Tôi vào chiến trường từ tháng 1-1966. Trong nhiều năm ở Trường Sơn, tôi ở đơn vị Cảnh vệ, Bộ Tham mưu, Bộ tư lệnh 559. Đầu năm 1967, Trung tá Đoàn Lược, Trưởng ban Quân lực (sau này là Đại tá, Tham mưu phó Bộ tư lệnh 559) có đi thăm một số binh trạm và đơn vị công binh. Chuyến công tác này, tôi được cử đi cùng. Trung tá Đoàn Lược quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Anh có dáng người cao to, trông dữ tướng nhưng lại rất hiền, luôn gần gũi, quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Trên đường công tác, thủ trưởng Đoàn Lược và tôi đã gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cuộc gặp gỡ giữa chiến trường thật cảm động vì chúng tôi đều quê ở Phú Thọ, tôi lại học cùng trường cấp 3 với anh Duật. Ở chiến trường, tình đồng hương là tình cảm sâu nặng nghĩa tình. Tôi đưa anh Duật xem 3 bài thơ tôi mới sáng tác: “Bài ca Cảnh vệ”, “Thơ viết trước giờ ra trận”, “Tiếng hát trên đường Trường Sơn”. Anh đọc kỹ và đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc. Bài thơ “Bài ca Cảnh vệ” được in trong tập “Hoa thắm Trường Sơn” do Cục Chính trị, Bộ tư lệnh 559 xuất bản năm 1967. Bài thơ “Tiếng hát trên đường Trường Sơn” sau này được in trong tuyển tập thơ, văn 55 năm của bộ đội Trường Sơn (1959-2014).
Kết thúc chiến tranh, từ năm 1976, tôi về dạy môn Ngữ văn ở Trường cấp 3 Hùng Vương. Năm 1980, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập trường, tôi được nhà trường cử đi Hà Nội mời anh Duật về nói chuyện với giáo viên và học sinh toàn trường. Sau đó, các năm 1985, 1990, 1996, 2004, tôi đều được cử đi Hà Nội mời và đón anh Duật về trường.
|
|
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (bên trái) và tác giả về dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Trường THPT Hùng Vương (ngày 1-12-2004). Ảnh do tác giả cung cấp |
Đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường THPT Hùng Vương (1-12-1945 / 1-12-1985), anh đăng trên Báo Nhân Dân bài thơ “Giếng trường”, gửi gắm những tình cảm sâu nặng của mình đối với nhà trường. Anh đã gửi tặng hai tờ báo Nhân Dân có đăng bài thơ này (1 tờ tặng trường, 1 tờ tặng tôi). Trước đó, năm 1983, xuất bản tập thơ “Vầng trăng và những quầng lửa”, anh cũng gửi tặng nhà trường và tôi tập sách quý này. Trong những lần gặp gỡ, tôi và anh Duật thường ôn lại những kỷ niệm ở Trường Sơn, trao đổi về thơ văn, về thế thái nhân tình...
Nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh cùng học một khóa Trường cấp 3 Hùng Vương, cùng quê Phú Thọ, cùng học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khóa 1961-1964), cùng nhập ngũ năm 1964, cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày toàn thắng. Ngày 2-12-2006, anh Ảnh qua đời. Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ và tôi gọi điện báo cho anh Duật biết tin. Những ngày này ở Hà Nội và Phú Thọ trời mưa, rét đậm. Xe ô tô con của cơ quan bận đi công tác, anh Duật đã một mình đi xe máy vượt hơn 100km từ Hà Nội về phường Vân Phú, TP Việt Trì để kịp viếng bạn. Khi đến Việt Trì, mặt anh tím tái vì lạnh buốt.
Ngày 4-12-2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đi về cõi vĩnh hằng. Nghe tin anh mất, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong Trường Sơn, các văn nghệ sĩ, các thế hệ giáo viên, học sinh Trường THPT Hùng Vương rất đau buồn. Dự lễ viếng và truy điệu, tôi xúc động sáng tác bài thơ “Khóc thương một nhà thơ”, trong đó có đoạn:
Cả đời ít nghĩ đến mình
Say mê cái đẹp, lợi-danh chẳng màng
... Anh đi về cõi vĩnh hằng
Đường xa “Quầng lửa-vầng trăng” rạng ngời.
ĐOÀN HẢI HƯNG