QĐND - Trong bảng vàng truyền thống của lực lượng Đặc công Rừng Sác có một trang kinh điển được viết vào ngày 23-8-1966. Con tàu vận tải quân sự tải trọng 10.000 tấn, niềm tự hào số một của Hải quân Mỹ ở chiến trường sông nước Nam Bộ, mang tên Baton Rouge Victory (Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri), đã bị đánh chìm trên sông Ngã Bảy bởi hai quả thủy lôi.
45 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận đánh tạo bước ngoặt lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên trong các chiến sĩ biệt đội đánh tàu chiến Mỹ ngày ấy.
 |
Ông Nguyễn Hữu Minh (trái) và ông Hứa Trường Tồn đang xem các tư liệu về Đặc công Rừng Sác.
|
Nhiệm vụ tối mật và những người còn lại
Hiện người đang lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng về sự kiện này là Cựu chiến binh Hứa Trường Tồn, ngụ phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Là người hoạt động trong Hội Cựu chiến binh địa phương, ông Tồn đã dành tâm huyết đi tìm hiểu, gặp gỡ nhân chứng, ghi lại chi tiết trận đánh lịch sử ấy. “Đây là một trận đánh mang tính kinh điển của Đặc công Rừng Sác, góp phần tạo bước ngoặt lớn trong việc thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác nên đã sưu tầm tư liệu, ghi chép lại cụ thể sự kiện này để bổ sung tư liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Làm được gì để góp phần tôn vinh công lao to lớn của các thế hệ đồng chí đi trước là tôi sẵn sàng - Ông Tồn chia sẻ.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Tồn, chúng tôi đã tìm gặp được hai nhân chứng lịch sử, những người đã làm nên trận đánh kinh điển ấy. Đó là ông Hồ Xuân Cảnh, nguyên cán bộ phụ trách trinh sát kỹ thuật và ông Nguyễn Hữu Minh, nguyên chiến sĩ trinh sát Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Ông Minh hiện sống với con cháu tại quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Nhớ lại trận đánh 45 năm trước, ông Minh nói:
- Người có công lớn trong trận đánh này chính là đồng chí Hồ Xuân Cảnh. Đồng chí ấy là người sáng tạo, đề xuất cách đánh và trực tiếp đi trinh sát, làm các thể nghiệm cách đánh tàu bằng thủy lôi từ cuối tháng 4-1966. Đến giữa tháng 7 tôi mới được cấp trên tăng cường cho lực lượng trinh sát. Các đồng chí trong tổ trinh sát ngày ấy nay đã qua đời, chỉ còn lại đồng chí Cảnh và tôi. Nhưng bây giờ chúng tôi cũng đã già yếu lắm rồi.
Ông Hồ Xuân Cảnh hiện cư ngụ tại xã Thành An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Dù sức khỏe đã yếu, lại đang mắc nhiều căn bệnh nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi về trận đánh lịch sử ấy, ông vẫn nhớ như in hoàn cảnh chiến sự lúc bấy giờ. Ông kể:
- Trước các trận đánh thần tốc, táo bạo của lực lượng Đặc công Rừng Sác gây cho địch nhiều thiệt hại, quân đội Mỹ ráo riết tăng cường lực lượng, vũ khí phương tiện quân sự để mở các cuộc càn quét. Năm 1966, quân đội Mỹ đưa vào địa bàn sông nước Đông Nam Bộ một số tàu quân sự tải trọng lớn, trong đó tiêu biểu nhất là tàu vận tải quân sự Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri. Với sự tham gia của phương tiện vận tải đường thủy khổng lồ này, địch đã tăng cường vận chuyển lực lượng, vũ khí, phương tiện qua sông Ngã Bảy với mục tiêu đè bẹp lực lượng của ta ở Rừng Sác. Nhiệm vụ đánh tàu Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri đặt ra yêu cầu cấp bách, nặng nề cho Đặc công Rừng Sác. Khó khăn nhất cho chúng ta lúc này là các loại vũ khí hiện có không đủ khả năng để tiêu diệt loại mục tiêu “khủng” này. Trước tình hình đó, cấp trên đã quyết định tăng cường cho Đặc công Rừng Sác 2 trong số 4 quả thủy lôi KB do Liên Xô chế tạo, được các chuyến Tàu không số bí mật đưa từ miền Bắc vào. Kế hoạch đánh tàu Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri được lập chi tiết và ráo riết chuẩn bị trong vòng 3 tháng trời”.
