Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu thuộc địa phận ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Cách đây hơn 75 năm, cùng với cả nước, quân và dân Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) đã đồng lòng quyết tử kháng cự trước sự tấn công mạnh bạo của kẻ thù, gây cho chúng nhiều tổn thất. Thời điểm đó, tuyến lộ Tầm Vu là một trong những con đường huyết mạch từ thị xã Cần Thơ đi về các hướng Vị Thanh, Long Mỹ và tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, để cai trị và tìm diệt lực lượng cách mạng ở những địa bàn trên, quân Pháp thường xuyên phải di chuyển qua đây. Nắm được quy luật hoạt động của chúng, quân và dân Cần Thơ đã lên kế hoạch phục kích nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch.
    |
 |
Bức phù điêu về đôi trâu kéo pháo trong khuôn viên Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu. |
Ông Nguyễn Văn Tấn, nhân viên Ban quản lý khu di tích kiêm hướng dẫn viên cho biết: “Ngày 20-1-1946, đơn vị do đồng chí Nguyễn Đăng chỉ huy đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, phá hủy hai xe, tiêu diệt một số tên địch, trong đó có Đại tá Dessert, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây, một trong 5 sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương; thu 10 súng, trong đó có 2 trung liên. Lịch sử khẳng định trận Tầm Vu 1 có ý nghĩa rất quan trọng, lần đầu tiên ta đánh được xe cơ giới địch, mở màn cho những chiến thắng tiếp theo trên chiến trường Cần Thơ với trận Tầm Vu 2 (12-11-1946), Tầm Vu 3 (3-5-1947). Lớn nhất là trận Tầm Vu 4 (19-4-1948), dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng Trần Văn Giàu và Tham mưu trưởng Võ Quang Anh, quân ta đã tiêu diệt 14 xe quân sự, gần 200 tên lính Pháp, trong đó có 1 tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt có khẩu đại bác 105mm lần đầu tiên trong cả nước, làm vang dội khắp chiến trường Đông Dương. Trong trận này, huyền thoại về đôi trâu kéo pháo xuất hiện và được lưu truyền trong dân gian khiến ai nghe cũng cảm thấy xúc động”.
Cũng theo lời kể của ông Tấn, sau khi thu được chiến lợi phẩm là khẩu pháo 105mm, ai cũng vui mừng bởi trong điều kiện thiếu thốn về vũ khí, được bổ sung hỏa lực sẽ nâng cao sức mạnh chiến đấu vượt trội cho Quân đội ta. Tuy nhiên, việc di chuyển khẩu pháo từ cánh đồng Thạnh Xuân đến đoạn kênh xáng Xà No để đưa lên tàu chở về căn cứ U Minh thật không dễ dàng bởi đồng trũng, lầy lội, nhiều đoạn bị chia cắt bởi kênh, rạch nhỏ. Dù được tháo bớt một số bộ phận để mang vác nhưng cơ bản pháo vẫn cồng kềnh, nặng nề và tốn rất nhiều thời gian, công sức mà cũng chỉ nhích được từng bước.
Trong cái khó lại ló cái khôn, bộ đội đã mượn đôi trâu của gia đình ông Võ Văn Chót, tự Út Mười Hai ở gần đó để kéo. Con trâu là đầu cơ nghiệp, là tài sản lớn nhất của nông dân lúc bấy giờ nhưng ông Chót vẫn vui vẻ đồng ý bởi ông cho rằng giúp cách mạng chính là tự cứu mình, cứu người dân thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoại bang, giành lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm. Trong đêm tối, cả trăm con người và đôi trâu vẫn hì hục lê từng bước với quyết tâm và niềm tin vào chiến thắng. Nhưng đi được nửa đường, một con trâu vì cố quá sức đã đứt ruột chết. Con trâu còn lại khi kéo được khẩu pháo ra ngoài kênh xáng Xà No cũng trút hơi thở cuối cùng ngay sau đó vì kiệt sức. “Nghe các bậc lão thành trước đây kể lại, ngày xưa đói khổ, thiếu thốn đủ thứ, thậm chí có được một bữa ăn no còn khó, vậy mà chẳng ai nghĩ đến chuyện làm thịt đôi trâu. Sau khi trâu chết, mọi người đem chôn cất tử tế. Gia đình ông Chót dù vô cùng đau xót nhưng cũng không đòi hỏi bồi thường”, ông Tấn kể.
Với diện tích rộng, không gian thoáng mát, Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu là nơi thích hợp để tổ chức các đợt sinh hoạt, dã ngoại, cắm trại của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Mỗi tháng nơi đây đón trung bình 500 lượt khách đến tham quan và học tập truyền thống. Đến đây, khách tham quan sẽ nhìn thấy một bức phù điêu lớn có khắc hình đôi trâu đang kéo pháo và bên trong khu trưng bày trên sa bàn trận đánh cũng có hoạt cảnh đôi trâu kéo pháo trên cánh đồng. Đó là một phần của lịch sử được quân và dân Cần Thơ-Hậu Giang trân trọng, khắc ghi. Ngày 25-10-1990, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành quyết định công nhận địa điểm Chiến thắng Tầm Vu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, được xây dựng với tổng diện tích khoảng 1,7ha, gồm các hạng mục: Phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật như chiếc nóp, gậy tầm vông, giáo, mác... phòng tiếp khách, tượng đài, phù điêu, khẩu pháo 105mm, ao sen...
Bài và ảnh: THÚY AN