Năm 1965, tôi là Trung sĩ, Tiểu đội phó một tiểu đội của Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33, Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đơn vị tôi sau khi tham gia Chiến dịch Plei Me (Tây Nguyên) thì về vị trí đóng quân mới. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Ngọ 1966, đơn vị cử một số cán bộ, chiến sĩ xuống đồng bằng để mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ Tết.
Chiều Ba mươi Tết, chưa thấy anh em về, chúng tôi ở đơn vị nóng ruột, đi đi lại lại chờ liên lạc của Tiểu đoàn xuống báo nhưng vẫn không có tin tức gì. Nếu lương thực, thực phẩm chưa về kịp, chiều nay, bộ phận nuôi quân chỉ còn ít gạo nấu cháo... với muối.
Tôi nói với đồng chí Hà Đắc Di, người cùng tiểu đội, cùng quê Hà Tây (nay là Hà Nội): “Tôi vào rừng xem kiếm được cái gì về cho anh em Trung đội mình cải thiện, đón Tết”.
Trên đường, gặp được vạt rau tàu bay mọc xen vào đám cây dại, tôi hái về cho anh nuôi luộc rau, bổ sung bữa ăn chiều. Lát sau, tôi lại kiếm được một con chim gáy. Trời đã xâm xẩm, sợ tối dễ lạc đường, tôi vừa đi vừa chạy về nơi trú quân. Về tới đơn vị thì trời tối hẳn. Tôi đưa nắm rau tàu bay và con chim gáy cho anh nuôi Nguyễn Văn Vị.
Đồng chí Vị cầm con chim, vui vẻ nói: “Thế là có cái ăn Tết rồi! Băm nhỏ, cho vào nồi cháo, cả Trung đội liên hoan!”.
Tối hôm đó, cả Trung đội xì xụp ăn cháo, chờ Giao thừa nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Lời Bác thật ấm áp, truyền cảm hứng và cả sức mạnh cho chúng tôi nơi chiến trường khốc liệt: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei Me, Đà Nẵng...”. Cảm động quá, lời chúc Tết của Bác đã nhắc tới chiến công Plei Me của chúng tôi.
Đến Tết Giáp Dần 1974, tôi là sĩ quan liên lạc của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương (đoàn B) tại Trại Davis. Dịp 22-12-1973, chúng tôi được đón Tổ văn công xung kích của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị từ Hà Nội vào và Tổ văn công của Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ giọng hát của ca sĩ Mộng Tước trong Tổ văn công xung kích của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị trình bày ca khúc “Nổi lửa lên em” (nhạc sĩ Huy Du). Đây là món quà tinh thần quý giá mà những người lính ở chiến trường ao ước. Được nhìn thấy các nam, nữ diễn viên từ hậu phương lớn miền Bắc vào biểu diễn, chúng tôi như vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sau bao năm xa cách.
Gần Tết, lực lượng văn công xung kích ra Bắc, trở về Hà Nội. Trước khi lên đường, họ cũng kịp dàn dựng cho các văn nghệ sĩ nghiệp dư chúng tôi một số chương trình, tiết mục văn nghệ để đêm Giao thừa và những ngày đầu Xuân Giáp Dần biểu diễn, đón tiếp khách. Đêm Giao thừa, chiến sĩ cảnh vệ Bùi Đức Hòa đệm đàn cho tốp ca hát bài “Nổi lửa lên em”. Đại tá Bùi Thanh Khiết, Phó trưởng đoàn B cũng tham gia màn đồng ca với tổ phiên dịch.
Tết Nguyên đán Giáp Dần 1974 khá đầy đủ. Hậu phương chăm lo cho chúng tôi nào gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn gói bánh chưng, bánh tét, bánh kẹo Hải Châu, thuốc lá Điện Biên bao bạc thơm phức, trà Hồng Đào, rượu chanh, rượu Lúa Mới... Chỉ nhìn thấy những món quà quê hương mà chúng tôi đã rưng rưng nước mắt vì sự chăm lo chu đáo, tận tình của miền Bắc đối với những đứa con xa nhà. Đặc biệt, ở giữa hang ổ quân thù, chúng tôi vẫn có cây đào Ngọc Hà và cây mai vàng từ Lộc Ninh gửi tới...
Mỗi độ Tết đến, xuân về, tôi không thể nào quên hai cái Tết ở chiến trường. Một cái Tết thiếu thốn mọi thứ, vì ngày đó chiến sự còn rất ác liệt. Và một cái Tết đủ đầy hương vị Tết quê hương, bởi khi đó, chúng ta đã ký Hiệp định Paris, đang trên đà thắng lợi...
Đại tá ĐINH QUỐC KỲ