Đầu tháng 1-1968, Tiểu đoàn 11 (Trung đoàn Pháo binh 158, Sư đoàn 316) trang bị hỏa tiễn 122mm (ĐKB) hành quân về khu vực Nậm Bạc (tỉnh Luang Prabang, Lào). Chiều 11-1-1968, mệnh lệnh chiến đấu của trên truyền tới: “Đại đội 1 chuẩn bị đủ cơ số đạn vào chiếm lĩnh trận địa bắn”. Nhận lệnh, cả đại đội gấp rút lên đường. Tiểu đội trinh sát bám sát chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Sào và Chính trị viên tiểu đoàn Phú luôn dẫn đầu đoàn quân. Đây là trận đầu chúng tôi dùng hỏa tiễn 122mm trên chiến trường Lào. Thông thường trước khi vào trận đánh, chúng tôi là lính trinh sát đo đạc phải được cung cấp bản đồ địa hình, được phổ biến tình hình địch, ta và tự đo đạc xác định tọa độ trận địa bắn, tọa độ đài quan sát và mục tiêu cần bắn phá, chi viện. Lần này vào trận, cả đại đội chúng tôi khiêng pháo, đạn, khí tài theo chỉ huy tiểu đoàn hành tiến.
Quá trình hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, chúng tôi không thấy địch có bất cứ hoạt động nào. Bầu trời vẫn yên tĩnh không có tiếng máy bay gầm rú, chỉ nghe thấy tiếng súng lớn phía trước vọng về. Phía ấy là Mường Ngòi, nơi có lực lượng tác chiến người Thái Lan và lính ngụy Lào đang lấn chiếm. Mường Ngòi cũng là mục tiêu chúng tôi bắn phá để bộ binh đánh chiếm. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trên đường hành quân, đại đội phân công canh gác, cảnh giới. Ngoài bộ phận chuẩn bị cơm chiều, số còn lại mắc tăng võng ngủ nghỉ lấy sức, để đêm hành quân tiếp. Đúng 1 giờ, cả đại đội tiếp tục hành quân bí mật. Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung căn dặn tôi: “Phần tử bắn đã có, khi chiếm lĩnh trận địa, phải nhanh chóng lấy hướng chuẩn cho các khẩu đội và tính lượng sửa khí tượng chuẩn xác”.
Trong tiểu đội trinh sát của tôi có hai bộ phận quan trọng, gồm: Trinh sát viên triển khai máy lấy hướng chuẩn cho pháo và kế toán viên tính toán lượng sửa mặt đất, lượng sửa đường đạn cho phần tử bắn. Từ giờ phút ấy, tôi luôn theo sát Hoàng Gia-trinh sát viên giữ máy phương hướng bàn và Vương Hùng-kế toán viên giữ máy đo gió, áp suất, nhiệt độ. Được cái, hai đồng đội của tôi sức khỏe rất tốt, có kinh nghiệm đi rừng, núi.
Phía đông đã hửng sáng, đoàn quân mang vác nặng vẫn đang được nhắc nhở tăng tốc. Nặng nhọc nhất vẫn là cánh pháo thủ mang vác pháo, đạn. Tính ra cũng đã hơn 10 giờ đồng hồ mang vác nặng nhọc mà không có người thay thế. Hai người mang vác một quả đạn 50kg, 4 người khiêng nòng và bệ chân pháo. Vậy mà không một lời kêu ca, mọi người đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Trời đã sáng rõ, chúng tôi-bộ phận đi đầu của đại đội cùng với Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung đuổi kịp nhóm của Tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Sào ở một đỉnh đồi lúp xúp cây non, là nơi đặt trận địa bắn. Nhận phần tử bắn và vị trí đặt pháo từ tiểu đoàn trưởng, chúng tôi mắc máy phương hướng bàn, máy đo gió, cũng là lúc các khẩu đội chiếm lĩnh vị trí. Đồng hồ chỉ đúng 7 giờ ngày 12-1-1968. Trinh sát viên Hoàng Gia nhanh chóng đọc phần tử cho các khẩu đội lấy hướng chuẩn. Kế toán viên Vương Hùng cung cấp các dữ liệu ở máy đo tốc độ, góc phương vị, hướng gió, áp suất không khí, nhiệt độ... để tôi tính lượng sửa mặt đất và lượng sửa đường đạn để sửa bắn. 15 phút sau, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Giờ “G” đến, trận địa pháo đồng loạt bắn. Chúng tôi được thông báo: “Đạn nổ tốt, trúng mục tiêu”.
Sau nhiều giờ hành quân, mang vác nặng, đi từ khu vực Nậm Bạc vượt qua gần 100km đường núi, đại đội chúng tôi đã tới được khu vực tập kết, triển khai trận địa pháo, tiến hành tập kích hỏa lực, giội bão lửa tiêu diệt sở chỉ huy dã chiến và trận địa pháo của địch ở Mường Ngòi. Lần đầu tiên, đơn vị chúng tôi dùng hỏa tiễn tiến công địch, khiến chúng hoang mang lo sợ. Còn chúng tôi, những người lính pháo binh “chân đồng vai sắt”, Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Lào, luôn tự hào về những chiến công, dù phải vượt qua chặng đường đầy khó khăn, gian khổ...
NGUYỄN KIM CHÚC