Nhập ngũ ngày 15-10-1964, tôi được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325B, đóng quân ở làng Cổ Liêm, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hết thời gian huấn luyện và rèn luyện sức khỏe, chúng tôi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị lên đường đi B với trang bị đầy đủ.

Chúng tôi được chỉ huy đơn vị phổ biến là theo mệnh lệnh của trên, đơn vị sẽ đi “B dài”. “B dài” nghĩa là đơn vị sẽ vào chiến đấu lâu dài ở miền Nam từ nam Đường 9 cho tới tận cùng Nam Bộ. Cán bộ, chiến sĩ đi “B dài” thì gia đình ở hậu phương được địa phương đăng ký, quản lý, cấp phát tiền trợ cấp B cho những thân nhân chủ yếu (cha, mẹ, vợ, con) chưa đến hoặc đã hết tuổi lao động; được hợp tác xã, trường phổ thông, cơ sở y tế... thực hiện các chính sách hậu phương quân đội theo quy định của Nhà nước.

Ngày 25-12-1964, toàn đơn vị nhập trạm giao liên, bắt đầu lên đường đi B. Chúng tôi được biết, lộ trình hành quân là từ miền tây Quảng Bình vào Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), lên Làng Ho, vượt qua Đường 9 vào Trường Sơn sang Lào. Từ vùng giải phóng Lào đi dọc theo tuyến Tây Trường Sơn thẳng về Nam. Tùy theo nhiệm vụ của từng đơn vị bổ sung cho từng chiến trường mà rẽ ngang về Trị Thiên, về Khu 5, vào Tây Nguyên, hoặc đi thẳng qua đất Campuchia vào tận Nam Bộ.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (ngoài cùng, bên trái) trong lần gặp lại đồng đội, tháng 1-2018. Ảnh THÙY VINH 

Hồi đó, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới giới hạn ở những trọng điểm nhất định, chưa lan rộng như những năm sau. Đông và Tây Trường Sơn vẫn là những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới bạt ngàn, rậm rạp, nhiều tầng, có nơi lâu lắm rồi hình như chưa có dấu chân người. Đường hành quân bộ là đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi mỗi người mang theo trên mình khoảng 30kg. Trong đó, riêng bao gạo đủ ăn được 10 ngày. Mỗi ngày chúng tôi hành quân qua một cung trạm. Từ trạm này sang trạm khác khoảng 30 cây số. Trên đường đi, cứ bình quân một giờ nghỉ giải lao độ 10 phút. Thường là sau khi đã ăn sáng, đổ đầy nước sôi vào bi đông, được lệnh xuất phát từ 5 giờ sáng thì đến trạm tiếp theo khoảng 5 giờ chiều. Ở rừng trời mau tối. Hơn 5 giờ chiều đã nhá nhem, mọi người chuẩn bị nấu cơm ăn, mắc tăng võng để ngủ. Bếp ăn tiểu đội, mọi người chuẩn bị củi đuốc, che lại ánh sáng, khơi lại bếp để nấu cơm tối và chuẩn bị bữa hôm sau. Để bảo đảm bí mật, chỉ huy đơn vị yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm ngặt mọi quy định. Thực hiện đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Cứ thế, ngày đi, đêm nghỉ. Đến một ngày, cả đơn vị vượt qua một con sông nhỏ trên một cái cầu do mấy cây tre ghép lại, có tay vịn. Tới giữa dòng, chính trị viên đại đội ngoái lại nói nhỏ với tôi rằng: “Đây là sông Sê Pôn. Sang bên kia là huyện Mường Phìn, tỉnh Savannakhet-đất Lào rồi”.

Qua cầu, tôi ngoảnh lại bờ Đông là một rừng tre xanh cao vút dưới nắng chiều vàng, đẹp lắm! Nơi ấy là Tổ quốc mình. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân. Với bộ quân phục Quân Giải phóng và chiếc mũ tai bèo, mà như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết "chẳng làm đau một chiếc lá trên cành", đã thay cho hộ chiếu. Trong túi áo của mỗi người vỏn vẹn một tờ giấy bìa cứng, rộng bằng cái chứng minh thư, trên đó đề là giấy chứng nhận XYZ, họ và tên, được cử đi Bác Ái. Lúc đó tôi cũng chẳng biết giấy XYZ  là cái gì, để làm gì, cất giữ ra sao, tại sao lại lấy 3 ký hiệu toán học đặt tên cho nó? Đi Bác Ái nghĩa là đi đâu? Chỉ biết rằng, mỗi người đi “B dài” đều được cấp giấy XYZ. Nhưng khi đã vào chiến đấu ở chiến trường rồi thì dường như chẳng ai còn quan tâm đến cái giấy đó nữa...

Đêm đơn vị dừng lại trú quân ở một cánh rừng tre, trời mưa phùn, se lạnh. Cơm nước xong, trèo lên võng nằm, lòng bồi hồi cảm xúc, tôi làm mấy câu thơ:

Ra đi chiều ấy cuối mùa đông

Biên giới là đây một nhánh sông

Qua cầu tre nhỏ sang đất bạn

Ngoảnh lại giang sơn chốn Lạc Hồng...

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU