QĐND - Bây giờ ai cũng biết tới những khẩu lệnh quân sự cơ bản nhất như “Nghiêm”, "Nghỉ”, "Bên phải! quay”, Bên trái! quay”, "Đi đều! bước”… Nhưng ít ai biết rằng, vào khoảng đầu năm 1941, những người tham dự lớp huấn luyện quân sự đầu tiên do Đảng ta tổ chức đã phải dày công nghiên cứu thay thế những khẩu lệnh của Tàu Tưởng như “Lập chính”, “Siêu xỉ!”; “Khai bổ, Chẩu!”; “Xửu chính!”; "Tán khai!”…
Sau Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa, việc đào tạo cán bộ quân sự đã trở nên cấp thiết. Trung ương lâm thời quyết định tổ chức hai lớp đào tạo cán bộ quân sự ngắn kỳ ở Sơn Mít, bãi ven sông Cầu, thuộc địa phận làng Vân, cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo mới di chuyển từ Đình Bảng, Từ Sơn lên. Khi ấy là vào khoảng tháng 1, 2-1941.
Ông Đào Văn Trường (hàng trước bìa trái) chụp ảnh cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo (1950). Ảnh tư liệu.
Đồng chí Lương Văn Chi (Huy Còm), người cùng quê với đồng chí Hoàng Văn Thụ, từng học quân sự ở Nam Ninh Học hiệu (Trung Quốc), đã làm tới dinh trưởng (tiểu đoàn trưởng) trong quân đội Tưởng được giao phụ trách lớp, được gọi là “giáo quan”. Tôi khi ấy là Bí thư Liên tỉnh B, được điều về dự lớp với vai trò học viên, nhưng cũng là Chính trị Chỉ đạo viên, kiêm Bí thư Chi bộ lớp thứ nhất. Lớp thứ hai, anh Hoàng Văn Thái làm Bí thư Chi bộ. Phần tôi, vì đã qua một lớp, biết chút ít võ vẽ về quân sự, nên được giao làm “phó giáo quan” kiêm Chính trị Chỉ đạo viên. Mỗi lớp khoảng 20 người, thời gian học chừng 1 tháng. Chương trình học từ cá nhân chiến đấu, tổ tam tam lên tiểu đội chiến đấu là chính, có học qua trung đội chiến đấu. Vũ khí, vẻn vẹn có 2 khẩu súng mút, dáp 3 và dáp 5 (3 viên và 5 viên), 1 khẩu súng khai hậu, 3 khẩu súng kíp, đều lấy ở Bắc Sơn về. Còn lại, toàn là súng gỗ!... Tuy vậy, suốt ngày chúng tôi cũng hò hét, bò, lăn, lê, toài; học tháo lắp súng; học tiến công, phòng ngự theo địa hình, địa vật trong đội hình chiến đấu của phân đội nhỏ...
Có một điều rõ ràng là trong học tập, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì thầy là người Tày, nói tiếng Kinh chưa thật thạo lắm. Phần khác, giờ đây mục đích yêu cầu của khóa học là rất mới. Không thể tổ chức, huấn luyện và chiến đấu như thời trước. Cũng không thể rập khuôn theo kinh nghiệm của bọn quân phiệt “Tàu Tưởng” mà ông thầy của chúng tôi đi học mang về, từng được sử dụng nguyên si trong thời gian còn phục vụ trong quân đội Tưởng Giới Thạch.
Một hôm, anh Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Trung ương, phụ trách quân sự, chị Hoàng Ngân cán bộ binh vận ra thao trường theo dõi từ đầu đến cuối buổi tập của chúng tôi. Chị Hoàng Ngân cứ bưng miệng mỉm cười. Anh Hoàng Văn Thụ tỏ ra hết sức băn khoăn, lo ngại, nhiều lúc muốn nói ngay, lại thôi! Tối hôm đó, anh Thụ gọi chúng tôi: Anh Huy Còm, tôi và anh Hoàng Văn Thái về gặp anh ở làng Vân, cơ quan của Trung ương. Chị Hoàng Ngân từng làm công tác binh vận ở Phả Lại, Đông Triều, Núi Đèo (Thủy Nguyên), thẳng thắn nói lên thắc mắc của mình: “Thấy các anh tập tành tôi cứ nghĩ tới những buổi tập của lính khố đỏ, chúng cũng “A-đoái!” (A droit - bên phải quay), “A-gối!” (A gauche - bên trái quay), “Ăng-a-văng, Mác!” (En avant, marche! - Đi đều bước)… nên không sao nhịn cười được!
