Đêm trước, Tiểu đoàn 11 chúng tôi vừa có cuộc giao lưu văn nghệ với đội văn nghệ trạm giao liên-thanh niên xung phong tại trạm nghỉ nên trên chặng hành quân hôm nay những câu chuyện vui, chuyện tiếu lâm nổ ran không dứt. 

Khác với những lần dừng nghỉ trước đây, chiều nay treo võng rồi hình như chiến sĩ nào cũng lôi quyển nhật ký ra. Người thì viết tiếp những dòng đêm hôm trước chưa kịp viết, người thì viết thêm những câu chuyện vừa mới có được. Chỉ vất vả nhất là các chiến sĩ trong tổ trực nhật của các tiểu đội. Họ phải tìm vị trí để đặt bếp nấu cơm. Từ hôm chứng kiến cảnh bom B-52 rải thảm, dừng chân ở đâu cán bộ hành quân cũng quán triệt việc “nấu không khói” cho đơn vị. Biết rồi vẫn phải nghe, nghe rồi cũng phải nghe lại.

leftcenterrightdel
Minh họa: ANH KHOA

Những ngày Tiểu đoàn 11 của chúng tôi huấn luyện ở xã Nghĩa Hội (Nam Đàn, Nghệ An), chúng tôi gặp rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười quanh chuyện này. Tình huống chủ yếu là chuyện “nấu không khói”. Cứ xong một đề mục huấn luyện là Đại đội 44 của tôi lại đi dã ngoại. Huấn luyện dã ngoại là bài học thực hành sát chiến đấu nhất nên đơn vị nào huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường cũng rất chú ý và tăng thời gian. Lính mới rất ngại phải đi huấn luyện dã ngoại nhưng công bằng mà nói hình thức huấn luyện này rất hiệu quả vì sát thực tế chiến đấu. Khổ nhất vẫn là mấy anh nuôi quân. Có những buổi hành quân chỉ dừng trú quân giữa trưa trong khoảng vài giờ đồng hồ nhưng vẫn phải thực hiện tình huống vừa đào bếp Hoàng Cầm, vừa nấu cơm cho bộ đội. Có những lần gạo vừa đổ vào chảo chưa kịp sôi, khói lên nhiều, cán bộ huấn luyện phát hiện thấy bất ngờ đến cắt tình huống, báo động di chuyển. Thế là chỉ một bếp tiểu đội lộ khói nhưng tất cả đại đội phải di chuyển sang một địa điểm khác. Đổ gạo ướt vào túi, mang đến địa điểm mới thì gạo đã nẫu ra chỉ cần cho vào nước sôi đã sền sệt như cháo. Rồi có lần cơm đang sôi, khói lên nhiều quá, lộ đơn vị đang trú quân, cán bộ huấn luyện đổ mấy xô nước vào đường dẫn khói làm bếp Hoàng Cầm tắt ngấm. Lại chạy, lại khênh cả chảo cơm đến một vị trí trú quân mới. Có lần tôi đã chứng kiến một chiến sĩ nuôi quân bị cắt tình huống nấu cơm vừa tức tưởi khóc vừa cự lại cán bộ huấn luyện: “Sao ác thế, trời đánh còn tránh bữa ăn”. Lúc đó, anh Ưng, Chính trị viên phó Đại đội 44 đến vỗ vai cậu chiến sĩ nuôi quân: “Không ác đâu, đó là cách để sống, để tồn tại mà chiến đấu ở chiến trường đấy, đồng chí ạ”.

Chiều nay trên Trường Sơn, khi dừng trú quân ở trạm giao liên tôi chợt nhớ lại chuyện “nấu không khói” ngày ở Nghĩa Hội. Tôi và hai người bạn là Tình, Cống vừa đi tìm vị trí đặt bếp vừa nhắc lại chuyện cũ và cũng thầm nhắc nhau bài học ấy vẫn còn nguyên mới. Chúng tôi xuống sườn đồi, cạnh một con suối để tìm nơi đặt bếp. Trong quá trình hành quân thường chỉ dừng một hoặc hai đêm nên chúng tôi không đào bếp Hoàng Cầm. Bếp đặt nổi trên mặt đất che kín xung quanh và lợp lá để vừa tránh mưa vừa tránh ánh sáng lộ ra ban đêm. Phải chọn củi thật khô để không có khói. Một người nấu, một người phải cầm cành cây to sum sê lá, khói lên thì phải xua cho tan ngay trên mái lợp. Những cái bếp tạm trên đường hành quân ấy nấu ban ngày thì lo sợ khói lên, nấu ban đêm thì sợ ánh sáng lọt ra. Vì vậy cái bếp phải che chắn thật kín và chọn chỗ đặt bếp vừa đủ thoáng để nhanh tan khói nhưng lại đủ kín để chắn ánh sáng lửa lọt ra.

Có một chuyện xảy ra ở trạm khách hôm ấy tôi còn nhớ như in. Xế chiều đến trạm, sau khi che tăng, mắc võng xong, mấy chiến sĩ trong trung đội tôi treo ăng gô lên hai cành cây cắm chéo và đốt lửa đun nước sôi để pha sữa bột. Một chiến sĩ châm bếp, hai chiến sĩ cầm hai cành lá, người thì quạt ngang, người thì quạt dọc cho khói tan nhanh trước khi bay lên cao. Ăng gô nước quá đầy khi sôi lại không kịp rút củi, nước trào ra khói bay đặc cả một vùng, quạt mấy cũng không tan được. Đúng lúc ấy lại có chiếc máy bay trinh sát OV-10 của địch bay đến. Thế là cả đại đội bị báo động di chuyển đến một vị trí trú quân khác. Lại cuốn tăng võng nhồi nhét vội vào ba lô, khổ nhất vẫn là các chiến sĩ trực nhật, nuôi quân, có bếp vừa đổ gạo vào nồi. Cả Tiểu đoàn 11 chúng tôi vừa di chuyển ra khỏi vị trí trú quân thì chiếc OV-10 lượn lờ vài vòng rồi mất hút. Có lẽ không phải chúng phát hiện ra vị trí bộ đội ta trú quân mà chỉ bay trinh sát theo quy luật.  Đêm ấy khoảng 22 giờ, Đại đội 44 của tôi mới đến vị trí trú tạm quân. Các tổ trực nhật vừa nấu cơm tối cho bộ đội vừa nấu cơm nắm cho sáng hôm sau hành quân. Một đêm thức trắng...

HỒ ANH THẮNG