“Mỗi khi nhắc đến Điện Biên Phủ, không ai là không nhớ đến gương hy sinh dũng cảm của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã quên mình cứu pháo, kịp chặn không để pháo lao xuống vực sâu. Nhưng cũng có một người anh hùng như Tô Vĩnh Diện mà đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến, trừ các chiến sĩ pháo binh thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hành động quên mình chèn pháo, cứu pháo của anh đã xuất hiện trước cả Tô Vĩnh Diện. Chỉ khác là anh hùng Tô Vĩnh Diện ở pháo cao xạ 37mm, còn trường hợp này là trọng pháo mặt đất 105mm. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Chức, pháo thủ Khẩu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 806, Trung đoàn Pháo binh 45, Đại đoàn 351”-Đại tá Hoàng Hải nói.
    |
 |
Đại tá Hoàng Hải. Ảnh: TUẤN TÚ |
Theo lời kể của Đại tá Hoàng Hải cùng nhiều đồng đội, ngày ấy, để kéo pháo vào trận địa một cách bí mật, tạo yếu tố bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và pháo cao xạ, ta phải mở một con đường bí mật vắt qua núi và dùng sức người kéo pháo (bỏ xe kéo). Lực lượng được huy động kéo pháo gồm Đại đoàn 312 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367 cùng Trung đoàn Pháo binh 45. Trên đường kéo pháo vượt qua những vực sâu, đèo cao dốc đứng, với sự hợp lực của hàng trăm chiến sĩ bộ binh Đại đoàn 312, cùng sự trợ giúp của những chiếc tời mà khẩu trọng pháo nặng 2,5 tấn sau một ngày đêm chỉ đi được quãng đường 2-3 cây số, ấy là không kể máy bay địch liên tục săn lùng mục tiêu, pháo binh địch bắn chặn cản đường.
Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Đài và Khẩu đội trưởng Nguyễn Huy Mẫn (Trung đoàn Pháo binh 45) từng kể lại khá chi tiết sự việc hy sinh cứu pháo của đồng chí Nguyễn Văn Chức trong bài viết đăng trong cuốn “Ký ức Lữ đoàn Tất Thắng” (tập 1, NXB Quân đội nhân dân, 2012). Từ ngày 22-12-1953, Đại đội 806 lên đường đi chiến dịch. Sau nhiều đêm hành quân, đại đội đến khu vực tập kết. Theo lệnh của trung đoàn, đại đội tiếp tục hành quân tới Km 70, cắt pháo tại Nà Nham, kéo pháo vượt đoạn đường dài 15km trên sườn núi hiểm trở. Đêm cuối cùng của chặng đường kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa, tại dốc Bảy Tời, đoạn Điện Biên Phủ đi Lai Châu, khẩu pháo của Khẩu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 806 đang đổ dốc từ từ thì bất ngờ dây tời bị đứt. Tình huống đột ngột xảy ra, khẩu trọng pháo 105mm thình lình tăng tốc lao nhanh xuống dốc kéo theo cả mấy “dây” người đang nghiến răng, căng sức ghìm lại mà không nổi. Tiếng hô lớn: “Dũng cảm cứu pháo! Còn người, còn pháo!...”. Lập tức ba pháo thủ Chức, Cứ, Ngòi rượt theo pháo để lao chèn. Nhưng pháo cứ lồng lên băng qua mọi hòn chèn, mọi mô đất, mọi vật cản, Cứ và Ngòi bị càng pháo hất văng ra bị thương, còn lại mình Chức. Khẩu pháo càng lao nhanh theo độ dốc và sắp đâm tuột xuống vực sâu. Nhanh như cắt, Chức ôm chèn lao vào một bánh pháo, khối thép 2,5 tấn vẫn chồm qua chèn vào người Chức nhưng mất đà, lại bị chèn một bánh nên đổi hướng đâm quặt vào một cây bên đường rồi khựng lại. Chỉ chậm một giây thôi thì khẩu lựu pháo 105mm, vốn liếng quý giá vô cùng quan trọng lúc này của ta, đã lao xuống vực. Pháo được cứu nhưng pháo thủ đã hy sinh, mọi người đều nghẹn ngào xúc động, tim như thắt lại trước hình ảnh quên mình cứu pháo của pháo thủ Nguyễn Văn Chức. Máu anh đã thấm đẫm trên đường kéo pháo và tấm gương dũng liệt của anh đã tiếp sức quyết tâm cho đồng đội đưa pháo vào trận địa, giáng đòn sấm sét mãnh liệt, bất ngờ xuống đầu thù, thực hiện xuất sắc mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Tổng chỉ huy mặt trận Võ Nguyên Giáp: “... làm cho kẻ thù phải khiếp sợ pháo binh Việt Nam”. Sau này, theo lời kể của cố nhạc sĩ Hoàng Vân, hồi ấy, ông là cán bộ của Đại đoàn 312 tham gia kéo pháo, bắt gặp hành động dũng cảm của pháo thủ Nguyễn Văn Chức đã thôi thúc ông sáng tác ca khúc “Hò kéo pháo”-bài ca ghi dấu ấn vào lịch sử của các chiến sĩ Điện Biên Phủ.
    |
 |
Kéo pháo vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Cũng như Anh hùng Tô Vĩnh Diện, đồng chí Nguyễn Văn Chức đã sẵn sàng chiến đấu hy sinh. Nhưng rất tiếc, tấm gương hy sinh oanh liệt của pháo thủ Nguyễn Văn Chức đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến, mặc dù ngày ấy Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (đơn vị của Anh hùng Tô Vĩnh Diện) và Trung đoàn Pháo binh 45 đều thuộc Đại đoàn 351. Lý giải điều này, có ý kiến cho rằng vì thời ấy việc thông tin liên lạc, truyền thông còn lạc hậu và nhiều khó khăn. Hoặc, ở thời điểm xảy ra sự kiện, không có phóng viên báo chí để kịp thời tuyên truyền; cơ quan Tuyên huấn-Chính trị lại thiếu nhạy bén để lưu giữ, báo cáo và lan truyền nhanh chóng như trường hợp Tô Vĩnh Diện, vì vậy, trường hợp của đồng chí Tô Vĩnh Diện cấp trên nhận được báo cáo trước, được thông báo cho toàn mặt trận nên chiến công kịp thời được ghi nhận, lưu danh sử sách...
Đến nay, 64 năm đã trôi qua, các CCB từng có mặt trong chiến dịch ngày ấy, trực tiếp chứng kiến hoặc biết về trường hợp hy sinh cứu pháo của liệt sĩ Nguyễn Văn Chức vẫn đau đáu mong muốn vinh danh đồng đội. Việc làm đó không chỉ cho cá nhân anh mà còn là nguồn động viên an ủi, tự hào đối với gia đình, dòng họ, quê hương, là biểu tượng người chiến sĩ pháo binh anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Sau ngày đất nước thống nhất, họ đã tập hợp các nguồn tài liệu, nhân chứng cũng như lần tìm địa chỉ gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Chức để cùng phối hợp thực hiện tâm nguyện ý nghĩa này nhưng vẫn chưa được.
Từ những thông tin trong bài viết này, các CCB-là những nhân chứng có mặt trong sự kiện nói trên, và thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Chức ở đâu, xin liên hệ với Đại tá Hoàng Hải theo số điện thoại: 0979.221.936, hoặc Phòng Biên tập Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, điện thoại: 0243.733 3598 để cung cấp thêm thông tin, bổ sung hồ sơ làm cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng vinh danh xứng đáng chiến công của liệt sĩ Nguyễn Văn Chức.
BÍCH TRANG