Quá ít tư liệu, kiến thức về nước Nga, chúng tôi chỉ nghĩ đến một đất nước rộng mênh mông từ Đông sang Tây với Siberia, với mùa đông nước Nga đã đánh bại đạo quân của Napoleon khi quân Pháp vào đến Moscow. Tôi hy vọng có thể hiểu biết thêm về đất nước này.
Thế rồi tôi vào bộ đội. Đầu năm 1953, trong tháng hữu nghị Việt-Trung-Xô, chúng tôi đã được xem các họa báo rất đẹp của Liên Xô. Chúng tôi đã thuộc bài thơ “Đợi anh về” của Simonov dịch ra tiếng Việt, hát “Đôi bờ”, đọc “Thép đã tôi thế đấy” qua các bản chép tay…
Năm 1954, Đại hội văn nghệ toàn quân lần thứ nhất khai mạc tại Thái Nguyên. Tôi được đơn vị cử tham dự. Một buổi chiều, có lệnh lên hội trường đón khách quốc tế. Và tôi đã được thấy người Nga bằng xương bằng thịt. Đó là đạo diễn Nga Roman Karmen cùng hai nhà quay phim Nga Egheny Mukhin và Vladimir Yeshurin. Trong khi Karmen phát biểu, tôi nghe được những tiếng Nga đầu tiên trong đời và thấy tiếng Nga có nhiều tiếng giống tiếng Pháp, bụng bảo dạ “phải tìm hiểu tiếng Nga, nếu có điều kiện”.
Sau buổi nói chuyện, các nhà điện ảnh Nga đang thực hiện bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” đã bắt tay chúng tôi, cảm giác là bàn tay thật ấm áp và rất chặt. Cuối năm 1956, tôi được gọi lên cơ quan cán bộ của trung đoàn:
- Đồng chí đã được đề nghị đề bạt lên chính trị viên đại đội. Nhưng nay lại có chỉ thị cử đồng chí đi học tiếng Liên Xô (anh cán bộ cũng như rất nhiều người bấy giờ chưa phân biệt được tiếng Nga hay tiếng Liên Xô-TG). Đơn vị cần cán bộ, ở lại thì nhận quyết định đề bạt, đi học thì thôi.
- Tôi xin đi học…
Lớp học chúng tôi có khoảng 600 học viên, học trong hai khoa, tiếng Nga và tiếng Trung. Tôi học tiếng Nga, lớp 5B và được chỉ định là lớp trưởng. Trưởng đoàn giáo viên tiếng Nga là một Đại úy pháo binh-thương binh Kalashnikov. Cô giáo chủ nhiệm lớp chúng tôi là Ilesa Radoschia Ivanovna, tôi sẽ nói về cô sau.
Học xong hai năm tại Hà Nội, số học viên quân đội chúng tôi được cử về các đơn vị, chuẩn bị đón “cố vấn”, “chuyên gia”. Trong khi khách chưa đến, chúng tôi dịch sách tiếng Nga, các điều lệnh quân đội Nga, dạy tiếng Nga… Năm 1959, tôi được làm việc với một đại tá Nga đang chịu trách nhiệm về kỹ thuật thông tin, đồng chí Grigori Philipovich Ponomarenco. Tên dài nên Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy rút ngắn lại gọi là đồng chí Ghi.
Năm 1963, tôi được đi học ở Liên Xô. Tháng 9 năm ấy, chúng tôi qua Trung Quốc, rồi ngồi tàu hỏa 10 ngày đi xuyên Siberia đến Moscow. Em gái tôi, Thu Thanh đã sang Nga, học trường thể thao ở Moscow được 5 năm. Còn hai năm nữa mới hết khóa. Anh em gặp nhau giữa thủ đô nước Nga lại nghĩ tới cậu em trai tôi, Nguyễn Văn Bửu, đang học Khoa Vật lý ở Leningrad, hẹn sẽ có ngày cùng chụp ảnh trước Lăng Lênin.
Hai năm sau, tôi về nước. Nhớ lời cô giáo Ilesa dặn: “Anh phải học thêm tiếng Nga”, tôi nộp đơn xin học tiếp tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và đã nhận được bằng đại học ngôn ngữ Nga.
Sau khi bảo vệ xong luận án Phó tiến sĩ ở trong nước, năm 1986, tôi xin vào học chương trình cao đẳng tiếng Nga tại Viện Pushkin của Bộ Giáo dục Liên bang Nga tại Hà Nội. Gần 3 năm dùi mài kinh sử, tôi đã thi tốt nghiệp, nhận được chứng nhận trúng tuyển khoa cao đẳng tiếng Nga của viện.
Trở lại câu chuyện về cô giáo Ilesa. Cô là một đoàn viên “Komsomol”, tốt nghiệp lớp sư phạm đại học, biết tiếng Pháp nên cô tình nguyện sang Hà Nội, đem tiếng Nga gieo mầm trên đất Việt. Cô giáo là đoàn viên mà học trò toàn là đảng viên, hơn cô 9, 10 tuổi nên cô gọi chúng tôi là “đồng chí”. Do tôi cũng hiểu được chút ít tiếng Pháp nên đôi lúc tôi lại làm phiên dịch cho cô. Một hôm, đã đến giờ mà không thấy cô xuống lớp, tôi chạy lên hiệu bộ. Thấy tôi, cô gọi tới tấp:
- Con gì đứng trên đường đi thế?
- Con bò.
- Tôi sợ quá. Bây giờ đồng chí đi phía ngoài, tôi đi phía trong về lớp.
Mặt cô tái mét sợ hãi khi đi qua con bò. Hôm sau cô ốm, nghỉ dạy. Đại biểu lớp đến thăm cô, tặng hoa. Cô nói:
- Chiều tối qua có con rắn vào nhà, tôi sợ quá…
- Rắn à, dài bao nhiêu?
Cô tìm một cây bút chì, chỉ vào khoảng 5cm, nói:
- Bằng này, nó bò ngược trên trần và còn kêu.
Chúng tôi phì cười:
- Không phải rắn đâu. Tiếng Việt gọi là con thằn lằn. Ở trong miền Nam còn có con dài và to lắm.
- To bằng bao nhiêu?
- Bằng cánh tay người lớn.
Cô lấy chăn ôm mặt, che mắt, kêu lên: “Lạy chúa tôi”…
Hai năm học, cô trò đều hiểu được nhau, có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Nga. Chúng tôi rất mong tin tức về cô giáo Nga của mình. Sau này, cháu tôi học ở Khoa Ngôn ngữ, Đại học Moscow, rất nhiều lần lên Bộ Giáo dục Nga tìm địa chỉ của cô mà không được. Nhớ mãi lần chia tay cuối năm 1958, cô về nước, ở sân ga Hàng Cỏ, chúng tôi người tặng cô dầu con hổ, người thì tặng nón lá... Chúng tôi thưa với cô: “Nước Nga mãi trong trái tim chúng tôi”. Cô nắm chặt bàn tay chúng tôi và òa lên khóc!
TS NGUYỄN VĂN KHOAN