Đồng chí Trần Hữu Chí, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận 12 (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Ngày 25-12-1945, Tỉnh ủy Gia Định quyết định lấy xã An Phú Đông, Thạnh Lộc (nay là phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thanh Xuân, thuộc quận 12) làm căn cứ kháng chiến. Vượt qua muôn vàn gian khổ, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Chiến khu An Phú Đông đã kiên cường bám trụ chiến đấu, anh dũng, hy sinh, xây dựng căn cứ Chiến khu An Phú Đông bất tử. Nơi đây trở thành bàn đạp để bộ đội chủ lực phối hợp với các lực lượng tiến công cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn, góp phần tạo thế trận làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng miền Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, quân dân Chiến khu An Phú Đông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.  

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai và đồng đội dự họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông đầu Xuân 2017. 

Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu xuống căn cứ tuyên truyền vận động, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, 89 tuổi, quê ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, nguyên cán bộ Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Gia Định, kể: “Chấp hành mệnh lệnh của trên, chúng tôi đến từng gia đình tuyên truyền chủ trương kháng chiến, mục đích, yêu cầu, ý nghĩa xây dựng Chiến khu An Phú Đông, xây dựng tình đoàn kết quân dân cùng nhau chống giặc, giữ làng với khẩu hiệu “Thà chết không chịu sống nô lệ lần nữa”. Ngày đó, vùng chiến khu cau mọc thành rừng, gắn với đồng ruộng, sông, rạch chằng chịt, xung quanh có bờ bao nước lên xuống theo thủy triều sông Sài Gòn. Địa hình này là một lợi thế để chúng ta xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng đấu tranh. Dưới rừng cau, chúng tôi có thể di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác mà địch rất khó phát hiện. Một lần vào cuối tháng 12-1946, bị địch truy đuổi, tôi chạy đến bờ sông Sài Gòn, nhanh chóng dìm mình xuống nước. Bọn địch truy kích đến bờ sông, không phát hiện dấu vết, chúng chỉ bắn vu vơ rồi bỏ đi. Về sau, địch dùng nhiều thủ đoạn đánh phá ác liệt, phá hủy những vườn cau, bắt bớ, giết hại nhiều cán bộ, cơ sở cách mạng. Cái tên “Vườn cau đỏ” xuất phát từ đấy. Sự tàn sát dã man của địch càng thổi bùng tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của quân dân An Phú Đông”.   

Cựu chiến binh Phạm Minh Hiền, 82 tuổi, nguyên chiến sĩ Chi đội 6, Trung đoàn 306, LLVT TP Hồ Chí Minh nhớ lại: Khi ấy, để có vũ khí chiến đấu, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức, lực lượng, nhân dân thành lập “Hội ủng hộ Vệ Quốc đoàn” và vận động, xây dựng cụm công binh xưởng tại chiến khu, chế tạo được lựu đạn, súng thô sơ. Thời kỳ này, lực lượng kháng chiến cho ra đời tờ báo Cảm tử do đồng chí Lý Chiến Thắng phụ trách, xuất bản hơn 4.000 bản, gửi đi các vùng Nam Bộ. Cuối tháng 3-1946, trong một trận chống địch càn quét vào chiến khu, đồng chí Lý Chiến Thắng bị thương và bị địch bắt giam, tra tấn dã man, sau đó đã anh dũng hy sinh…

Đôi mắt ngấn nước, ông Hiền kể tiếp:

- Chúng tôi vẫn nhớ mãi chị Trần Thị Nương, nhà ở ven sông Sài Gòn, là cơ sở nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Cuối tháng 12-1947, quân địch càn quét vào sát nhà chị. Con chị mới chừng 1 tuổi bất ngờ bật khóc. Để giữ bí mật, chị Nương đã bịt miệng em bé. Thật không may, cháu bé bị ngạt thở, đã qua đời sau đó, để lại nỗi day dứt, thương tiếc khôn nguôi trong lòng chúng tôi và đồng đội bao năm qua… Tấm gương anh dũng hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khiến cao trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Lập chiến công xuất sắc, song, quân dân Chiến khu An Phú Đông cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Tri ân các gia đình cách mạng, nhân dân chiến khu, những năm qua, các cấp, các ngành của thành phố đã thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong năm 2016, quận 12 đã tặng hơn 4.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo; đầu tư, đóng góp hơn 6 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông, chăm lo gia đình chính sách. Nhận rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, chiến công của quân dân Chiến khu An Phú Đông, những năm qua, thành phố đã đầu tư xây dựng Khu di tích gồm các hạng mục: Nhà trưng bày; nhà điều hành; khu tưởng niệm…

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN