Điều đặc biệt là đồng đội trong câu chuyện của bà, chiến công không kém, hôm nay cũng hội ngộ. Đó là nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Thanh.
Nhân vật trong lệnh truy nã
Năm 1982, khi đang làm việc ở Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, bà Ngô Thị Huệ được Phòng Tình báo tặng món quà quý giá-một bức ảnh. Tấm ảnh này, anh em nói rằng tìm được trong phòng lưu trữ hồ sơ mà địch để lại với nội dung “lệnh truy nã nữ Việt cộng Ngô Thị Huệ, tên thường gọi là Minh Hiệp”. Sự kiện chính có lẽ tác giả bức ảnh muốn thông tin là việc quân cảnh giải những người cộng sản bị bắt qua phố phường mà vô tình có mặt nữ điệp viên địch đang truy lùng. Bà Huệ đem kỷ vật khoe với chú Nguyễn Cam, nguyên Phó ban An ninh Quảng Đà (nay đã mất). Ông nhìn chăm chú: “Đúng rồi, bộ áo dài trắng này mi mặc lần đi gặp chú trước Tết Mậu Thân. May mà mi không bị sao, chứ chúng nó bắt được thì không biết tình hình lúc đó thế nào nữa”.
Quê ở Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng, là con út của gia đình 8 anh chị em, Ngô Thị Huệ sinh ra đã khá đặc biệt. Mẹ cô đẻ rơi con bên một khu mộ lớn. Ba năm sau người mẹ mất, để lại cô gái bé hạt tiêu mà gan lỳ có tiếng, làm giao liên, dẫn đường cho cán bộ từ tuổi thiếu nhi. Nhà Huệ là nơi các đồng chí lãnh đạo huyện ủy đi về. Một lần các đồng chí đang họp thì địch càn, cô bé Huệ nhanh trí mở chuồng trâu cho xổng, kêu gào lên nhằm báo động. Cán bộ chạy thoát nhưng hai cha con Huệ bị địch bắt giam, tra tấn. Năm 1959, Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam. Nhà có 3 người con đi thoát ly nên gia đình Huệ bị xếp sổ đen. Bản thân cô bị chúng tình nghi chỉ điểm cho đồng đội diệt ác ôn. Chúng lại bắt hai cha con, đánh người cha đến mù mắt nhằm lung lạc tinh thần con gái. Nhưng ông vẫn bình tĩnh động viên, nhắn nhủ: “Con trâu trước đi trước, con trâu sau nhớ đó mà đi. Chịu đau mau về!”. Rời nhà tù với bao vết thương chưa lành, Huệ tiếp tục hoạt động diệt ác, trừ gian, xây dựng cơ sở cách mạng. Một lần nữa, cô lại bị bắt, bị đày đi hết nhà tù này đến nhà tù khác.
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Thị Huệ (phải) và nữ tù yêu nước Nguyễn Thị Thanh. (Ảnh: HÀ MY) |
“Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung…”, những ngón đòn tàn khốc đã cướp đi thiên chức làm mẹ của Huệ. Nhưng không khai thác được gì, địch phải thả cô. Từ đội công tác Đà Nẵng, Huệ chuyển làm điệp viên của Ban An ninh Quảng Đà, lấy bí danh Minh Hiệp, hoạt động hợp pháp, vừa trực tiếp vào ra nội thành móc nối cơ sở, khai thác tin tức vừa đào tạo mạng lưới điệp viên với hàng chục cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở trong hàng ngũ địch. Cô cải trang đủ các loại vai. Lúc dịu dàng với áo dài thướt tha, lúc nổi loạn cao bồi, phì phèo điếu thuốc trên tay. Hộp trang điểm, cặp kính râm, chiếc nón lá hay chiếc mũ nồi đôi lúc cũng là vũ khí (sau này đều được tặng lại cho bảo tàng). Vóc dáng nhỏ nhắn, nước da trắng bóc, giọng nói nhẹ nhàng cùng khả năng ứng biến thông minh giúp nữ điệp viên nhiều lần thoát chết trong gang tấc.
