chấm phá, những góc nhìn cận cảnh về hoạt động của những nữ giao liên trẻ tuổi. Họ đã hóa thân thành nhiều vai diễn khác nhau để đưa công văn, tài liệu và đặc biệt là đảm đương nhiệm vụ dẫn đường cho các cán bộ chủ chốt của Đảng xâm nhập nội thành Sài Gòn hoạt động, tham gia xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch.

leftcenterrightdel
Nữ giao liên Dương Kim Bằng. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Trong các tài liệu chép tay mà con cháu còn lưu giữ, bà Dương Kim Bằng kể rằng, bà sinh ra trong một gia đình giàu có tại xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thân phụ của bà họ Vương, nhưng khi làm giấy tờ khai sinh cho bà, do phát âm của người Nam Bộ “Vương” đọc thành “Dương” nên bà mang họ Dương từ đó. Gia đình bà là cơ sở cách mạng quan trọng của Việt Minh, tổ chức nuôi giấu cán bộ, ủng hộ tiền của cho cách mạng, nên bà được giác ngộ, định hướng đi theo kháng chiến ngay từ nhỏ. Đầu năm 1947, khi mới 14 tuổi, Dương Kim Bằng được tuyển chọn làm giao liên, đưa vào Chiến khu Đ huấn luyện, hoạt động. Kim Bằng gia nhập đơn vị nữ giao liên, gồm 50 chiến sĩ, làm nhiệm vụ tại cơ quan Khu bộ thuộc Bộ tư lệnh Khu 7. Các chiến sĩ nữ giao liên đều là những học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh... có tinh thần yêu nước, có chí hướng, được giác ngộ từ sớm và đều có thành phần xuất thân tốt, gia đình, thân nhân đều là những cơ sở tin cậy của cách mạng. Thời điểm này, Chiến khu Đ đã được mở rộng hành lang lên phía Bắc-Đông Bắc Tây Nguyên, nối liền chiến trường Đông Nam Bộ với chiến trường Tây Nguyên, tạo thế trận tấn công, phòng thủ liên hoàn, tiến có chỗ đánh, lùi có chỗ đứng. Bộ đội Khu 7 và lực lượng vũ trang các địa phương tích cực làm công tác dân vận. Các già làng, trưởng bản cùng bộ đội tham gia xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, tạo nguồn lực phục vụ và tiến hành kháng chiến trường kỳ. Là bộ phận quan trọng của kháng chiến, lực lượng nữ giao liên được tổ chức huấn luyện bài bản về vũ trang kháng chiến, công tác dân vận, địch vận. Từng tổ, bộ phận còn được huấn luyện thêm các chuyên ngành để kiêm nhiệm phục vụ kháng chiến.

Các nữ giao liên được giao nhiệm vụ móc nối, liên lạc với cơ sở cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định... đưa công văn, tài liệu, dẫn đường cho cán bộ từ chiến khu về nội thành. Dưới vỏ bọc là những người con, cháu theo cha mẹ, gia đình đi buôn bán, cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng nông sản từ vùng ven vào nội thành, họ đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Kim Bằng là nữ giao liên hoạt bát, thông minh, khả năng làm chủ địa hình và xử lý tình huống khôn khéo nên thường được giao dẫn đường cho các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng. Một trong những cán bộ được Dương Kim Bằng dẫn đường nhiều lần là chú Ba (bí danh của đồng chí Lê Duẩn). Chúng tôi đã được bà kể cho nghe kỷ niệm sâu sắc này: “Vào khoảng năm 1947-1948, lúc bấy giờ chú Ba là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Chú từ vùng Đồng Tháp Mười bí mật về Chiến khu Đ, sau đó vào Sài Gòn-Chợ Lớn. Tôi được giao dẫn đường cho chú từ Chiến khu Đ về Sài Gòn. Tôi vào vai con gái chú Ba. Hai cha con cải trang thành người buôn bán, vô Sài Gòn lấy hàng đưa về vùng nông thôn. Chúng tôi đi xe ngựa, hòa cùng những người buôn bán ra vào Sài Gòn nên không ai nghi ngờ gì. Tôi đưa chú Ba vô Sài Gòn, ở trong các cơ sở cách mạng đã được xây dựng từ trước. Có khi tôi quay lại chiến khu một mình, cũng có khi được giao dẫn cán bộ từ Sài Gòn-Chợ Lớn về căn cứ”...

