Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có một số danh hiệu kèm theo huy hiệu và giấy chứng nhận để động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ như: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ quyết thắng”...

Khi ấy, ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có thiếu niên tên là Phạm Công Đức (sinh năm 1958). Nhà Đức cách đồn Cồn Tiên khoảng nửa cây số. Đây là một tiền đồn quan trọng của địch ở khu vực giới tuyến quân sự hai miền Nam-Bắc. Tại đây, địch xây dựng một sân bay dã chiến, có ngày máy bay trực thăng địch đáp xuống đậu kín sân. Quân Giải phóng đã nhiều lần pháo kích vào sân bay nhưng vẫn chưa tiêu diệt được chiếc nào. Nhìn thấy các chú bộ đội giải phóng buồn vì không diệt được địch, Đức cũng buồn theo. Có lần Đức nghe ông nội nói với các chú bộ đội: “Phải có cách chi đo được chiều rộng, chiều dài sân bay thì bắn mới chắc trúng”.

leftcenterrightdel
"Dũng sĩ diệt Mỹ " 9 tuổi Phạm Công Đức. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đức nghĩ nếu làm như ông nội nói sẽ bắn trúng nên cậu nhận với ông để cháu làm thử. Vài ngày sau, lính gác sân bay bỗng thấy mấy đứa trẻ trong đó có Đức mang khăng, theo mấy o gánh quà vặt vào bán. Thấy gái, tụi lính xúm vào mua quà, tán tỉnh, hơi sức đâu để ý đến tụi nhỏ chơi trò đánh khăng. Vậy là Đức dễ dàng ra vào sân bay để đo chiều dài, chiều rộng sân bay mà không bị địch nghi ngờ gì. Đức dùng chính con khăng để đo khoảng cách các vị trí.

Để đo nhiều nơi, Đức luôn thay đổi vị trí chơi, nay chỗ này, mai chỗ khác, nhưng không tùy tiện đi lung tung, chỗ nào cũng được, mà luôn bám theo rìa sân bay. Nhờ cách này mà Đức tiếp cận được hai bề ngang, dọc sân bay dã chiến, rồi đo bằng thước tự chế là cái đòn khăng. Rồi cũng bằng cái đòn khăng ấy, Đức tính được khoảng cách chiều dài, chiều rộng sân bay là 240 khăng. Một khăng Đức đo được 14 gang tay của mình. Các chú bộ đội tính ra vừa đúng một mét một khăng. Hóa ra, khu vực đường băng, bãi đỗ của máy bay khá ngắn nên những lần pháo kích của ta bắn toàn trượt ra ngoài.

Có được số liệu thực tế Đức cung cấp, các chú bộ đội tính toán, xác lập các phần tử bắn, đặt pháo ở cự ly thích hợp để tập kích sân bay chính xác. Tháng 6-1966, Mỹ mở trận càn lớn vào khu phi quân sự. Đêm hôm đó, chúng tập kết về sân bay hàng chục chiếc trực thăng và nhiều lính Mỹ để chuẩn bị cho cuộc càn vào sáng hôm sau. Đã tính được cự ly chính xác nên trong đêm, quân ta đặt pháo cối ở đường cái quan, lấy tầm, hướng đã xác lập, nã đạn cấp tập vào sân bay. Trận này ta thắng lớn, bắn cháy 9 trực thăng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, diệt hàng chục lính Mỹ-ngụy. Trận càn của Mỹ bị phá sản.

leftcenterrightdel
Vợ chồng thầy giáo Phạm Công Đức. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Chiến công ấy là của Quân Giải phóng và du kích Gio Linh, nhưng góp công đầu là của chú bé 9 tuổi Phạm Công Đức. Sau trận đánh, Đức được Bộ tư lệnh Mặt trận B5 khen tặng “Dũng sĩ diệt Mỹ”; là thiếu niên đầu tiên của chiến trường Trị Thiên được tặng danh hiệu cao quý ấy.

Trong bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân” của đạo diễn Joris Ivens (quốc tịch Pháp, gốc Hà Lan), được quay từ năm 1967 tại Vĩnh Linh, có một trường đoạn đó là lúc Đức hồn nhiên trả lời phỏng vấn và kể chuyện tham gia đánh giặc, nhưng đã thể hiện ý chí và quyết tâm đánh Mỹ rất cao của người thiếu niên gan dạ.

Năm tháng qua đi, “Dũng sĩ diệt Mỹ” 9 tuổi ngày ấy, bây giờ đã 65 tuổi. Sau gần 40 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Phạm Công Đức được về nghỉ hưu, sống trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười tại khu phố 1, thị trấn Gio Linh với người bạn đời-bạn đồng nghiệp cùng các con, cháu nội-ngoại, dâu-rể thật ngọt ngào, hạnh phúc.

TRẦN BIÊN