QĐND - Sau ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), Sư đoàn 470 của Đoàn 559 chúng tôi có vinh dự được đón nhà thơ Tố Hữu-lúc bấy giờ là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương-đang trên đường vào chiến trường để phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Cánh lính trẻ chúng tôi lần đầu được diện kiến nhà thơ, được nghe ông nói chuyện và đọc thơ là một vinh dự trong đời. Tôi có may mắn được tháp tùng phục vụ Đại tá, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lang trong buổi làm việc với đồng chí Tố Hữu và đoàn công tác. Ngay từ tối hôm trước, tôi được đồng chí Đoàn Chất trưởng ban, giao nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ số liệu, sơ đồ tác chiến và thuyết trình tình hình diễn biến đánh phá của máy bay địch trong tuần qua trên tuyến đường Trường Sơn Đông đi Bù Gia Mập (Tây Ninh) trong buổi giao ban “đặc biệt” vào sáng hôm sau. Tôi khẩn trương bắt tay ngay vào công việc, với tâm trạng hồ hởi, phấn chấn sắp được gặp nhà thơ tài ba mà mình đã từng ngưỡng mộ.

Nhà thơ Tố Hữu (bên phải) trên đường vào miền Nam. Ảnh tư liệu

Sau buổi giao ban, nhà thơ Tố Hữu dành nhiều thời gian giới thiệu tóm tắt tinh thần nghị quyết và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn. Hội trường lớn chật ních người, ai cũng háo hức, tò mò chờ đợi giây phút gặp mặt nhà thơ của “Từ ấy”, “Việt Bắc” và “Gió lộng”, với những bài thơ nổi tiếng, từng được học thuộc lòng trên ghế nhà trường như “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Sáng tháng Năm”, “Chào Xuân 61” hay “Bầm ơi”, “Mẹ Tơm”… Nhà thơ xuất hiện trước cử tọa trong bộ đồ thường phục vừa lịch lãm vừa giản dị. Ông phổ biến nghị quyết mà cứ như nói chuyện tâm tình bằng giọng Huế thân thương, nghe dịu dàng đến lạ thường, cả hội trường đều lặng phắc không một tiếng động. Đến giờ giải lao, nhà thơ Tố Hữu vui vẻ chuyện trò thân mật với mọi người, cùng Tư lệnh tản bộ ngắm cảnh trong khuôn viên. Tuy ở rừng nhưng khu nhà được các chiến sĩ công binh khéo tay thiết kế xây dựng khá đẹp, ẩn dưới những tán cây xum xuê của rừng già Trường Sơn. Các dò phong lan đủ loại màu sắc treo lủng lẳng trên giàn, mấy con chim, thú nhốt trong những chiếc lồng xinh xinh, nhảy hót líu lo chào khách.

Tư lệnh tóc bạc trắng như cước, vận đồ bà ba dã chiến bên cạnh nhà thơ dáng vẻ thư sinh, nho nhã vừa đi vừa giới thiệu, giảng giải như một nhà sinh vật cảnh. Nhà thơ thích thú dừng lại trước một chú gấu con chưa đầy một tuổi đang bị nhốt trong cũi sắt, Tư lệnh mở nắp cũi bắt gấu trao cho nhà thơ ẵm vào lòng, chú gấu ngoan ngoãn hít ngửi khắp người nhà thơ như một chú cún con. Thấy vậy, Tư lệnh liền vui vẻ nói:

- Tôi tặng anh mang về Hà Nội đấy!

- Cảm ơn anh, tôi sẽ gửi nó vào vườn Bách Thảo nhờ anh em nuôi hộ.

Rồi ông ứng tác luôn bài thơ 4 câu tặng lại Tư lệnh, có nhan đề: “Tư lệnh gấu”. Lâu ngày tôi không còn nhớ hết, nhưng đại ý là “đánh giặc hung như gấu, đời thường sống như tiên”, làm mọi người cười vang, tán thưởng. Không khí hòa đồng vui vẻ hẳn lên, ranh giới giữa cán bộ cao cấp của Đảng với người lính chiến trường như không còn khoảng cách. Tư lệnh nhắc khéo ông đọc bài thơ “Làm bí thư hoài có bí thơ?”. Nhà thơ cười vui và giải thích lý do tại sao ra đời bài thơ “tự họa” đó, rồi ông nói nhiều về thơ ca chống Mỹ, ghi nhận lớp tác giả trẻ vừa mới có thơ được giải như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu… Ông tâm sự: “Đã lâu, tôi mới có chuyến hành hương xuyên Việt trên tuyến hành lang đông tây của đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đi đến đâu, cảnh và người cũng làm tôi xúc động, gây nhiều cảm hứng về sáng tác. Sau chuyến đi này về thể nào tôi cũng có thơ về Trường Sơn, về nước non ngàn dặm của Tổ quốc mình!”.

Sau đó không lâu, bước vào chiến dịch mùa khô 1973-1974, trong những chuyến hàng ùn ùn chuyển ra mặt trận, chúng tôi đã nhận được bài thơ dài “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu in trên giấy khổ nhỏ, bằng cuốn sổ tay rất tiện cho lính ta bỏ túi. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc, chép và nhanh chóng thuộc lòng bài thơ. Bài thơ đã chuyển tải được tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị, tiên đoán được khát vọng của dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những câu thơ đậm nét về Trường Sơn nghe thật xúc động, đáng yêu và khí thế “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”; “Những chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”… Và chỉ sau hai năm ngày nhà thơ vào chiến trường, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, “nước non ngàn dặm” của ta đã thu về một mối.

Sau này, khi vào trường đại học, tôi có dịp được học tập và nghiên cứu một cách đầy đủ về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn chương của ông trong giáo trình “Văn học Việt Nam hiện đại”. Rồi được đọc những tập thơ ông xuất bản trong thời gian đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng CNXH như “Ra trận”, “Máu và hoa” và nhất là những bài viết trong quãng thời gian cuối đời in trong tập “Một tiếng đờn”, chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự riêng chung của nhà thơ về nhân tình, thế thái. Tôi càng kính phục và thấu hiểu thêm về những nhận định, đánh giá về ông, vừa là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, vừa là nhà thơ lớn của cách mạng, như ông từng tâm sự: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ!”.

Đã gần 4 thập kỷ trôi qua, cả nhà thơ và Tư lệnh nay đã thành người thiên cổ. Lớp lính trẻ Trường Sơn ngày ấy bây giờ cũng đã bước vào tuổi lục tuần. Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa ở chiến trường Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh xưa nay đã thành đại lộ. Xin ghi lại câu chuyện nhỏ, vẫn còn âm vang mãi trong tâm khảm một cựu chiến binh quê xứ Nghệ.

Lê Lân