Bùi Ngọc Dương sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). Năm 1966, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thay vì nhận công tác ở một cơ quan ổn định thì Dương xung phong lên đường nhập ngũ vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7, Binh chủng Công binh. CCB Nguyễn Hồng Liên kể:
- Năm 1965, tôi được nhập ngũ và làm chiến sĩ ở Trung đội 3, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7. Tháng 10-1967, toàn đơn vị nhận lệnh hành quân mở đường cho xe tăng và các đơn vị quân đội từ Lào về tham chiến ở Mặt trận Đường 9-Khe Sanh.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Ngọc Dương. Ảnh chụp lại |
Trên đường hành quân vượt sông suối, núi đồi đầy gian truân, ai cũng phải cố gắng hơn 100% sức lực để hoàn thành nhiệm vụ. Những phút nghỉ dọc đường, Nguyễn Hồng Liên và đồng đội lại được cấp trên kể về tấm gương của Trung đội phó Bùi Ngọc Dương, một người xốc vác, xông xáo, dũng cảm, sáng tạo, mưu trí trong xử lý các chướng ngại vật, góp phần giúp đơn vị hành quân bảo đảm tiến độ. “Khi nghe những chuyện về anh, chúng tôi cảm thấy hơi xấu hổ vì mình còn thua kém. Và đây cũng là động lực rất lớn về tinh thần cho chúng tôi đoàn kết, vượt khó”-CCB Hồng Liên nói.
Ngày 23-1-1968, Bùi Ngọc Dương được lệnh cùng các đơn vị khác của Tiểu đoàn 2 mở đường, mở cửa mở để tạo đà cho xe tăng và các lực lượng của ta tiêu diệt cứ điểm Huội San (Quảng Trị). Đúng theo kế hoạch, toàn đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ hạ độ dốc, làm bến lội để vận chuyển thương binh. Tiếp đến, Trung đội của Bùi Ngọc Dương nhận nhiệm vụ lên phá 4 bãi mìn. Giữa bão đạn của địch từ trong căn cứ bắn ra, Dương bình tĩnh quan sát địa hình, nắm thời cơ lao lên đánh quả bộc phá đầu tiên, tiếp đó dẫn bộ đội thực hiện đặt bộc phá phá mìn. Cửa mở đã thông, xe tăng Quân Giải phóng nhanh chóng vượt cửa mở bắn sập các lô cốt và hỏa điểm của địch.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đưa xe tăng và các lực lượng của ta đến Đường 9-Khe Sanh theo kế hoạch. Do lực lượng bộ binh chưa kịp vượt cửa mở để phối hợp với xe tăng, nên lực lượng công binh của Tiểu đoàn 2 được lệnh phát triển tiến công. Không chút chần chừ, Trung đội phó Bùi Ngọc Dương nhanh chóng chỉ huy đơn vị theo xe tăng tiến đánh vào sâu trong căn cứ của địch. “Giữa khói đạn, khi quay sang bên phải, từ đằng xa, tôi nhìn thấy Tiểu đoàn trưởng Hà Kim cầm dao cắt cánh tay đang lủng lẳng của Trung đội phó Bùi Ngọc Dương. Lúc ấy, Dương cắn chặt răng, mắt như chứa lửa ngời sáng. Chính cặp mắt ấy đã tiếp thêm sức mạnh và lòng căm hờn cho chúng tôi giáng đòn thù vào đầu quân địch”-CCB Nguyễn Hồng Liên xúc động nhớ lại.
Chỉ ít phút sau, Bùi Ngọc Dương lại bị thương ở chân. Trên người còn một cuộn băng nhưng khi đồng đội bị trúng đạn, thương tích nặng hơn, anh đã nhường cuộn băng để băng bó cho đồng đội. Tay mất, chân không đi được, Dương tựa lưng vào vách công sự tiếp tục quan sát để chỉ huy đơn vị phối hợp với xe tăng tiêu diệt địch. “Trận đánh toàn thắng, Dương được đồng đội đưa về trạm phẫu để cứu chữa. Mấy hôm sau, chúng tôi nghe tin anh đã hy sinh do vết thương quá nặng. Qua câu chuyện của các y sĩ, bác sĩ trạm phẫu, chúng tôi càng cảm phục tinh thần lạc quan, sự hiên ngang và tấm lòng bao dung, vì đồng đội của Dương”. Nói đến đây, ông Liên bùi ngùi, khẽ ngâm mấy câu trong bài thơ “Nhớ liệt sĩ Bùi Ngọc Dương” của Bùi Minh Trí: Mẹ ơi! Nhiệm vụ trao con đã hoàn thành/… Chiếc mũ lính úp lên trang sách/ bên nhành hoa thắm sắc lung linh...
VIỆT THÙY
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh diễn ra như thế nào?
Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (từ ngày 20-1 đến 15-7-1968) diễn ra 4 đợt:
Đợt 1 (từ 20-1 đến 7-2): Quân ta tiến công quận lỵ Hướng Hóa và Làng Vây...
Đợt 2 (từ 10-2 đến 31-3): Vây lấn Tà Cơn suốt 50 ngày đêm, bao vây Cồn Tiên...
Đợt 3 (từ 1-4 đến 30-4): Đánh địch giải cứu, triệt phá giao thông.
Đợt 4 (từ 8-5 đến 15-7): Đánh địch rút chạy khỏi Khe Sanh.
Kết quả: Ta loại khỏi vòng chiến đấu 11.000 tên địch, bắn rơi 197 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác; giải phóng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) với 10.000 dân. Ta đã thu hút và kìm giữ một lực lượng lớn Mỹ ở Khe Sanh (lúc cao điểm đến 32 tiểu đoàn), tạo điều kiện và phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
AN BÍCH NGỌC (sưu tầm và tổng hợp)
|