Sinh ra trong một gia đình trí thức ở thị trấn Minh Tân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, trước khi trở thành trắc thủ điều khiển B72, chàng trai Đào Văn Tiến là sinh viên Khóa 10, Khoa Vật tư, Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Nhờ tư chất thông minh, có nền tảng văn hóa vững chắc, sức khỏe tốt nên sau khóa huấn luyện tân binh, anh được chọn đi học lớp “đào tạo trắc thủ tên lửa chống tăng B72”. “B72 tên thật là 9M14 Malyutka, do Liên Xô (trước đây) sản xuất. Điều khiển bằng hữu tuyến. Do được đưa vào chiến trường B và sử dụng từ năm 1972 nên được ta gọi tắt là B72. Lúc này, đây là loại vũ khí chống tăng mới, công nghệ hiện đại và uy lực cao”-Đại tá Đào Văn Tiến giải thích.

Sau khi kết thúc khóa học, anh là một trong ba học viên xuất sắc nhất được chọn đi bắn kiểm tra, sau đó bắn trình diễn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan. Cuộc bắn thành công tốt đẹp, tất cả các viên đạn đều trúng mục tiêu, hiệu suất bắn đạt 100%. Cuối tháng 12-1971, Đào Văn Tiến nhận lệnh hành quân đi chiến đấu, là trắc thủ số 1 thuộc Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 371, Bộ tư lệnh Pháo binh. Quá trình chiến đấu, anh luôn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ bắn tên lửa B72 trong các trận đánh quan trọng. Trận đầu tiên mà trắc thủ Đào Văn Tiến tham gia là trận tiến công căn cứ Tân Cảnh, Kon Tum vào giữa tháng 3-1972. Ông nhớ lại:

- Trận này, trung đội tôi được phối thuộc vào Trung đoàn Bộ binh 66, đảm nhiệm tấn công địch trên hướng chủ yếu. Lúc đầu, ta gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã khai hỏa hơn 1 giờ mà cửa mở số 1 vẫn chưa khai thông. Địch củng cố lô cốt, cho xe tăng ra chiếm lĩnh trận địa, dùng hỏa lực bắn dồn dập chặn lực lượng mở cửa khiến cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhiều. Nhận được lệnh của cấp trên, đơn vị chúng tôi sử dụng B72 chế áp địch khu vực cửa mở số 1. Tôi là trắc thủ số 1 đã bắn 33 quả B72, có 32 quả trúng mục tiêu, dập tắt các hỏa điểm, lô cốt và bắn cháy xe tăng địch, tạo điều kiện cho bộ binh tiến công thắng lợi. Sau trận đánh, các cán bộ, chiến sĩ bộ binh đã đến trận địa chúng tôi cảm ơn và khen ngợi. Sau đó, tôi được cấp trên tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

leftcenterrightdel
Đại tá Đào Văn Tiến giới thiệu bức ảnh chụp buổi bắn trình diễn tên lửa B72 năm 1971. 
Không chỉ là một trắc thủ có kỹ thuật thành thạo, chính xác, Đào Văn Tiến còn có nhiều giải pháp sáng tạo trong cách bắn B72. đặc biệt, anh có những quyết định táo bạo trong những khoảnh khắc quyết định, tiêu biểu như trong trận đánh địch tái chiếm ở thị trấn Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Sau khi đại đội tên lửa B72 do đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Đại đội trưởng chỉ huy đã chiếm lĩnh xong trận địa Hòn Một thì sáng hôm sau, ngày 8-2-1973, một cánh quân địch được dẫn đầu bởi xe tăng và xe bọc thép M113 từ chân Núi Dâu đi theo bãi cát dọc bờ biển, đánh vào các thôn ven biển thuộc xã Phổ Khánh, sau đó đánh thọc vào phía sau, bên sườn trận địa của đơn vị. Thật trớ trêu, hướng chuẩn bị và thiết bị đạn của tên lửa B72 lúc này lại bắn ra hướng khác (hướng Quốc lộ 1), vì vậy, xe và bộ binh địch cơ động ngoài xạ giới điều khiển của tên lửa. “Tình thế vô cùng nguy cấp. Đại đội trưởng lo lắng còn tôi thì quan sát, băn khoăn, tính toán. Nếu bắn là ngoài quy định của giáo trình lý thuyết đã được học, không bắn thì trận địa sẽ bị tiêu diệt. Sau khi cân nhắc, tôi mạnh dạn đề xuất bắn. Đại đội trưởng chấp nhận. Tôi lập tức ấn nút phóng, viên đạn bay theo hướng Quốc lộ 1 một đoạn, bằng mắt thường, tôi bẻ cần lái đưa viên đạn quặt hết cỡ sang phải và nhanh chóng kết hợp bằng mắt kính, điều khiển đạn lao thẳng tới chiếc M113 đang tăng tốc lao về phía chúng tôi. “Bùm”, chiếc M113 bốc cháy dữ dội. Bọn địch phía sau hoảng loạn rút lui. Phát hiện có B72, địch huy động tổng lực hỏa lực, cả máy bay ném bom vào trận địa. Hầm chúng tôi trú ẩn dưới một tảng đá lớn nên mọi người không bị thương vong. Từng chùm bom lao thẳng xuống cạnh hầm, nổ chát chúa, rung chuyển, đất đá bay lên, chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ. Sáng 11-2, phát hiện một tốp khoảng 4-5 chiếc xe tăng, xe thiết giáp tiến vào. Tôi ấn nút, quả tên lửa đầu sượt qua tháp pháo chiếc xe tăng đầu tiên. Tôi lập tức ấn nút lần 2, tên lửa trúng ngay buồng chứa đạn của chiếc M41 khiến chiếc xe tăng này nổ tung và làm kích nổ cả chiếc xe bên cạnh. Vậy là, 1 quả đạn diệt 2 mục tiêu. Cả trận địa không ai bảo ai, bất chấp phía trước là địch, chúng tôi nhảy hết lên công sự reo mừng”-Đại tá Đào Văn Tiến nhớ lại.

Không chỉ bắn diệt mục tiêu ngoài xạ giới điều khiển, trắc thủ Đào Văn Tiến còn sáng tạo ra nhiều cách bắn không có trong lý thuyết như: Bắn xe tăng địch ở góc tà âm nhưng thiết bị đạn ở góc tà dương (do ngay phía trước trận địa có hàng cây cao che lấp); điều khiển đạn bay qua chướng ngại vật che chắn trước trận địa để tiêu diệt xe tăng, pháo binh…

Sau ngày miền Nam giải phóng, trắc thủ Đào Văn Tiến đảm nhiệm các chức vụ khác nhau rồi được cấp trên cử đi học và ở lại công tác tại Học viện Lục quân. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Lục quân. Kinh nghiệm, chiến công bắn tên lửa B72 của ông luôn được các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên chuyên ngành pháo binh của học viện xem là kỳ tích, mẫu mực để nghiên cứu, học tập.

Bài và ảnh: Vũ Đình Đông