Thiếu úy, cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Đức sinh năm 1950, quê thị trấn Thanh Hà (Hải Dương). Đang học lớp 10, anh chích ngón tay lấy máu viết đơn tình nguyện tòng quân cứu nước, trả thù cho cha (liệt sĩ Nguyễn Văn Ty, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp). Tháng 3-1968, Nguyễn Văn Đức đi B. Qua 7 trận đối đầu với quân địch, anh nổi danh là chiến sĩ trinh sát giỏi của Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44-Quảng Đà, được bổ nhiệm Trung đội phó hỏa lực thuộc Đại đội 3 (chủ công của tiểu đoàn). Đến trận thứ 8, chống địch đi càn “bình định cấp tốc nông thôn” ở vùng Gò Nổi, trong một cảnh ngộ bi hùng, anh rơi vào tay giặc… Ông Đức kể:
- Đêm 17-11-1968, Tiểu đoàn 3 với hơn 300 quân, tập kết ở xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam), đang chuẩn bị đi chiến dịch thì địch đổ hơn 5.000 tên Mỹ, ngụy và chư hầu (trong đó có trung đoàn 51 chủ lực ngụy) xuống 5 xã thuộc Gò Nổi hồi bấy giờ là: Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Thái, Điện An, Điện Phước, thực hiện càn quét “bình định cấp tốc nông thôn”. Tại Điện Thọ, địch có khoảng 1.000 tên. Chúng ra sức bắt bớ, đàn áp đồng bào ta. Bị Tiểu đoàn 3 (chủ công là Đại đội 3) phản kháng quyết liệt, địch rút xe tăng ra và tập trung hỏa lực pháo cối từ các căn cứ: Núi Lở, Bồ Bồ, Cẩm Hà giội đến cùng với máy bay UH-1A quần thảo, siết dần vành đai quanh 5 xã, thít lại tại vùng đầu cầu Kỳ Lam (trục đường sắt giữa hai xã Điện An và Điện Thọ), tạo nên thế trận bất lợi cho ta. Ở trung tâm và vòng ngoài cùng là địch. Quân ta ở giữa, không thể nhận tiếp ứng từ bất cứ hướng nào!
Trước kẻ thù đông và mạnh hơn gấp nhiều lần, Đảng ủy Tiểu đoàn 3 chủ trương lãnh đạo bộ đội quyết chiến đến cùng. Mỗi tay súng là một dũng sĩ. Phát huy sự mưu trí, sáng tạo, lợi dụng địa hình địa vật, dùng chiến thuật để vô hiệu hóa một phần hỏa lực địch, tiêu hao sinh lực khiến chúng không dễ “ăn sống nuốt tươi” đối phương như đã huênh hoang.
Giọng chùng xuống, ông kể tiếp: “Sau gần 10 ngày giao chiến, không ít lính địch phơi thây cùng những xác xe tăng. Song, do điều kiện ngặt nghèo, lực lượng ta hao nhanh. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3, trừ Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khôi đi họp, còn lại hy sinh hết. Ở Đại đội 3 chủ công, đêm 25-11, đạn pháo địch rơi tại cửa hầm chỉ huy Trung đội 4. Anh Tiến, Trung đội trưởng hy sinh ngay. Tôi chỉ huy trung đội thay anh, trong tình trạng bị mảnh pháo văng trúng mắt trái. Sau khi tôi được chị Vân Lan, y tá cơ quan dân chính địa phương (về sau là cán bộ lãnh đạo của TP Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội…) băng bó, thì lại đến anh Nguyễn Trung Đỗ, Trung đội trưởng Trung đội 1 trúng pháo; anh Mạc Văn Diệu, xạ thủ B-40, bắn được 3 quả diệt xe tăng địch thì dính đạn M-72, một bên đùi giập nát.
Những ngày sau đó vô cùng tàn khốc. Địch cho xe tăng tràn lên áp đảo, đánh sập các hầm chứa thương binh. Đại đội 3 có gần 50 thương binh nằm trong các gò nổi, thì chúng bắn chết 30 người và bắt số còn lại đưa đi… Trút căm hờn lên nòng súng, toàn bộ cán bộ, đảng viên Đại đội 3 tiên phong đối mặt với hỏa lực địch. Xác giặc nằm như ngả rạ. Những chiếc xe tăng trúng đạn B-40 nằm chết gí…
Sau đó, đạn pháo bầy của địch lại ập đến. Anh Đinh Công Bốn (quê Hà Nam), Chính trị viên phó đại đội bị thương nặng vẫn không rời vị trí chiến đấu. Đại đội trưởng Huân (quê Hà Tây), Chính trị viên Vũ Trí Thoại (quê Quảng Ninh) trước lúc tắt thở còn động viên anh em: “Hãy kiên cường, làm cho bọn giặc khát máu phải khiếp đảm trước tinh thần và ý chí của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...”. Thời điểm đó, Đại đội 3 chỉ còn gần 20 tay súng với những băng đạn cuối cùng. Trong tình hình ấy, mặc dù mất một mắt và bị thương ở đỉnh đầu, tôi vẫn nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của trên, bàn giao chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 4 hỏa lực cho đồng đội, để đảm trách cương vị Đại đội phó phụ trách Đại đội trưởng.
Tranh thủ lúc im ắng tiếng súng, tôi tập trung anh em, nhận định: “Địch đã biết rõ lực lượng hiện tại của ta. Rất có thể chúng sẽ tìm mọi cách để bắt sống, nhằm khai thác thông tin và tuyên truyền rùm beng, hòng lung lạc ý chí chiến đấu của chiến sĩ ta. Bởi vậy, ta sẽ không tấn công đồng loạt mà linh hoạt lợi dụng địa hình địa vật, khi có yếu tố thuận lợi xuất hiện thì triệt để tận dụng, tạo thế có lợi hơn để tiếp tục chiến đấu, tiêu hao sinh lực địch. Trong trường hợp không còn cơ hội, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đáp lại lời dặn của anh Huân, anh Thoại và trả thù cho đồng đội”.
Tất cả anh em đều đồng tình, chờ thời cơ nhả vào quân địch những viên đạn cuối cùng. Nguyễn Văn Đức vừa chỉ huy, vừa đôn đáo động viên các chiến sĩ, chia sẻ đau đớn với thương binh và trực tiếp tổ chức mai táng những đồng đội đã hy sinh. Tình thế ngặt nghèo, song tinh thần vẫn bừng bừng trong từng tay súng.
Đầu tháng 12, mặc dù Trung đoàn 36 và một số đơn vị khác tìm cách ứng cứu, giải vây, nhưng với thế trận ấy, quân ta ở vào tình trạng bế tắc. Ngày 7-12-1968, địch mở đợt tấn công mới. Trước sự bất khuất của chiến sĩ ta, chúng lồng lộn bắn phá… Sau khi đồng chí Dũng-Tiểu đội trưởng hỏa lực súng máy hy sinh, số người của Đại đội 3 chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thì nhận được lệnh của trên: “Các đồng chí còn sống hãy thận trọng tìm đường thoát khỏi vòng vây của địch”…
Nửa đêm 9-12-1968, đợi cho đồng đội rút ra hết, ông Đức bí mật vượt đường sắt trên cầu Kỳ Lam bắc qua sông Vĩnh Điện. Đến giữa cầu, ông bị một viên đạn đại liên của địch làm vỡ nát chân trái. Địch bắt ông ngay lúc ấy. Chúng khẩn trương chữa vết thương cho ông nhằm khai thác tình hình quân ta. Song, từ đầu đến cuối, bất chấp mọi sự đe dọa, ông nhất mực nói: “Nguyễn Văn Đức, 18 tuổi, vừa từ miền Bắc vào đánh trận đầu tiên, không biết gì hết!”. Tên sĩ quan hỏi cung lắc đầu ngán ngẩm. Sau đó, địch đày ông ra Nhà tù Phú Quốc. Tại đây, ông bước vào cuộc chiến đấu mới với những thử thách khắc nghiệt. Và một lần nữa, ông lại chiến thắng. Ngày 14-2-1973, địch trao trả ông về với quân ta tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị)…
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG