Để kịp thời chi viện vũ khí cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên tiền tuyến lớn miền Nam, Đoàn 125 (Tàu không số) nhận lệnh đưa 4 chiếc tàu chở vũ khí vào các bến ở chiến trường phía Nam, trong đó có Tàu C235 thuộc loại tàu cao tốc do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy vào cập bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). Anh Mai khi đó 24 tuổi và là thợ máy được biên chế cho chuyến đi này của Tàu C235.
Đầu tháng 2-1968, Tàu C235 bắt đầu xuất bến, nhưng đi chưa được bao xa đã bị tàu địch phát hiện và bám theo nên được lệnh quay về. Cuối tháng 2, Tàu C235 được biên chế 20 cán bộ, chiến sĩ, chở khoảng 16 tấn vũ khí, lại xuất phát và lần này cũng không tránh khỏi sự soi mói, đeo bám của hải quân và không quân Mỹ-ngụy. Khi Tàu C235 vừa chuyển hướng vào khu vực biển Hòn Hèo, địch đã tổ chức bao vây hòng bắt sống tàu và thủy thủ đoàn. Lúc Tàu C235 cách bờ chừng 200m, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh đánh tín hiệu xin thả hàng. Đèn tín hiệu xin thả hàng phát đi: 1 chớp, 2 chớp, 3 chớp rồi 4 chớp vẫn không thấy tín hiệu của bến trả lời. Tình hình rất khẩn trương và căng thẳng. Tàu địch đã phát hiện và ngày càng tiến gần hơn đến tàu ta, nếu chậm trễ, việc thả hàng có nguy cơ bị lộ. Trong tình thế cấp bách, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định cho anh em thả hàng. Vì nếu không thả được hàng thì khi tình huống nguy cấp buộc phải nổ bộc phá phá tàu, toàn bộ 16 tấn hàng trên tàu cũng phát nổ và hư hỏng cùng con tàu.
Hàng vừa thả xong cũng là lúc Tàu C235 bị bủa vây tứ bề bởi tàu địch, còn trên trời là máy bay và pháo sáng của không quân Mỹ-ngụy. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh cho mọi người vào vị trí chiến đấu, đồng thời khéo léo cơ động để Tàu C235 di chuyển ra xa khỏi vị trí thả hàng và vào gần bờ hơn, nhằm bảo đảm an toàn, bí mật cho hàng và cũng để cho các chiến sĩ ta có cơ hội tiếp cận gần bờ hơn trong trường hợp phải hủy tàu và bơi vào bờ.

leftcenterrightdel
5 thủy thủ còn sống sót của Tàu C235 (từ trái sang phải): Nguyễn Văn Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật. Ảnh tư liệu 

Cuộc chiến không cân sức đã diễn ra. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của Tàu C235 sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cùng con tàu thân yêu. Anh Mai và anh Hà Minh Thật chiến đấu cạnh nhau tạo thành hai ổ hỏa lực bên mạn trái con tàu. Mới đầu, tàu địch hung hăng định áp sát để bắt sống tàu ta cùng thủy thủ đoàn. Nhưng chúng bị bất ngờ trước hỏa lực khá mạnh bắn ra từ phía tàu ta nên vội vã lùi ra xa để tránh thương vong, rồi dùng vũ khí hạng nặng bắn về phía tàu ta. Sau gần nửa giờ chiến đấu ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ ta bị thương quá nửa, một số đồng chí đã hy sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị thương ở đầu nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu và chỉ huy chiến đấu. Anh truyền lửa sang các chiến sĩ của mình bằng cách sẵn sàng thực hiện phương án hai: Cho tàu chạy thẳng vào cảng Nha Trang, áp tàu ta vào tàu địch, cho nổ tàu để phá tàu ta, tàu địch và phá luôn cả bến cảng. Nhưng bất ngờ buồng máy bị trúng đạn, máy tàu hỏng nặng; ý định thực hiện phương án hai của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh buộc phải thay đổi và chuẩn bị phương án phá hủy tàu ngay tại vị trí. Lập tức mệnh lệnh của thuyền trưởng vang lên: “Nổ bộc phá phá tàu”. Giọng anh Mai bỗng xúc động trào dâng: “Ở thời điểm đó, mệnh lệnh của thuyền trưởng dội vào tim tôi và các cán bộ, chiến sĩ trên tàu thiêng liêng như sứ mệnh mà Tổ quốc đã trao gửi cho chúng tôi”.
Mọi người khẩn trương thực hiện các công việc của mình để chuẩn bị phá tàu. Các thương binh được đưa xuống phao cứu sinh đã được anh Mai bơm đầy hơi và thả xuống nước từ trước bên mạn phải con tàu để họ rời tàu trước. Anh Mai từ vị trí chiến đấu vội trở lại khoang máy thì nhìn thấy anh Ngô Văn Thứ-người trước đó được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc nổ bộc phá khoang máy sau và buồng lái để phá tàu-đã bị thương khá nặng, không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, anh Mai chẳng kịp suy nghĩ nhiều, chỉ tâm niệm nhiệm vụ nổ bộc phá phá tàu phải được thực hiện mà không có bất cứ sai sót nào và tàu phải nổ. Hơn nữa, anh cũng tự tin về chuyên môn là mình có thể hoàn thành được nhiệm vụ dù biết việc ở lại tàu để điểm hỏa nổ bộc phá thì bản thân rất có thể sẽ phải hy sinh cùng con tàu. Anh Mai vội dìu anh Thứ ra phao cứu sinh và tự nguyện vào thay vị trí của anh Thứ. Lúc này anh Lê Duy Mai cùng với hai anh là Hà Minh Thật và Vũ Long An, mỗi người chịu trách nhiệm một vị trí chuẩn bị nổ bộc phá. Bộc phá đã được cài sẵn, đồng hồ hẹn giờ đã được khởi động. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cẩn thận, điềm tĩnh đến từng vị trí để trực tiếp kiểm tra. Khi mọi việc đã chắc chắn và chính xác, thuyền trưởng ra lệnh cho những người còn lại ôm vũ khí cá nhân rời tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh là người cuối cùng rời tàu.
Rời tàu chưa được bao xa thì các khối bộc phá đồng loạt phát nổ ở cả 3 vị trí. Anh Mai cảm thấy đó như là một vụ nổ long trời lở đất. Sức mạnh khủng khiếp của vụ nổ đã xé toang màn đêm, một cột lửa bùng lên trên biển. Con tàu có tải trọng gần trăm tấn vỡ nát, nhiều mảnh vỡ bung lên và văng xa, phần còn lại của con tàu chìm xuống lòng biển Hòn Hèo. Các cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 sau khoảng một giờ vật lộn với sóng gió cũng bơi được vào bờ. Trên bờ, địch ráo riết lùng sục nên họ quyết định chia lực lượng thành hai nhóm, đi về hai ngả. Nhóm thứ nhất do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh phụ trách, nhóm thứ hai do Thuyền phó Đoàn Văn Nhi phụ trách. Nhóm của thuyền trưởng chẳng may bị lọt vào ổ phục kích của địch và họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Nhóm của Thuyền phó Nhi còn lại 7 người, trong đó có anh Mai. Nhóm đã khéo léo và mưu trí để thoát khỏi vòng vây của địch, nhưng tất cả đều bị thương. Họ dìu nhau đi tìm căn cứ của bến. Suốt 13 ngày đêm, họ chịu đựng đói khát. Tất cả khẩu phần lương thực và thuốc men mà 7 chiến sĩ có lúc đó là 120 viên sinh tố poly. Chúng được tập hợp lại và giao cho anh Mai quản lý. Họ chia nhau theo khẩu phần: Người bị thương nặng thì 4 viên, người bị thương nhẹ thì 2 viên mỗi ngày. Họ tìm ăn cây, quả rừng, ăn ốc sên, ăn kiến, ăn còng, uống nước trong hốc cây... để đi tìm bến, tìm người bên ta. Anh Mai vẫn nhớ rõ lần cả nhóm tìm thấy một hốc nước trong gốc cây to, nhưng nước ở khá sâu trong hốc mà không có cách nào hút lên để uống. Cuối cùng mấy anh em cũng nghĩ ra một mẹo là cởi áo ra rồi nhét ống tay áo vào hốc nước cho ướt đẫm rồi kéo lên. Lần lượt từng người há miệng, ngửa cổ, vắt ống tay áo đẫm nước thành từng giọt chảy xuống họng.
Trong một lần đi tìm nước uống, đồng chí Thật không trở về. Rồi một lần khác, đồng chí Khung cũng không quay trở lại, rồi đến lượt Thuyền phó, nhóm trưởng Đoàn Văn Nhi cũng hy sinh. Đến đêm thứ 13 định mệnh, khi sức cùng, lực kiệt, bỗng họ phát hiện có một người đang thả lưới ven biển. Cả nhóm 4 người bàn nhau tìm cách bắt sống người thả lưới để khai thác, hỏi đường. 4 người phân công nhau: 2 người trên bờ yểm trợ là các anh Nguyễn Văn Phong và Lâm Quang Tuyến; còn 2 người lội xuống biển để bắt người thả lưới là anh Mai và anh Vũ Long An. Thật may mắn, người thả lưới lại là người của bến được cử đi kiếm cá cải thiện bữa ăn, nhưng nhiệm vụ chính là để dò la tin tức về các chiến sĩ của Tàu C235. Cả 4 anh em được người của bến đưa về căn cứ và được đãi một bữa cháo gà rừng nhớ đời sau 13 ngày đói khát đến cùng cực. Thêm một niềm vui lớn hơn nữa là tại đây họ được gặp lại đồng chí Thật-người đi lạc từ mấy hôm trước cũng đã tìm được về căn cứ (còn đồng chí Khung thì bị địch bắt và được trả tự do sau Hiệp định Paris năm 1973).
Khi được tôi hỏi thêm về cảm nghĩ của anh đối với người thuyền trưởng-Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phan Vinh, anh Mai xúc động nói: “Mệnh lệnh của Thuyền trưởng “nổ bộc phá phá tàu” luôn vang vọng trong tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua và chắc sẽ còn vang vọng mãi trong suốt quãng đời còn lại của tôi”.

NGUYỄN ĐĂNG VINH