Chuyến đi trong tấm ảnh chính là lần Ngô Thị Huệ chiến đấu cân não nhất. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những ngày giáp Tết, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đặc khu ủy và Ban An ninh Quảng Đà đã vào nội thành Đà Nẵng nắm tình hình, chỉ đạo chiến dịch. Trưởng ban Võ Bá Huân giao nhiệm vụ cho Huệ đem tài liệu vào cho đồng chí Nguyễn Cam, Phó ban An ninh Quảng Đà, lúc này trong vai cố vấn cho Trần Đăng Sơn, trùm Quốc dân Đảng, trụ sở ở số 30 Nguyễn Du. Từ căn cứ, Huệ theo xe xuống bến Chợ Cồn rồi tìm chỗ thay bộ áo dài, đôi giày cao gót, xõa tóc, vai mang túi xách, lấy hộp phấn ra trang điểm cho đẹp đồng thời từ tấm kiếng, quan sát phía sau có đuôi nào bám theo. Dọc đường Ông Ích Khiêm, Huệ gặp tình huống bất ngờ. Đó là cảnh sát bắt được hai chiến sĩ cách mạng, trói quặt lại và giải về ty Gia Long. Đi song song với địch, Huệ tỏ ra duyên dáng để khỏi bị nghi ngờ. Chiếc túi đen từ trên vai chuyển xuống tay. Cô tính nếu căng quá thì tìm miệng cống nào đấy bỏ để phi tang tài liệu. May mà đến ngã ba, chúng đi hướng khác, còn Huệ tiếp tục đến trụ sở Quốc dân Đảng. Tên lính gác không cho Huệ vào. Cô vừa dùng mỹ nhân kế, vừa đút lót tiền mới có thể lọt vào được bên trong. Gặp đồng chí Nguyễn Cam, Huệ mời thuốc lá và trao điếu thuốc có tài liệu cho thủ trưởng. Ông khẽ truyền mệnh lệnh cho Huệ và đưa tờ báo đã được viết bằng mực hóa học trên đó. Ra về, Huệ xé tờ báo phía trên cho rách, mua kẹo bánh gói vào để địch không nghi ngờ. Cô đến nhà cơ sở khác thay quần áo, tìm đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy báo cáo tình hình, gặp mạng lưới điệp báo giao nhiệm vụ, sau đó mới về lại Gò Nổi. Chuyến xe trở về cũng nghẹt thở không kém, khi địch lục soát gắt gao, định thu tờ báo gói kẹo, Huệ phải khôn khéo mới giữ được. Đi từ sáng sớm, về lại căn cứ đã chạng vạng, sau quãng dài lội đồng, Huệ gần như lả đi trong tay chú Võ Bá Huân mà niềm vui cứ dâng trào.
Đầu năm 1969, trong một lần đưa cán bộ đi về, Nguyễn Thị Huệ bị thương do bom địch, mảnh kim loại còn trên đầu, được tổ chức đưa ra Bắc chữa trị. Hai anh trai và chị hy sinh, ba cũng mất vì vết thương tái phát, nỗi đau tinh thần cùng di chứng mảnh bom hành hạ làm Huệ liên tục lên cơn động kinh. Một lần, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đến Bệnh viện E thăm Huệ, đã xúc động nhận cô làm con nuôi.
Sau giải phóng, bà Ngô Thị Huệ trở về quê công tác rồi nghỉ hưu từ năm 1993 với quân hàm trung tá. Chồng bà, ông Trần Viết Trí cũng là cựu tù yêu nước, từng góa vợ. Không được làm mẹ, bà nuôi hai con trai của chồng nên người. Yêu quý, ngưỡng mộ “Bông hồng thép”, nhiều đồng đội và các đồng chí lãnh đạo công an thường xuyên đến thăm hỏi, tiếp thêm sức mạnh cho nữ anh hùng sống vui, khỏe ở tuổi 81.
Mối duyên nợ kỳ lạ
Chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai nữ cựu điệp báo an ninh, ít ai biết rằng họ có mối duyên nợ kỳ lạ.
Bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê, hiện ở K26/14 đường Duy Tân, TP Đà Nẵng. Quê xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), có ít chữ nghĩa nên khi quê hương đồng khởi (năm 1965), mới 15 tuổi, Thanh đã được các cô chú phân công dạy học cho các em trong làng. Về công tác ở Duy Châu, nữ điệp viên Ngô Thị Huệ chú ý ngay đến cô giáo nhỏ nhanh nhẹn, thông minh, chín chắn trước tuổi. Những lần ở lại nhà Thanh, Huệ rỉ rả kể cho cô bé nghe về cách mạng, những lần bị bắt của mình, truyền cho em tinh thần căm thù giặc. Trận thảm sát của địch ở quê, trong đó người anh trai bị thương càng khắc sâu trong lòng Thanh quyết tâm đi theo chị Huệ, trả thù cho đồng bào mình. Hoạt động hợp pháp, cô gái chịu bao lời dị nghị của người làng, có kẻ gọi cô là “chiêu hồi”. Chị Huệ chỉ cho Thanh (lúc này tên Thanh Tâm) nghiệp vụ điệp báo, đưa cô lên căn cứ huấn luyện sử dụng các loại vũ khí. Thanh được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi. Chuẩn bị cho Xuân Mậu Thân 1968, cô liên tục ra vào Đà Nẵng may băng, cờ, móc nối cơ sở, chuẩn bị chỗ ở cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy chỉ đạo chiến dịch. Chị Ngô Thị Huệ khi đến kiểm tra và giao nhiệm vụ cho Thanh trong chuyến đi trước Tết lần ấy, tỏ ra rất hài lòng.
    |
 |
Nữ điệp viên Ngô Thị Huệ trong bức ảnh chính quyền Sài Gòn lưu giữ năm 1968. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chiều 16-3-1969, khoác chiếc áo ba-đờ-xuy dài, Thanh tiếp cận mục tiêu sau nhiều ngày theo dõi lịch trình của tên này. Khi rút súng tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng, Thanh không may bị địch phát hiện tại trận. Nhanh trí bỏ khẩu súng lục vào nồi bún của một quán ăn bên đường để phi tang, cô vẫn bị địch bao vây và bắt ngay sau đó.
Chuỗi những ngày bị tra tấn dã man từ quân trấn, ty Gia Long, trại giam kho đạn, Thanh vẫn một mực cho rằng mình vì chứng kiến địch tàn sát gia đình, quê hương mà đi trả thù chứ không nghe theo ai cả. Các cơ sở nơi Thanh móc nối liên lạc nhanh chóng tạm lánh đi, theo dõi mức chịu đựng của cô gái trẻ. Những lúc thân thể rách nát tơi bời, cô gái luôn nghĩ đến người thủ trưởng cũng là người chị tinh thần của mình. Học tấm gương bất khuất của chị, Thanh khai với địch tên mình là Nguyễn Thị Như Huệ để làm động lực chiến đấu. Địch lập tòa án, xử công khai ở trung tâm thành phố. Giữa phiên tòa, mặc cho người nữ luật sư cố bênh vực, Thanh vẫn bình tĩnh nhận tội tiêu diệt tên ác ôn đã gây tội ác cho đồng bào mình. Chúng tuyên án cô 20 năm. Thanh không nao núng: “20 năm hay 30 năm đi nữa cũng thế. Tôi còn trẻ, ra tù vẫn còn tiếp tục hoạt động cách mạng được. Mà tôi tin bản án này nhường cho các ông thôi, tôi chỉ ở vài năm là cùng”. Bà con dưới này vỗ tay rầm rầm, còn địch cay cú: “Cho mày nằm xà lim rục xương”. Bị đày ra chuồng cọp Côn Đảo, Nguyễn Thị Thanh bị giam cùng chị Võ Thị Thắng (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và chị Trương Mỹ Hoa (sau này là Phó chủ tịch nước). 5 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Thị Thanh được ra tù. Từ miền Bắc về, Ngô Thị Huệ vội vã đi tìm cô gái Duy Châu. Nhưng cái tên Như Huệ làm bà mất phương hướng, cho đến khi cô em đến cơ quan công an tìm bà. Hai chị em ôm chầm lấy nhau trong nước mắt.
“Thanh à, lâu nay nghe chuyện của em, giờ mới biết kỹ hơn. Em anh hùng hơn chị. Vì chị cũng bị bắt, nhưng chưa đấu lý thông minh, can trường trước tòa án như em. Tiếc là em không được theo tiếp ngành công an. Nhưng chị luôn tự hào ngày đó đã phát hiện ra em”.
Hai nữ cựu điệp báo lại xúc động nắm tay nhau. 45 năm nay, bà Thanh luôn đồng hành cùng người chị tinh thần. Bản thân bà cũng không ngừng nỗ lực, tự học vươn lên, tích cực tham gia công tác xã hội. Tuổi 70 mà trông bà lúc nào cũng trẻ khỏe, như chưa hề bị những tra tấn man rợ trong nhà tù đế quốc.
HỒNG VÂN