Một trong những chiến công tiêu biểu là trận đánh kinh thiên động địa của Tiểu đoàn Biệt động 197 phối hợp với các đơn vị bạn đập tan căn cứ ra-đa Phú Lâm (nay thuộc địa bàn quận 6)...

Năm 1951, đế quốc Mỹ thành lập trạm thông tin liên lạc nằm ở Phú Lâm, phía tây nam Sài Gòn để theo dõi các sự kiện tại Việt Nam. Đến giữa năm 1962, trạm ra-đa Phú Lâm có 130 binh lính và nhân viên, chịu trách nhiệm về hoạt động phát tin, tầm hoạt động vươn đến Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Mỹ và một số khu vực khác. Số nhân viên làm việc ở trạm ra-đa Phú Lâm đạt số lượng hơn 700 nhân viên vào năm 1968. Năm 1972, sau khi thực hiện chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, quân đội Việt Nam cộng hòa tiếp nhận căn cứ ra-đa này để điều hành cuộc chiến, trở thành căn cứ ra-đa được trang bị những phương tiện tối tân nhất lúc bấy giờ để phát hiện mục tiêu, lực lượng của đối phương từ xa. Quân đội Mỹ và chính quyền tay sai tự hào gọi đây là “mắt thần”.

leftcenterrightdel
Một góc căn cứ ra-đa Phú Lâm. Ảnh tư liệu. 


Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, kể: Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ tăng cường tuyến phòng thủ ở nội đô Sài Gòn và tổ chức, củng cố lực lượng xung quanh thành phố. Trong đó, căn cứ ra-đa Phú Lâm đóng vai trò quan trọng trong thông tin liên lạc, chỉ huy điều hành. Việc đánh chiếm, làm tê liệt căn cứ ra-đa này có ý nghĩa rất quan trọng, vì đã chọc thủng “tai mắt” của địch.

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra, Tiểu đoàn Biệt động 197 được lệnh phối hợp cùng Tiểu đoàn 23, Trung đoàn Đặc công 429 tấn công phá hủy và làm tê liệt hoạt động của căn cứ ra-đa Phú Lâm. Sau nhiều lần trinh sát nắm bắt tình hình, đêm 17-4-1975, Tiểu đoàn Biệt động 197 cùng Tiểu đoàn 23 chia thành hai mũi tấn công căn cứ ra-đa Phú Lâm. Để tiếp cận mục tiêu này, lực lượng biệt động của ta phải tìm cách vượt qua nhiều lớp hàng rào dây thép gai, trên các lớp hàng rào có cài nhiều mìn vướng nổ. Địch tổ chức canh gác cẩn mật quanh khu vực căn cứ suốt ngày đêm. Ngoài ra, muốn vào được căn cứ, phải băng qua một cánh đồng rộng, trống trải.

Được bộ đội địa phương dẫn đường, rạng sáng 18-4-1975, hướng tấn công của Tiểu đoàn Biệt động 197 và Tiểu đoàn 23 vào vị trí triển khai, thực hành nổ súng. Mũi tấn công hướng Tây Bắc của Tiểu đoàn Biệt động 197 đã đột nhập vào trong, phá hủy một số trang thiết bị quan trọng của căn cứ. Một số hướng mũi tiến công khác do địch chống trả quyết liệt, chưa vào sâu bên trong nhưng cũng phá hủy nhiều thiết bị ăng ten, máy phát sóng của địch… làm tê liệt hoạt động của căn cứ ra-đa Phú Lâm. Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Tiến, nguyên Trung đội trưởng Trung đội K83, Tiểu đoàn Biệt động 197, một trong những người trực tiếp tham gia trận đánh, kể lại: “Trước khi bước vào trận đánh quyết định này, 20 cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ mở cửa được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Bên cạnh thông tin của trinh sát báo về, đơn vị chỉ có tấm bản đồ cũ vẽ bằng bút bi từ năm 1967 về hình thái chung của căn cứ. Chúng tôi lấy đèn tín hiệu trên cột thu phát sóng làm vật chuẩn để tiến công”.

Cựu chiến binh Đào Văn Thịnh, nguyên chiến sĩ B40 Trung đội K83 cho biết thêm: “Lúc thực hành mở cửa, quả bộc phá 5kg đầu tiên điểm hỏa không nổ, phải đến quả bộc phá 5kg thứ hai đặt chồng lên quả thứ nhất mới nổ, tạo sức công phá cộng hưởng cực mạnh, phá bung cánh cửa sắt và một phần bức tường hai bên. Khi đó, những cánh ra-đa lớn hiện ra trước mắt, tuy nhiên, chúng tôi không thể tiếp cận ngay được vì vướng hào nước kết hợp hàng rào dây thép gai của địch. Chúng tôi sử dụng hỏa lực B41, B40 nhắm thẳng mục tiêu ra-đa nhả đạn, mở toang cửa cho đồng đội xung phong tiêu diệt địch, làm chủ hoàn toàn căn cứ”. Cựu chiến binh Trịnh Văn Hòa, chiến sĩ thông tin Trung đội K83, bổ sung: “Điều tuyệt vời nhất đối với chúng tôi là mặc dù đã xác định sẽ hy sinh hết, nhưng khi kết thúc trận đánh giành thắng lợi giòn giã, lực lượng cảm tử đánh mở cửa chúng tôi không có ai thương vong”.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, các đơn vị Đặc công Biệt động Sài Gòn-Gia Định giải thể. Hơn 42 năm đã trôi qua, phiên hiệu của lực lượng Đặc công Biệt động Sài Gòn-Gia Định chỉ còn trong sử sách, nhưng những ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi nguyên vẹn trong tâm trí của những cựu binh đặc công biệt động ngày nào. Mảnh đất căn cứ ra-đa Phú Lâm ngày xưa nay là doanh trại của Lữ đoàn Thông tin 596 (Binh chủng Thông tin liên lạc). Chứng tích còn lại là tháp ăng-ten vi-ba, cùng những hình ảnh tư liệu, những câu chuyện chiến đấu anh dũng của các đơn vị đánh vào căn cứ ra-đa Phú Lâm trong những ngày tháng Tư lịch sử vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành bài học giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. 

HỒ GIANG - HỒ THẾ