Anh Hoàng Văn Thụ đặt vấn đề nghiêm túc và cụ thể hơn: “Phải Việt Nam hóa chương trình huấn luyện”, "Phải cách mạng hóa nội dung huấn luyện”. Chắc chắn là Hồng quân Liên Xô, Hồng quân Trung Quốc không làm như vậy! Anh đăm chiêu: “Tiếc rằng kinh nghiệm chiến đấu của cha ông ta bị mai một! Còn Diên An thì lại ở xa quá!... Giá mà lúc này đây có anh Phùng Chí Kiên ở nhà..!”.
Khúc mắc trong lòng được cởi mở, lại có chỉ thị cụ thể của Đảng, hơn bao giờ hết, chúng tôi thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Ngày đêm, anh Huy Còm, tôi và anh Hoàng Văn Thái ra sức tham khảo tài liệu “Tàu, Tây” có trong tay lúc ấy, là “Sách Tàu” (tôi không nhớ tên sách) của anh Huy Còm và cuốn "Sổ tay của người sĩ quan lục quân thuộc địa” của Pháp, mượn được của anh Trường Chinh và đánh vật với yêu cầu “Phải Việt Nam hóa chương trình huấn luyện!”, “Phải cách mạng hóa nội dung huấn luyện!”. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra được lối thoát, bắt đầu từ khẩu lệnh tập tành và chỉ huy chiến đấu, từ những điều kỷ luật của quân đội cách mạng, chủ yếu dựa vào những gợi ý của anh Hoàng Văn Thụ, anh Huy Còm khi nói về trường Hoàng Phố, về Hồng quân Trung Quốc. Quá trình mò mẫm này thật lâu dài, gian khổ. Từ những khẩu lệnh “đặc sệt” Tàu như “Lập chính!”, "Hưu tức!”, "Khai bộ, bước!”, "Tiền tiến!”, "Tán khai!”, "Xạ kích!”, "Đình bắn!”… sau một thời gian đã được Việt hóa dần thành "Đứng nghiêm!”, "Nghỉ ngơi!”, "Đằng trước, tiến!”, "Dừng bước, đứng!”, "Sang phải, quay!”, "Sang trái, quay!”, "Đằng sau, quay!”, "Tiến lên!”, "Tản ra!”, "Lắp lưỡi lê, chuẩn bị xung phong!”.
Sau quá trình huấn luyện và trực tiếp chiến đấu với quân thù ở Bắc Sơn-Võ Nhai, ở Cao Bằng, ở Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái, tiếp đó là 5 năm vừa học, vừa đánh, vừa rút kinh nghiệm của Cứu quốc quân, của Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, của Việt Nam Giải phóng quân sau này, trong suốt cả thời kỳ Vũ trang Khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng Khởi nghĩa (1940-1945), chúng ta mới có được những khẩu lệnh quân sự vắn, gọn, chính xác, “Việt Nam 100%” dưới đây: “Nghiêm!”, "Nghỉ!", "Bên trái, quay!”, "Bên phải, quay!”, "Đằng sau, quay!”, "Đi đều, bước!-một, hai!-một, hai!”, "Đứng bắn!”, "Nằm bắn!”, "Quỳ bắn!”, "Tiến lên!”, "Đứng lại!”, "Tản ra!”, "Lắp lưỡi lê!”, "Xung phong” v.v..
LẠI VĨNH MÙI - TRẦN THANG HẰNG (ghi)
Đại tá ĐÀO VĂN TRƯỜNG kể (Đại tá Đào Văn Trường (tên khai sinh Thành Ngọc Quản), nguyên Trung đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ Trung đội Cứu quốc quân 2, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng.)