Nói về hoàn cảnh ra đời của Đội "du kích tí hon" Hàm Rồng, ông Huỳnh Hoàng Vân, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau cho biết, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân ta tổn hao sinh lực rất nhiều, lực lượng du kích xã được rút lên bổ sung địa phương quân, lực lượng du kích ấp bổ sung du kích xã. Vì vậy, ấp, xã thiếu quân số chiến đấu trầm trọng. Trong khu vực đồng Ong Nghệ (ấp Hàm Rồng) lúc bấy giờ còn 36 hộ dân. Họ che chòi ở tạm. Mặc dù bị địch bao vây, phong tỏa hết sức ngặt nghèo nhưng bà con ngày đêm sát cánh với cán bộ, đảng viên bám đất, bám rừng. Trước tình hình trên, một số đội viên thiếu niên tiền phong ở các phân đội ấp Hàm Rồng đã từng theo du kích đánh giặc được chọn để thành lập đội du kích, lúc đông nhất khoảng 20 người. Những đội viên khi trưởng thành tham gia vào các lực lượng khác thì các em nhỏ lớn lên tiếp tục tham gia vào đội. Thấy đội viên du kích còn nhỏ tuổi, mấy chú cưng nên gọi là “du kích tí hon”.

leftcenterrightdel
Các cựu đội viên Đội "du kích tí hon" Hàm Rồng cùng đại biểu huyện Năm Căn (Cà Mau) dâng hương, hoa tưởng niệm các liệt sĩ, tháng 4-2021. 

Lúc mới thành lập, đội gồm các đội viên như: Trần Nam Việt, Trần Thanh Bình, Trần Minh Châu, Nguyễn Hoàng Na, Trương Hoàng Nam, Võ Tấn Lực, Võ Tấn Lượng, Trần Ngọc Cự, Quang Văn Thảnh, Phan Văn Tõa, do Nguyễn Thanh Hồng làm Đội trưởng. Đồng chí Quang Ngọc Bang (Tư Tôn) làm Chính trị viên ấp đội. “Khi đó, chúng tôi đa số ở tuổi 15, 16. Ban đầu, đội được thành lập với nhiệm vụ tham gia sản xuất, làm liên lạc, đưa thư, vận chuyển lương thực, nước uống, vũ khí phục vụ các cô chú đánh giặc. Về sau, chứng kiến cảnh quân giặc giày xéo quê hương, bà con mình lần lượt ngã xuống, hàng chục đội viên "du kích tí hon" đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phối hợp với đội du kích ấp, xã, bộ đội huyện, tỉnh và quân khu cầm súng đánh giặc”, ông Vân nói.

Tuổi nhỏ nhưng chí lớn, từ khi thành lập, chiến đấu cho tới ngày độc lập, Đội du kích thiếu niên Hàm Rồng đã phối hợp tác chiến hàng trăm trận, trong đó bao vây, bức rút và giải phóng được 18 lượt đồn bốt, 2 lượt chi khu, 1 căn cứ hải quân; đánh tiêu diệt 8 lượt đồn bốt, bắn chìm 13 tàu sắt và bắn hỏng 38 chiếc tàu khác; bắn rơi 3 máy bay, bắn hỏng 12 chiếc máy bay khác; loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên Mỹ-ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kể về trận đánh đầu tiên của đội, ông Quang Văn Thảnh chia sẻ: “Đầu năm 1969, đội tham gia đánh chặn một đại đội bảo an từ Cả Nẩy hành quân vô ấp Hàm Rồng. Biết được kế hoạch hành quân của giặc, các đội viên chia thành hai tổ chiến đấu. Nhờ cách bố trí phục kích, bắn tỉa dựa vào địa hình rừng đước, kênh rạch, bờ rẫy mà các đội viên cầm cự chiến đấu nhiều giờ liền với địch. Cuối cùng, bọn chúng buộc phải rút quân. Sau trận đó, các đội viên được các chú, các anh hết sức khen ngợi và tin tưởng”...

Hòa bình lập lại, các thành viên của Đội du kích thiếu niên Hàm Rồng có người tiếp tục công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước; có người trở về gia đình sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Đội trưởng đội cho biết: “Hằng năm vào những ngày lễ lớn, UBND xã Hàm Rồng cùng với các ban, ngành tổ chức họp mặt những đội viên năm xưa, cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của đội, đồng thời tưởng nhớ người đã khuất và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau”.

Bài và ảnh: THÚY AN - THANH VŨ