Trước khi được điều về Đặc công Rừng Sác, Hồ Xuân Cảnh đã có thời gian được đào tạo bài bản về kỹ thuật đánh thủy lôi ở Trường Sĩ quan Hải quân. Khi tiếp nhận hai quả thủy lôi, trọng lượng 1.075kg/quả, lực lượng đánh tàu do đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Đoàn trưởng Đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác trực tiếp chỉ huy, đã mất nhiều đêm chụm đầu bàn bạc cách đánh. Yêu cầu đặt ra là không được phép thất bại, bởi đây là loại vũ khí “độc” nhất mà chúng ta có được. Cách đánh thủy lôi theo kỹ thuật của Liên Xô là phải có tàu vận chuyển lớn, sử dụng cần cẩu để thả thủy lôi. Với điều kiện lúc bấy giờ, chúng ta không thể có phương tiện để thực hiện theo cách đó. Một phương án được đưa ra là sang Long An bí mật đóng tàu sắt để vận chuyển thuỷ lôi, sau đó sẽ thả bằng kỹ thuật đường ray giống như cách hạ thủy tàu. Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được, bởi chúng ta không thể bảo đảm bí mật khi phải cơ động chiếc tàu sắt trên một quãng đường quá dài trong tầm kiểm soát cực kỳ gắt gao của địch. Cuối cùng, phương án do Hồ Xuân Cảnh đề xuất đã được chấp thuận. Theo đó, việc vận chuyển thủy lôi sẽ được thực hiện bằng ghe gỗ loại nhỏ, được ngụy trang khéo léo giống như ngư dân đi buôn bán đường sông. Mỗi ghe chở một quả. Khi đến địa điểm thả đã được trinh sát xác định trước, sẽ nhận chìm ghe để thả thủy lôi.
Ròng rã hàng tháng trời, Hồ Xuân Cảnh với sự trợ giúp đắc lực của đồng chí Mạnh, dân quân du kích địa phương, cùng một số chiến sĩ trinh sát khác, đã bí mật lặn ngụp trên các tuyến sông xác định vị trí thả thủy lôi. Ông Cảnh nhớ lại:
Chúng tôi chọn vị trí thả thủy lôi nằm ở khúc cua tay áo ở đoạn sông Ngã Bảy tiếp giáp với nhánh sông Lòng Tàu. Đây là đoạn sông tương đối sâu. Khi chạy đến đoạn này, tàu chiến lớn của địch buộc phải giảm tốc độ, dạt ra để nới rộng vòng cua, khả năng dính thủy lôi sẽ cao hơn. Sau nhiều lần áp dụng các kỹ thuật trinh sát để đo mớn nước, chúng tôi xác định, mớn nước của tàu Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri chìm dưới mặt nước dao động trong khoảng 10m. Như vậy, thủy lôi sẽ được thả cách mặt nước khoảng 8m. Ở khoảng cách này, nếu tàu nhỏ đi qua sẽ không bị vướng.
Để bảo đảm chắc ăn, Hồ Xuân Cảnh và đồng đội đã 3 lần làm bè tàu dừa thả thể nghiệm. Kết quả cho thấy, các loại tàu nhỏ chạy qua không bị vướng nhưng khi tàu Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri chạy qua thì dây néo tàu dừa bị đứt, bè nổi lên.
Mọi việc đã sẵn sàng. 20 giờ ngày 22-8, đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn hạ lệnh xuất phát thả thủy lôi. Lực lượng trực tiếp tham gia khoảng 20 đồng chí. Đoàn 10 Đặc công đã bố trí lực lượng hỗ trợ gồm các trận địa ĐKZ, 12,7mm và khoảng một đại đội bộ binh tăng cường, bí mật cơ động xây dựng trận địa hai bên bờ sông để bảo vệ việc thả thủy lôi. Chỉ sau khoảng 15 phút, việc thả thủy lôi hoàn thành.
 |
Ông Hồ Xuân Cảnh hôm nay.
