Mũi tiến công cánh Tây Nam thành phố Huế chúng tôi nổ súng mở màn chiến dịch vào Giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Cuộc chiến đấu phát triển thuận lợi, đến 8 giờ sáng ngày Mồng Một, các mũi đã chiếm lĩnh được hầu hết các mục tiêu trọng yếu được giao như Tòa tỉnh trưởng, Ty bình định nông thôn, các cơ quan CIA và nơi ở của cố vấn Mỹ đóng trên địa bàn. Nhưng những ngày chiến đấu tiếp theo, mục tiêu quan trọng là nhà lao Thừa Phủ, nơi địch giam giữ 2.300 đồng chí, đồng đội vẫn chưa được giải quyết, tính mạng cán bộ, chiến sĩ cách mạng đang treo đầu sợi tóc. Anh Bảy Khiêm (Nguyễn Đình Bảy), Phó trưởng ban An ninh khu Trị Thiên-Huế (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Giám đốc Sở Công an Bình Trị Thiên) trực tiếp chỉ huy mũi tiến công Tây Nam Huế lo âu, day dứt nói với chúng tôi: “Chưa giải phóng lao Thừa Phủ xem như chúng ta chưa vào Huế…”.
|
|
Nhà văn Đặng Đình Loan (ngoài cùng, bên phải) cùng tổ chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở thành phố Huế. Ảnh tư liệu |
Năm 1899, người Pháp lấy một phần khu đất của trại thủy sư triều Nguyễn làm trại giam của phủ Thừa Thiên, cái tên Thừa Phủ bắt đầu từ đó. Dưới chính quyền thực dân Pháp đến chế độ Sài Gòn tay sai đế quốc Mỹ, Thừa Phủ trở thành “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm, tra tấn dã man nhiều thế hệ người hoạt động cách mạng, thanh niên, trí thức yêu nước, trong đó có các nhà cách mạng điển hình như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, Phó thủ tướng Hoàng Anh…
Tối mồng 4 Tết, anh Bảy Khiêm triệu tập một cuộc họp khẩn gồm những cán bộ chủ chốt tại trường Đồng Khánh, giáp với nhà lao Thừa Phủ. Giữa sân trường gió lạnh, sau khi nghe đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ lực trình bày nguyên nhân vì sao tiến công nhà lao không đạt yêu cầu, anh Bảy Khiêm nói:
- Mấy ngày qua chúng ta mới đánh bằng quân sự mà chưa vận dụng đầy đủ phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công. Bây giờ, chúng ta cần triển khai tiến công chính trị, binh vận vào nhà lao, thống nhất 3 giờ sáng ngày mai tập kết tại vị trí đã định để chờ lệnh tiến công…
Sau đó, anh gọi tôi lên, nói:
- Loan ơi, Đảng ủy giao nhiệm vụ cho cậu cùng tham gia giải phóng nhà lao, cậu có làm được không?
Tôi đáp:
- Báo cáo anh, Đảng giao nhiệm vụ dù có hy sinh tôi vẫn sẵn sàng.
Tôi cùng anh em bắc một cái loa trên nóc trường Đồng Khánh chĩa sang hướng nhà lao Thừa Phủ thông báo tin chiến thắng của cách mạng trong toàn miền, tuyên truyền chính sách nhân đạo của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi anh em binh lính bỏ súng về với nhân dân, đồng thời động viên anh chị em đang bị địch giam giữ siết chặt hàng ngũ chờ thời cơ đứng lên phá gông cùm tự giải phóng cho mình… Tôi nói xong, vừa bước xuống thì nghe một tiếng xoẹt của một quả M79. Tôi lăn mình nép dưới cầu thang thì quả đạn nổ ngay chỗ tôi vừa đứng ban nãy.
Sau đó, tôi tìm gặp chị Đại, một cơ sở của ta mà tôi từng quen biết. Chị là vợ của một cơ sở nội tuyến ta gài được ở trong nhà lao. Khi chúng tôi đang bàn bạc thì anh Bảy Khiêm và anh Nguyễn Phúc Thanh, Đại đội trưởng Đại đội 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đến (anh Nguyễn Phúc Thanh sau này là Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ tịch Quốc hội). Chị Đại cho biết: Nhà lao có 24 phòng thì phòng nào bọn cai tù cũng gắn mìn Claymore. Nếu có động tĩnh gì, chúng ấn nút một cái là xóa sổ hết 2.300 tù nhân. Tình hình rất gay go, căng thẳng. Tôi nói với chị Đại gọi chồng chị ra. Anh Đại ra gặp chúng tôi, hướng dẫn tỉ mỉ sơ đồ bố trí của hệ thống mìn Claymore và dẫn một tổ công binh theo đường ống nước ngầm vào vô hiệu hóa chúng, còn chị Đại tiếp tục đến vọng gác vận động bọn lính đầu hàng.
Đúng 3 giờ sáng Mồng 5 Tết (tức ngày 4-2-1968), sau khi có 3 phát súng hiệu lệnh, đơn vị của anh Nguyễn Phúc Thanh và các đơn vị ào vào nhà tù, kết hợp với tổ công binh từ trong tiến công. Anh em tù nhân đạp cửa xông ra. Chỉ chưa đầy 30 phút, nhà lao Thừa Phủ được giải phóng mà không một ai thương vong. Mọi người ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi không nói nên lời. Hôm đó, trong những tù nhân cách mạng, tôi gặp lại những khuôn mặt thân thiết, những người bác, người chú, người anh, đồng đội với ba tôi. Niềm xúc động trào dâng cho đến bây giờ, đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi.
Sau đó, các đồng chí tù chính trị được tập trung thành đội ngũ, khoảng 5 giờ sáng lặng lẽ rút về chùa Từ Đàm. Tại đây, các đồng chí được cung cấp quần áo, thuốc men, lương thực, thực phẩm. Một số tù nhân đau yếu được đưa lên núi chăm sóc. Có khoảng 500 người được bổ sung cho bộ đội chủ lực, công an tiếp tục cuộc chiến đấu trên đường phố, nhiều người đã hy sinh anh dũng trong 25 ngày đêm bảo vệ và làm chủ thành phố Huế, hàng nghìn người tiếp tục xông pha, chiến đấu, hy sinh và cống hiến cho quê hương, đất nước.
ĐẶNG ĐÌNH LOAN