Đó là biệt danh mà đồng đội dành cho Anh hùng Cao Duy Thuần trong hơn 2.000 ngày đêm lái xe qua nhiều trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn máu lửa...
Pác Pha Năng, Xóm Péng, Xiêng Phan… là những địa danh nóng bỏng trên cung đường mà Cao Duy Thuần phải vượt qua hằng ngày. Khi đó tuyến đường 12 và 128 có nhiều trọng điểm bị không quân địch đánh phá ác liệt, mặt đường rất xấu, lại bị chi phối bởi thời tiết khắc nghiệt. Mùa mưa, nước chảy tràn qua các đèo dốc, thác lũ băng băng có thể cuốn trôi cả chiếc xe trọng tải lớn; mùa khô thì nóng như nung, bụi ngập lưng bánh xe, bay mù mịt. Vượt qua khó khăn, gian khổ, Cao Duy Thuần liên tục bám xe, bám đường, thường xuyên vượt mức kế hoạch được giao. Từ chỉ tiêu ban đầu là 3 đêm/1 chuyến, Cao Duy Thuần đã phấn đấu 2 đêm, rồi 1 đêm/1 chuyến, có đêm vượt qua 2-3 trọng điểm, chạy được 250km, chuyển 30 tấn hàng đến địa điểm an toàn, được công nhận là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Binh trạm 31.
 |
Anh hùng Cao Duy Thuần.
|
Từ thực tiễn chiến trường, anh Thuần đã rút ra kinh nghiệm: muốn bảo vệ được xe, được hàng và hạn chế thương vong thì lái xe phải nắm chắc quy luật hoạt động, thủ đoạn đánh phá của địch; đặc biệt là phải thuộc từng chặng đường, từng cua, đoạn lên dốc, xuống dốc; biết chớp thời cơ và xử lý tình huống nhanh nhạy, sáng tạo…
Do phải cơ động liên tục về đêm nên đội ngũ “cầm vô lăng” còn phải có sức khỏe và luôn tỉnh táo. “Một năm gần như phải thức trắng cỡ 200 đêm để vận chuyển-anh Thuần kể-lúc đó, ăn cũng trở thành một nhiệm vụ. Nếu không thắng nổi cơn mệt mỏi để ăn, ăn thật nhiều thì không thể đủ sức để đi tiếp. Căng tin của binh trạm chuyên phục vụ đủ loại phở: phở voi, phở chồn, phở cáo và nhiều bánh ngon; chúng tôi ăn không phải trả tiền, chỉ cần nộp tích kê là ăn tùy thích”.
Trong quá trình vận chuyển, từ năm 1967 đến năm 1973, xe của Cao Duy Thuần đã bị địch tiến công hàng trăm lần, trong đó không dưới 10 lần bị đánh hỏng hoặc bị cháy. Lần nào cũng vậy, anh bình tĩnh, gan dạ, dũng cảm cứu xe, cứu hàng, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đêm 8-3-1971, xe của Cao Duy Thuần chở đầy đạn, đang chạy trên km 43, đường 128 thì bị máy bay địch oanh tạc. Đạn của địch bắn trúng thùng xăng phụ, làm xe bốc cháy. Trong tình huống phức tạp, nguy hiểm, máy bay địch vẫn liên tục bắn phá, anh cùng phụ lái vẫn bình tĩnh nhảy lên dập lửa, cứu được xe và đạn, tiếp tục cho xe chạy, tạo điều kiện an toàn cho cả đoàn xe phía sau.
Sau đó 2 ngày, anh dẫn đầu đoàn xe 20 chiếc, đến km 25, đường 128 thì bị địch bắn cháy. Anh đã bình tĩnh lái xe mình sang hướng khác, thu hút hỏa lực máy bay địch, tạo điều kiện cho đoàn xe vượt qua hỏa điểm an toàn. Khi xe cách xa trục đường chính, anh dập lửa, cứu xe và một phần hàng, rồi tiếp tục đưa hàng đến đích.
Cũng trong tháng đó, vào ngày 26-3-1971, Cao Duy Thuần lại dẫn đầu đoàn xe 40 chiếc, xuất phát từ hang Đ5. Đến km 36 đường 128B thì xe bị trúng đạn địch. Anh cùng lái phụ Hoàng Xuân Cường dùng mũ sắt, múc cát cứu xe nhưng lửa vẫn cháy dữ dội. Anh phân công anh Cường ở lại chặn đoàn xe, còn mình thì lái xe đang cháy để đánh lạc hướng địch. Đến một con ngầm, anh cho xe lao xuống và hất nước dập đám cháy. Khi đám lửa được dập tắt, máy bay địch mất mục tiêu và bỏ đi thì cũng là lúc anh ngất đi vì kiệt sức. Anh được đồng đội cấp cứu kịp thời, còn đoàn xe thì về đích an toàn.
6 năm lái xe ở Trường Sơn, Cao Duy Thuần đã cầm lái hơn 2.000 ngày đêm, chở được khối lượng hàng hóa rất lớn an toàn, lập kỷ lục vượt chỉ tiêu từ 170 đến 200%. Đồng đội quý trọng tôn vinh anh là “con sóc Trường Sơn”, “đại bàng Trường Sơn”. Ngày 11-1-1973, anh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Rời chiến trường, anh về làm Trưởng ban Vật tư, rồi Tham mưu phó Trung đoàn 681 của Cục Vận tải. Năm 1991, về hưu với quân hàm trung tá, anh lại say sưa với các công tác ở địa phương. Nhiều năm liền anh được bầu làm bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, đại biểu hội đồng nhân dân và ban chấp hành cựu chiến binh phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội…
Bài và ảnh: PHẠM TRẦM