|
Tiếng nổ chấn động cả Lầu Năm Góc
Ông Nguyễn Hữu Minh nhớ lại khoảnh khắc lúc đó:
- Sau khi thả thủy lôi xong, chúng tôi được lệnh rút lên bờ. Từ công sự chỉ huy cách bờ sông Lòng Tàu có mấy thước, Thủ trưởng Nguyễn Hoàng Sơn lệnh cho anh em vào vị trí chiến đấu. Chúng tôi căng mắt nhìn ra lòng sông, nín thở chờ đợi. Rạng sáng 23-8, trên sông bắt đầu xuất hiện các tàu tuần tiễu, tàu rà, phá lôi hoạt động. Tiếp đó là vài chuyến tàu tải trọng từ 2000 đến 5000 tấn từ sông Ngã Bảy chạy về hướng Sài Gòn. Đúng như tính toán, những con tàu này lần lượt lướt qua mặt sông, không ảnh hưởng gì đến hai quả thủy lôi đang giương sừng (mỗi quả có 5 cái sừng có tác dụng như là ngòi nổ nên thủy lôi này còn được gọi là thủy lôi sừng) chờ đợi mục tiêu. Khoảng 7 giờ sáng, xuất hiện 2 máy bay trinh sát của địch quần thảo. Tiếp đó là một bầy trực thăng hơn chục chiếc bay vè vè, bắn đạn như vãi xuống các cánh rừng ven bờ. Rồi hai chiếc tàu chiến xuất hiện chạy ép vào hai bên bờ sông, chạy qua ngay trước trận địa bí mật của ta. Những nòng súng, pháo trên hai chiếc tàu này quay qua quay lại liên tục để tìm mục tiêu. Chúng tôi biết, bọn chúng đang dọn đường cho con tàu khổng lồ . Và rồi mục tiêu cũng xuất hiện. Con tàu tải trọng 10.000 tấn lừng lững tiến vào. Đến khúc cua tay áo, nó giảm tốc, mũi tàu nghếch về hướng sông Lòng Tàu. Thân tàu hiện ra choán hết cả một khúc sông. Chúng tôi vừa thấy dòng chữ trắng Baton Rouge Victory hiện lên trên thân tàu thì bỗng hai tiếng nổ vang lên, làm rung chuyển cả dòng sông và những cánh rừng. Chúng tôi có cảm giác như bị nhấc bổng khỏi trận địa. Đất dưới chân như nhão ra, ngỡ như một trận động đất kinh hoàng đang diễn ra. Trong nháy mắt, nước từ lòng sông tràn lên dựng đứng như hai bức tường khổng lồ rồi đổ ập xuống làm ngập lênh láng những cánh rừng hai bên bờ. Lòng sông như trơ đáy tạo thành một cái hố khổng lồ “nuốt chửng” con tàu mù mịt khói lửa. Trong chốc lát, con tàu vỡ nát chìm sâu dưới đáy sông, chỉ còn nhô lên khỏi mặt nước lá cờ Mỹ ám khói.
Ông Hồ Xuân Cảnh cho biết: Thời khắc lịch sử ấy xảy ra lúc 8 giờ 8 phút ngày 23-8-1966 (không phải 8 giờ 15 phút như một số tài liệu đã in).
Ngay sau tiếng nổ long trời lở đất ấy, địch điên cuồng cho trực thăng đổ quân và điều các tàu chiến, tàu tuần tiễu truy quét. Lực lượng Đặc công Rừng Sác đã chiến đấu ngoan cường, làm tê liệt tuyến vận tải đường thủy của Mỹ trên sông Lòng Tàu.
Trận đánh đã giáng một đòn chí mạng vào hệ thống vũ khí, phương tiện quân sự tối tân của Mỹ, gây chấn động cả Lầu Năm Góc.
Trong một trận chiến đấu sau đó, Nguyễn Hữu Minh bị địch bắt. Chúng trói ông, đánh đập đến bất tỉnh rồi vứt đầu mũi tàu. Trong lúc con tàu đang chạy về căn cứ của địch thì trời đổ mưa. Cơn mưa đã làm ông Minh tỉnh lại. Ông lăn xuống sông bơi vào bờ trốn thoát. Ít tháng sau đó, ông Minh bị bắt lần hai và bị đưa ra biệt giam ở Phú Quốc. Năm 1971, gia đình nhận được giấy báo tử ông Minh. Năm 1972, ông Minh cùng đồng đội đào hầm vượt ngục, tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.
Theo các tài liệu đã công bố, trên chiếc tàu bị đánh chìm ấy có 45 lính thủy, 100 xe thiết giáp M113 cùng 3 chiếc máy bay phản lực còn nguyên trong hòm bảo quản và một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, đủ nuôi cả một sư đoàn Mỹ. Tất cả đều bị vùi xác xuống đáy sông. Một thời gian sau, quân đội Mỹ đã trục vớt xác tàu.
Nhiều tài liệu lịch sử ghi rằng, địa điểm con tàu Ba-tông Ru-giơ Vích-to-ri bị đánh chìm nằm trên sông Lòng Tàu. Tuy nhiên, theo ông Hồ Xuân Cảnh, vị trí thả thủy lôi nằm ở đoạn sông giao nhau giữa sông Ngã Bảy và sông Lòng Tàu, nhưng vị trí con tàu chìm thì nằm hoàn toàn bên phần sông Ngã Bảy.
|
Bài, ảnh: Phan Tùng Sơn