Vừa làm giao liên, Dương Kim Bằng vừa được đơn vị bố trí cho đi học y tá. Khóa học do thầy Hóa, là bác sĩ được đào tạo ở Pháp. Trở về nước, ông cùng nhiều trí thức khác đi theo Việt Minh phục vụ kháng chiến. Sau 6 tháng học tập, Dương Kim Bằng được bổ sung vào tổ quân y, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ bộ tư lệnh và các cơ quan khu bộ. Năm 1950, Dương Kim Bằng được kết nạp Đảng, về sau bà được tổ chức cho đi học bác sĩ rồi tiếp tục làm nhiệm vụ tại Chiến khu Đ suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các chị em trong gia đình bà Dương Kim Bằng và nhiều gia đình trong họ hàng đều là những cơ sở của cách mạng trong lòng địch tại Sài Gòn trong hai cuộc kháng chiến, tham gia nuôi giấu cán bộ.

leftcenterrightdel
Giao liên vận tải phục vụ hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu 

 

Những chiến công thầm lặng

Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm (bí danh Sáu Trí), là người đồng chí, đồng đội thân thiết của vợ chồng bà Dương Kim Bằng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ các cương vị: Trưởng phòng Quân báo Khu 7, Trưởng phòng Quân báo Nam Bộ, Trưởng phòng Quân báo Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn... Về sau, ông được Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn cài vào hàng ngũ Nha công an Nam Phần dưới vỏ bọc một cán bộ “hồi chánh quốc gia”. Ông kể lại rằng, mạng lưới giao liên bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ căn cứ chiến khu về Sài Gòn đã hỗ trợ to lớn cho công tác tình báo. Giao liên là cánh tay nối dài của tình báo. Bà Nguyễn Thị Minh, phu nhân của tướng Sáu Trí cũng từng là một chiến sĩ giao liên cừ khôi. Chính bà là người đã tổ chức hoàn hảo cuộc “hồi chánh quốc gia” cho chồng từ căn cứ về Sài Gòn để xâm nhập sâu vào hàng ngũ địch hoạt động.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, có trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật lịch sử quý giá của lực lượng nữ giao liên miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Để có được những bộ sưu tập vô giá ấy, các cán bộ, nhân viên bảo tàng phối hợp với cơ quan chức năng, các nhân chứng lịch sử, đã dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, gìn giữ, trưng bày phục vụ khách tham quan, giáo dục truyền thống, tôn vinh những chiến công thầm lặng của nữ giao liên. Vào các ngày lễ, truyền thống hằng năm, bảo tàng thường tổ chức gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Câu chuyện của những nữ giao liên, trong đó nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, khiến ai cũng khâm phục, cảm động. Tuyến giao liên từ Chiến khu Đ về Sài Gòn là một trong những điểm sáng của những trang sử vẻ vang về nữ giao liên miền Nam. Trong những giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" của cách mạng, những cô gái giao liên đã mưu trí, dũng cảm, hóa thân vào những vai diễn hoàn hảo, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch để đưa thư từ, công văn, tài liệu đến đích an toàn; dẫn đường cho cán bộ của Đảng và bộ đội ta xâm nhập vào sào huyệt địch. Bên cạnh đó còn có lực lượng giao liên vận tải, tham gia vận chuyển vũ khí, hậu cần phục vụ kháng chiến.

Trong số những kỷ vật quý giá của nữ giao liên đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, có chiếc ví da của bà Lý Ngọc Phương (bí danh Hồ Anh). Bà là một nữ giao liên nổi tiếng, có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng. Nhìn chiếc ví da kỷ vật, những người sống qua hai cuộc chiến tranh đều hiểu rõ, đây là loại vật dụng dành cho những phụ nữ quyền quý ở Sài Gòn thập niên 1950. Chiếc ví này là hiện vật lịch sử, được bà Phương sử dụng trong chuyến công tác đặc biệt, tham gia đưa đồng chí Lê Duẩn từ Nam ra Bắc an toàn trong giai đoạn 1956-1957. Hay như chiếc đồng hồ của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Hữu (bí danh Sáu Trung). Bà Hữu là chiến sĩ thuộc Đội cận vệ A6, làm giao liên cho Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và đồng chí Võ Văn Kiệt. Chiếc đồng hồ được bà sử dụng trong suốt những năm tháng làm giao liên trong lòng địch để theo dõi giờ giấc, bảo đảm kế hoạch thời gian cho mọi nhiệm vụ...

Những chiến công thầm lặng của nữ giao liên đã góp phần to lớn vào chiến thắng cuối cùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

NGUYỄN THẾ TRUNG