Hằng ngày đến thư viện nghiên cứu tài liệu đã trở thành một thói quen trong cuộc sống của thầy giáo Trần Ngọc Thụy. Nhắc đến ông, cán bộ, giảng viên, học viên và nhân viên cùng thời không thể quên nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết và gắn bó với sự nghiệp trồng người. Tuy đã được nghỉ hưu, nhưng thầy vẫn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào những trang sử để mọi thế hệ Trường Sĩ quan Lục quân 1 hiểu sâu sắc thêm về truyền thống, sự ra đời của Nhà trường.
Giở những trang nhật ký trước đây của ông, chúng tôi nhận thấy, từng trang viết được ông ghi chép cẩn thận, các vấn đề ông thu thập, tìm hiểu qua sách, báo, các sự kiện lịch sử về nhà trường, những câu chuyện kể của các thế hệ Trường Sĩ quan Lục quân đi trước được ông lưu giữ cẩn thận. Những vấn đề chưa rõ, ông đánh dấu bằng loại mực khác màu để khi cần dễ dàng tìm kiếm. Có những sự kiện lịch sử của Nhà trường, ông trăn trở, tìm hiểu công phu, mất khá nhiều thời gian để có câu trả lời đúng. Ông kể: Mỗi sự kiện lịch sử đánh dấu sự phát triển của nhà trường qua từng thời kỳ, người viết sử phải ghi chép một cách trung thực, cụ thể, tỉ mỉ và chi tiết. Đây là những tư liệu có ý nghĩa quan trọng mà người viết đưa vào làm dữ kiện lịch sử.
 |
Nhà giáo Trần Ngọc Thụy (khi đang là Phó trưởng ban Tuyên huấn) giới thiệu truyền thống Trường Sĩ quan Lục quân 1 với đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng
|
Năm 2006 Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 1 mời ông tham gia biên soạn lịch sử nhà trường. Thầy giáo Trần Ngọc Thụy cùng Ban biên soạn đã và đang hoàn thành một số cuốn sử viết về trường như: Lịch sử Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1; Lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1; Lịch sử Công tác Đảng, công tác chính trị... Hiện nay, ông đã cùng Ban biên soạn hoàn thiện và cho ra mắt bạn đọc cuốn lịch sử Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 giai đoạn 1945-2010 nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống nhà trường (15-4-1945/15-4-2010).
Để ra mắt bạn đọc một cuốn sách là sự công phu nghiên cứu. Ông cùng Ban biên soạn cân nhắc từng câu, từng chữ cho đúng nghĩa, chuẩn xác. Tái hiện lại các sự kiện lịch sử của nhà trường, những mốc sự kiện mang ý nghĩa chính trị quan trọng như khánh thành nhà bia lưu niệm tại Khuổi Kịch, Tân Trào, Tuyên Quang - nơi ra đời của Trường Sĩ quan Lục quân 1; hay khu di tích Bác Hồ trao cờ “Trung với nước, hiếu với dân” cho nhà trường… Tất cả các sự kiện đó được tái hiện, khắc họa một cách chính xác không gian, thời gian cũng như diễn biến. Thầy giáo Thụy đến tận nơi, chứng kiến, quan sát, tìm hiểu để viết sâu, hiểu kỹ và tường tận. Không đơn giản là sắp xếp, tái hiện các sự kiện, các diễn biến theo trình tự, người viết công phu tìm các dẫn chứng minh họa sinh động, cụ thể. Đồng thời cần sự tư duy lô-gíc, cách hiểu và sự tái hiện chính xác từng chi tiết. Do vậy, ngoài sự hiểu biết sâu sắc về nhà trường, thầy giáo Thụy còn có niềm đam mê, vốn viết và ngôn ngữ viết sử. Ông tâm sự: Quá trình viết sử, việc lựa chọn các sự kiện hệ thống, xâu chuỗi thành dòng chảy xuyên suốt các giai đoạn, các thời kỳ không dễ. Lựa chọn ngôn ngữ, văn phong giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Trần Ngọc Thụy lại say sưa với công việc mới: Tham gia nói chuyện thời sự ở các xã và là người biên tập các tác phẩm văn thơ của các nhà văn, nhà thơ không chuyên nơi thôn quê với những vần thơ chân chất, mộc mạc. Trên từng cương vị công tác, thầy thường xuyên đọc, học để tích lũy, thu lượm kiến thức, kinh nghiệm, làm giàu vốn hiểu biết về lịch sử nhà trường. Đó là cơ sở và cũng là kiến thức, vốn tư liệu giúp ông có những trang viết chân thực, súc tích và cô đọng.
Bài và ảnh: Lê Thị Quyết